Giáo dục đất Võ khởi sắc từ phương pháp Bàn tay nặn bột

GD&TĐ - Sau gần 5 năm triển khai thí điểm phương pháp Bàn tay nặn bột (BTNB) đến nay, các trường phổ thông trên toàn tỉnh Bình Định đều đã triển khai thực hiện và đạt được những kết quả hết sức tích cực. 

Giáo dục đất Võ khởi sắc từ phương pháp Bàn tay nặn bột

Từ đó UBND tỉnh đã có chủ trương về xây dựng trung tâm ứng dụng phương pháp BTNB. Sở GD&ĐT Bình Định cũng đang nỗ lực xây dựng đề án thực hiện nhằm không ngừng nâng cao chất lượng, hiệu quả phương pháp BTNB trong các cơ sở giáo dục.

Tạo đột phá đổi mới phương pháp Dạy - học

Trao đổi về những thuận lợi, khó khăn khi triển khai phương pháp BTNB tại các trường học trên địa bàn tỉnh Bình Định, thầy Lê Ngọc Vinh - Phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định) cho biết: Khi bắt đầu triển khai thí điểm ở một số trường học, đến triển khai áp dụng tại tất cả các đơn vị trường học, có thể khẳng định, công tác triển khai phương pháp BTNB gặp nhiều thuận lợi.

Đó là sự chỉ đạo cụ thể từ Bộ GD&ĐT; công tác tập huấn về phương pháp BTNB cho đội ngũ giáo viên được quan tâm; tài liệu dạy học về phương pháp cũng phổ biến nhiều… Cùng với đó là sự bám sát, hướng dẫn, chỉ đạo của Sở GD&ĐT trong việc thực hiện kiểm tra công tác đổi mới dạy và học ở các trường phổ thông trong đó có phương pháp BTNB. Tuy nhiên, trong công tác chỉ đạo, triển khai thực hiện cũng gặp không ít khó khăn, rào cản.

Đó là thói quen dạy theo lối cũ, dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, học sinh tiếp thu nhiều kiến thức trong sách vở vẫn đang là phổ biến; suy nghĩ học để đạt mục đích thi cử là phổ biến trong giáo viên, học sinh và phụ huynh.

Nhiều giáo viên năng lực dạy học còn hạn chế, ngại đổi mới, áp dụng triển khai phương pháp dạy học mới. Nhiều giáo viên còn nặng lối suy nghĩ dạy học theo từng bài, hết các kiến thức cơ bản của một bài học là xong nhiệm vụ, ít người quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động dạy - học tích cực, phát huy năng lực, phẩm chất học sinh.

Bên cạnh đó, tài liệu phục vụ cho học tập, nghiên cứu cụ thể từng công việc trong thực tế chưa có nhiều. Giữa lý thuyết và thực tiễn còn có khoảng cách khá xa. Cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn. Đối với học sinh thì thời gian học rất nhiều, nhưng số học sinh có kĩ năng vận dụng kiến thức này trong cuộc sống còn hạn chế.

Trên cơ sở rà soát, phân tích các điều kiện triển khai, ngành GD&ĐT Bình Định đã đề ra những giải pháp hết sức cụ thể. “Xác định chất lượng đội ngũ giáo viên là một trong những nhân tố quyết định hiệu quả công tác triển khai áp dụng.

Chính vì vậy, ngay từ đầu, ngành GD&ĐT Bình Định đã chỉ đạo và quán triệt trong toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức rõ: Giáo dục Việt Nam đang chuyển từ “chương trình giáo dục định hướng nội dung dạy học hay định hướng đầu vào” sang “chương trình giáo dục định hướng năng lực hay gọi là dạy học định hướng kết quả đầu ra”, để đáp ứng yêu cầu đổi mới này buộc giáo viên phải thay đổi, nâng cao năng lực dạy học tích cực của chính bản thân.

Theo đó, trước yêu cầu nguồn nhân lực đông có phẩm chất và năng lực ngày càng cao của xã hội, thì việc thực hiện “chương trình giáo dục định hướng nội dung dạy học hay định hướng đầu vào”, dạy học theo lối truyền thụ kiến thức một chiều, học sinh không có khả năng vận dụng khiến thức từ sách vở vào trong lao động sản xuất là không phù hợp. Điều đó, đòi hỏi hoạt động giáo dục phải đổi mới, áp dụng những phương pháp dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học là một yêu cầu cấp thiết”, thầy Lê Ngọc Vinh cho hay.

Thúc đẩy đổi mới, sáng tạo

Chia sẻ về kinh nghiệm triển khai áp dụng phương pháp BTNB tại địa phương, thầy Vinh bày tỏ: Trên cơ sở kế hoạch triển khai, Sở GD&ĐT luôn bám sát, tăng cường công tác kiểm tra thực tiễn dạy học, chỉ đạo các trường triển khai phương pháp BTNB theo từng học kỳ. Để không ngừng nâng cao năng lực dạy học bằng phương pháp BTNB, Sở GD&ĐT đã kịp thời nắm bắt những khó khăn, vướng mắc nảy sinh trong quá trình thực hiện, từ đó đề ra các giải pháp, chỉ đạo, giúp các đơn vị trường học, đội ngũ giáo viên thực hiện một cách thuận lợi.

