Đó là những hình thức bồi dưỡng đem lại hiệu quả đáng kể và vì thế vẫn được sử dụng lâu dài. Tuy nhiên, theo GS Đinh Quang Báo - nguyên Hiệu trưởng Trường ĐHSP Hà Nội - việc lựa chọn bồi dưỡng phù hợp, tối ưu cần dựa trên các yếu tố: nội dung, phương pháp, mục đích bồi dưỡng. Tuy nhiên dù là hình thức nào thì tự học, tự bồi dưỡng, bồi dưỡng tại chỗ theo đơn vị từng trường học là quan trọng, khả thi và cho hiệu quả cao nhất.
Nguyên tắc tự học được quán triệt không chỉ ở hình thức bồi dưỡng tại chỗ, tại nhà, mà cả trong hình thức bồi dưỡng tập trung theo từng đợt tại cấp trung ương, cấp sở, vùng miền. Theo đó thảo luận nhóm, tự nghiên cứu giải quyết vấn đề theo các bài tập, đề án, dự giờ rút kinh nghiệm,… là các phương pháp chủ yếu.
Nhấn mạnh điều này, GS Đinh Quang Báo lưu ý thêm thêm: Để bồi dưỡng GV hiệu quả nhất cần kết hợp bồi dưỡng tập trung và bồi dưỡng tại chỗ lấy đơn vị tập thể sư phạm từng trường làm nòng cốt như là “tế bào”, đơn vị thao tác của hoạt động bồi dưỡng GV với tất cả các mục đích bồi dưỡng:
Bồi dưỡng để chuẩn hóa trình độ đào tạo ứng với giáo viên từng cấp học; bồi dưỡng cập nhật, bổ sung, kiến thức, kĩ năng nghề nghiệp; bồi dưỡng GV đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình và SGK; bồi dưỡng theo chuyên đề; bồi dưỡng GV tập sự và nâng ngạch GV..
Phương thức kết hợp tốt nhất là với những vấn đề toàn ngành sư phạm thì bồi dưỡng tập trung cấp trung ương, hay cấp Sở, cụm sở (ví dụ bồi dưỡng thay sách) với đối tượng tham gia là GV cốt cán và đại diện cán bộ quản lý cấp địa phương. Đó sẽ là những báo cáo viên, người tổ chức, hướng dẫn bồi dưỡng ở từng địa phương, từng trường học.
Khi bồi dưỡng ở đơn vị trường học thì việc bồi dưỡng được thực hiện bằng dự giờ, rút kinh nghiêm theo định hướng chủ đề nội dung bồi dưỡng đã quy định. Nghiên cứu bài học được khẳng định là hình thức bồi dưỡng giáo viên hiệu quả nhất về nhiều mặt trong phát triển nghề nghiệp.
“Có thể khẳng định, tất cả nội dung bồi dưỡng đều có thể tổ chức bồi dưỡng cho GV bằng hình thức nghiên cứu bài học. Đây là kinh nghiệm đã được đúc kết và khẳng định tại nhiều nước trên thế giới. Nếu Việt Nam vận dụng được thì sẽ là một giải pháp đột phá làm chuyển biến căn bản chất lượng đội ngũ GV cả nước.
Bản chất của nghiên cứu bài học là tập thể GV môn học dự giờ để cùng theo dõi, quan sát, cùng phát hiện các tình huống sư phạm nảy sinh trong giờ học do đồng nghiệp thực hiện và cùng bàn luận đề xuất các giải pháp cho các tình huống xảy ra”- GS Đinh Quang Báo nêu ý kiến.