Những điều kiện cần để giáo viên phát triển nghề nghiệp

GD&TĐ - Theo TS Hoàng Thị Hạnh – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Sư phạm (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2), một trong những nội dung quan trọng của bồi dưỡng giáo viên đó là giúp các nhà giáo phát triển nghề nghiệp. 

Những điều kiện cần để giáo viên phát triển nghề nghiệp

Theo đó, các chuyên đề không chỉ cập nhật các kết quả nghiên cứu mới mà còn tập trung vào các nội dung mở rộng, chuyên sâu trong môn học, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp điều kiện dạy học.

Bồi dưỡng những gì giáo viên cần

TS Hoàng Thị Hạnh cho rằng, các chương trình bồi dưỡng cần tập trung vào dạy học tích hợp và cần đẩy mạnh nội dung này vì đây là định hướng dạy học giúp học sinh phát triển khả năng huy động tổng hợp kiến thức, kỹ năng… thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau để giải quyết có hiệu quả các vấn đề trong học tập và trong cuộc sống.

Điều này được thực hiện ngay trong quá trình lĩnh hội tri thức và rèn luyện kỹ năng phát triển những năng lực cần thiết, nhất là năng lực giải quyết vấn đề.

“Theo đó, các tổ, nhóm chuyên môn ở trường phổ thông cần xây dựng kế hoạch thực hiện gồm: Xây dựng kế hoạch dạy học của các bộ môn có liên quan sau khi đã tách một số kiến thức ra để xây dựng các chủ đề tích hợp liên môn và lựa chọn thời điểm tổ chức dạy học các chủ đề tích hợp liên môn phù hợp với kế hoạch dạy học của các môn học liên quan” - TS Hoàng Thị Hạnh lưu ý.

Cũng theo TS Hoàng Thị Hạnh, cần bồi dưỡng giáo viên thiết kế tiến trình dạy học. Cụ thể chương trình bồi dưỡng phải giúp giáo viên thực hành tổ chức hoạt động học tích cực, tự lực và sáng tạo cho học sinh, mà các hoạt động ấy phải được tổ chức ở trong lớp, ngoài lớp, trong trường, ngoài trường ở nhà và cộng đồng. Đặc biệt quan tâm đến hoạt động thực hành và ứng dụng kiến thức vào giải quyết những vấn đề thực tiễn.

Đồng thời, hướng dẫn giáo viên về kỹ thuật sử dụng các thiết bị dạy học, học liệu được sử dụng trong hoạt động học của học sinh (nếu có) đã được biên soạn trong kế hoạch dạy học chủ đề, gợi ý những thiết bị dạy học, học liệu có thể thay thế.

Ngoài ra, hướng dẫn giáo viên phương án đánh giá kết quả hoạt động học của học sinh đã được thể hiện trong kế hoạch dạy học mỗi chủ đề, đánh giá bằng quan sát, nhận xét, các biên soạn câu hỏi, bài tập, nhiệm vụ học tập, cách đánh giá sản phẩm học tập của học sinh, xây dựng bảng tự đánh giá, cách tổ chức cho học sinh tự đánh giá, đánh giá đồng đẳng; cách ghi nhật ký dạy học, gợi ý các phương án đánh giá khác có thể sử dụng.

Với việc tổ chức tiến trình dạy học như trên, có thể hình dung mỗi chủ đề dạy học bao gồm nhiệm vụ học tập được thiết kế thành các hoạt động kế tiếp nhau.

Chương trình bồi dưỡng mới đòi hỏi giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng tích hợp, phân hóa, phát huy tính chủ động, sáng tạo, rèn luyện phương pháp học, đổi mới kiểm tra đánh giá theo yêu cầu vì sự tiến bộ và phát triển năng lực học sinh”- TS Hoàng Thị Hạnh nhấn mạnh, đồng thời cho biết:

Bồi dưỡng thường xuyên chính là nhằm phát triển năng lực tự học, tự bồi dưỡng cho giáo viên, giúp giáo viên cập nhật các kiến thức mới để phát triển năng lực nghề nghiệp của mình.

Thông qua bồi dưỡng thường xuyên, giáo viên không những tích lũy vốn kiến thức chuyên môn phục vụ cho công tác giảng dạy mà còn vận dụng những kiến thức mới được cập nhật trong các nội dung BDTX vào trong quá trình giảng dạy.

