Theo cô Lê Thị Nguyệt Nga - Phó Hiệu trưởng, Trường THPT Công Nghiệp Việt Trì (Phú Thọ) - đổi mới công tác xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn cần tập trung vào một số vấn đề sau:
Lưu ý giúp xây dựng kế hoạch hoạt động hiệu quả
Xác định rõ các loại kế hoạch chuyên môn cơ bản phải xây dựng và chỉ đạo thực hiện gồm: Kế hoạch năm học của tổ chuyên môn; kế hoạch thực hiện đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá; kế hoạch kiểm tra hoạt động chuyên môn của giáo viên trong tổ; kế hoạch bồi dưỡng nâng cao chất lượng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ giáo viên trong tổ.
Để xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn một cách hiệu quả, cần làm tốt một số việc sau:
Thứ nhất, thu thập, tổng hợp và phân tích một số loại thông tin cơ bản như: Những văn bản chỉ đạo công tác chuyên môn, chỉ đạo thực hiện đổi mới sinh hoạt tổ chuyên môn của các cấp và định hướng lớn của nhà trường trong năm học được đặt ra trong kế hoạch năm học; thông tin về học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất,...; thực tế hoạt động tổ chuyên môn và công tác quản lý hoạt động của tổ chuyên môn trong nhà trường (đã làm được gì? chưa làm được gì? nguyên nhân?).
Thứ 2, các định công việc, mục tiêu và biện pháp thực hiện. Cụ thể, xác định rõ những việc cần làm từ đầu năm học đến kết thúc năm học. Nội dung công việc phải cụ thể, thiết thực, phù hợp với thực tế về đội ngũ, về đối tượng học sinh, về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học. Xác định rõ mục tiêu, biện pháp thực hiện: Để đạt được các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra cần làm như thế nào? Xác định rõ các bước và lộ trình thực hiện.,
Tổ trưởng tổ chức họp lấy ý kiến tham gia xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn, qua đó bổ sung, điều chỉnh và hoàn chỉnh bản kế hoạch, đảm bảo tính khoa học, tính thực tiễn và tính khả thi.
Sau khi hoàn chỉnh bản kế hoạch, Tổ trưởng trình Hiệu trưởng nhà trường phê duyệt. Triển khai thực hiện kế hoạch theo lộ trình thời gian, công việc đã được xác định và thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch.
Giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân
Trong việc quản lý, chỉ đạo giáo viên xây dựng kế hoạch cá nhân, trước hết cần xác định các loại kế hoạch cơ bản giáo viên phải lập trong năm học gồm:
Kế hoạch hoạt công tác năm học; kế hoạch công tác chủ nhiệm lớp; kế hoạch thực hiện các chuyên đề đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá; kế hoạch bồi dưỡng học sinh giỏi - phụ đạo học sinh yếu, kém; kế hoạch sử dụng đồ dùng, thiết bị dạy học.
Để công tác xây dựng và thực hiện kế hoạch cá nhân giáo viên có hiệu quả, hiệu trưởng cần chỉ đạo những vấn đề sau:
Thống nhất quy trình, các bước, nội dung, biện pháp xây dựng kế hoạch năm học cùng với các tổ trưởng, tổ phó tổ chuyên môn (có những mẫu thống kê, đăng ký cụ thể);
Chỉ đạo tổ trưởng và thành viên trong tổ nghiên cứu kỹ nhiệm vụ năm học, các chỉ tiêu cơ bản của nhà trường. Chú trọng đến tính khả thi của từng mục tiêu. Phân tích được những điểm mạnh, điểm yếu của tổ chuyên môn và của từng cá nhân;
Tổ trưởng lập kế hoạch phân công nhiệm vụ cho từng thành viên từ đó giáo viên trong tổ xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ năm học của cá nhân.
Điều kiện thực hiện
Bản kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn phải đảm bảo tính khoa học: Không bị trùng chéo về thời gian tổ chức hoạt động, về chức năng, lãnh chỉ đạo của của cán bộ quản lý, của mỗi bộ phận trong bộ máy quản lý.
Kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn phải thống nhất với kế hoạch hoạt động chung của nhà trường và phù hợp với điều kiện thực tế về đội ngũ; cơ sở vật chất, thiết bị giáo dục; đặc điểm điều kiện của học sinh nhà trường để đảm bảo tính khả thi cao.
Để kế hoạch của tổ chuyên môn và cá nhân giáo viên có tính khả thi và sát với thực tế thì kết quả khảo sát phải phản ánh đúng thực tế chất lượng của các lớp; công tác ra đề kiểm tra khảo sát phải phân loại được đối tượng học sinh.
Hiệu trưởng nhà trường phải cung cấp đầy đủ các văn bản hướng dẫn, các tài liệu hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học, thực hiện đổi mới hoạt động dạy học của Bộ GD&ĐT, Sở GD&ĐT để tổ chức nghiên cứu, học tập và quán triệt thực hiện.