Không chỉ tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, phương pháp dạy học cho đội ngũ giáo viên, mà còn linh hoạt tổ chức các buổi sinh hoạt chuyên môn. Trong đó, lấy phương pháp “học qua làm” làm trọng tâm. Với phương pháp “học qua làm”, nhóm giáo viên trong tổ chuyên môn cùng soạn bài, đại diện giáo viên trong nhóm giảng dạy, giáo viên trong nhóm dự giờ theo hướng nghiên cứu bài học. Giáo viên sinh hoạt chuyên môn theo phương pháp này sẽ tự tìm ra các giải pháp khắc phục cho mình những hạn chế sau bài dạy.

Thầy Lê Ngọc Vinh cho biết thêm: Một trong những giải pháp mang lại hiệu quả cao trong triển khai áp dụng phương pháp BTNB nữa là luôn tích cực, sáng tạo trong ứng dụng các sản phẩm nghiên cứu khoa học. Triển khai áp dụng các đề tài, sáng kiến nghiên cứu về phương pháp BTNB.

Bên cạnh đó, nhằm tạo ra một phong trào thi đua sôi nổi trong dạy học theo phương pháp BTNB, ngành GD&ĐT Bình Định đã tổ chức các cuộc thi giáo viên dạy giỏi. Trong các cuộc thi giáo viên dạy giỏi, bắt buộc giáo viên phải thể hiện bài dạy của mình bằng các phương pháp dạy học tích cực trong đó ưu tiên phương pháp BTNB.

Tăng cường đầu tư cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục để đáp ứng yêu cầu triển khai phương pháp. Hoạt động kiểm tra, đánh giá cũng phải được đổi mới, bởi vì bản chất của dạy học bằng phương pháp BTNB là dạy học phát triển các phẩm chất và năng lực cho học sinh. Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn nặng về kiểm tra đánh giá kiến thức các môn học.

Vì vậy, để thực hiện thành công việc đổi mới phương pháp dạy học, nhất định phải đổi mới công tác kiểm tra đánh giá, tránh nặng nề kiểm tra việc nhớ kiến thức, hướng tới đánh giá quá trình thảo luận, trình bày ý kiến, phát biểu ý kiến tại lớp; đánh giá học sinh trong quá trình làm thí nghiệm; đánh giá học sinh thông qua sự tiến bộ về nhận thức thể hiện ở vở ghi thực hành…

Đánh giá về kết quả sau 5 năm áp dụng triển khai phương pháp BTNB, thầy Đào Đức Tuấn - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Bình Định - nhìn nhận: Dạy học bằng phương pháp BTNB dựa trên cơ sở của sự tìm tòi - nghiên cứu, áp dụng cho việc dạy học các môn Khoa học tự nhiên.

Theo phương pháp BTNB, dưới sự giúp đỡ của giáo viên, chính học sinh tìm ra câu trả lời cho các vấn đề đặt ra trong bài học thông qua tiến hành thí nghiệm, quan sát, nghiên cứu tài liệu hay điều tra để từ đó hình thành kiến thức cho mình. Mục tiêu của phương pháp BTNB là tạo nên tính tò mò, ham muốn khám phá và say mê khoa học của học sinh.

Ngoài việc chú trọng đến kiến thức khoa học, phương pháp BTNB còn chú ý nhiều đến việc phát triển kỹ năng diễn đạt thông qua ngôn ngữ nói và viết cho học sinh.

Chính những mục tiêu, hiệu quả mà phương pháp BTNB mang lại mà trong thời gian qua, ngành GD&ĐT Bình Định tích cực triển khai áp dụng với những giải pháp hết sức linh hoạt và cụ thể. Tạo nên một phong trào thi đua dạy học sôi nổi trong các cơ sở giáo dục, đội ngũ giáo viên, học sinh luôn tích cực, sáng tạo trong đổi mới phương pháp dạy học, chất lượng giáo dục không ngừng nâng cao.

    “Điều đó, đòi hỏi hoạt động giáo dục phải đổi mới, áp dụng những phương pháp dạy học nhằm phát triển phẩm chất, năng lực người học là một yêu cầu cấp thiết”, thầy Lê Ngọc Vinh cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

“Góc phố Tết” của Trường Tiểu học Phú Thọ. Ảnh: MA

Cùng bạn nghèo đón Tết

GD&TĐ - Cận Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025, các trường học tại TPHCM tổ chức nhiều hoạt động vui xuân, giúp học sinh hiểu thêm về Tết cổ truyền.

Nhóm sinh viên đoạt giải Nhất trong lĩnh vực Khoa học giáo dục Giải thưởng Sinh viên nghiên cứu khoa học.

Bản đồ cho học sinh khiếm thị

GD&TĐ - Học sinh khiếm thị có thể học lịch sử và địa lý qua bản đồ nổi, dễ dàng hình dung, nhận biết, xác định được các vị trí cần thiết để phục vụ học tập.