Tự chủ về chương trình bồi dưỡng giáo viên

Trên tinh thần ấy, TS Hoàng Thị Hạnh đề xuất phương pháp bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên. Theo đó, phương pháp bồi dưỡng không chỉ tập trung vào giới thiệu kiến thức mà còn hướng dẫn giáo viên cách thức cấu trúc các chủ đề, lựa chọn các kiến thức cơ bản hay nâng cao phù hợp năng lực học sinh.

Hệ thống bài tập thực hành tổng hợp các kĩ năng cũng như chuyên sâu từng kỹ năng giúp giáo viên không chỉ đáp ứng chuẩn nghề nghiệp trong nước mà còn theo định hướng chuẩn quốc tế. Bài tập thực hành tổng hợp các kĩ năng yêu cầu vận dụng từ kỹ năng nghiên cứu đối tượng, môi trường dạy học đến lập kế hoạch dạy học.

Với bài tập này, giáo viên được thực hành kĩ năng lập kế hoạch dạy học học theo cách thức gắn kết hệ thống từ: Xác định năng lực, nhu cầu của học sinh làm cơ sở xây dựng mục tiêu, làm lịch trình chi tiết, dự kiến nội dung, hình thức tổ dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh và đánh giá cải tiến chuyên môn.

Theo TS Hoàng Thị Hạnh, nhà trường được tự chủ về thực hiện chương trình bồi dưỡng. Khi nhà trường được tự chủ về thực hiện chương trình bồi dưỡng thì giáo viên có cơ hội và cần phải linh hoạt, sáng tạo, tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bảo đảm chất lượng theo yêu cầu cần đạt về kiến thức, kỹ năng, phẩm chất và năng lực cho học sinh. Công tác bồi dưỡng thường xuyên phải được các nhà trường xây dựng kế hoạch cụ thể, xác định rõ mục tiêu chọn cán bộ, quản lý, giáo viên tham gia bồi dưỡng đúng mục đích và yêu cầu.

TS Hoàng Thị Hạnh khuyến nghị: Nhà trường cần thực hiện khảo sát nhu cầu của giáo viên đê thu thập ý kiến từ đó xây dựng nội dung bồi dưỡng phù hợp cho đáp ứng với yêu cầu của trường, của địa phương. Phương thức bồi dưỡng cần được thực hiện đa dạng để tận dụng sự phát triển của khoa học, kỹ thuật (bồi dưỡng từ xa, qua mạng) đồng thời phù hợp với điều kiện về công việc và không gian, thời gian đặc thù của giáo viên.

Cần chú trọng việc bồi dưỡng qua mạng Internet kết hợp trực tiếp giải đáp thắc mắc, hướng dẫn thực hành các kỹ năng, phối hợp nhiệm vụ hướng dẫn của giảng viên sư phạm với hoạt động kết nối, phối hợp của đội ngũ giáo viên cốt cán của địa phương, chú trọng đổi mới mục tiêu nội dung và hình thức sinh hoạt tổ, nhóm chuyên môn theo hoạt động nghiên cứu bài học, xây dựng các tập thể giáo viên thường xuyên học hỏi lẫn nhau.

Công tác quản lý cần giao quyền chủ động, tạo điều kiện thuận lợi, chú ý phát hiện và động viên kịp thời các sáng kiến, các nhân tố mới dù mới chỉ là bước đầu, giảm thiểu các hoạt động hành chính, hình thức để giáo viên có nhiều điều kiện tập trung vào nhiệm vụ đổi mới hoạt động chuyên môn nghiệp vụ.

“Chương trình bồi dưỡng cần phù hợp với từng loại đối tượng cán bộ quản lý, giáo viên cốt cán, giáo viên tập sự nhằm đảm bảo cho mỗi chức danh đều được bồi dưỡng ban đầu, bồi dưỡng định kỳ, bồi dưỡng cập nhật và bồi dưỡng theo chuyên đề cụ thể của từng thời điểm. Các chuyên đề bồi dưỡng cần được chọn lọc và có kết quả thiết thực nhằm giải quyết dứt điểm những vấn đề nóng mà giáo viên đang quan tâm, mong đợi” - TS Hoàng Thị Hạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cây guitar bí ẩn.

Những cây đàn huyền bí

GD&TĐ - Trong một số trường hợp, nhạc cụ còn được cho là sở hữu sức mạnh huyền bí, mắc lời nguyền.