TS Nguyễn Vinh Hiển – nguyên Thứ trưởng Bộ GD&ĐT – chia sẻ như vậy khi trao đổi về những đổi mới cần thiết trong công tác bồi dưỡng giáo viên, hiệu trưởng trường phổ thông đáp ứng yêu cầu mới hiện nay.
Chú ý nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu cá nhân
- Quy chế bồi dưỡng thường xuyên (BDTX) hiện nay đã quy định nội dung bồi dưỡng theo hướng vừa đáp ứng nhu cầu của cả nước (Bộ GD&ĐT) và địa phương (các sở GD&ĐT) vừa/và ưu tiên đáp ứng nhu cầu của từng giáo viên, từng thành viên ban giám hiệu (CBQL). Tuy nhiên, nhiều giáo viên cho biết nội dung bồi dưỡng chưa thực sự tạo được hứng thú cho họ, dẫn đến kết quả bồi dưỡng không cao. Ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
Quy chế BDTX hiện nay được ban hành từ năm 2012 đã đánh dấu việc chuyển hình thức BDTX theo chu kỳ sang BDTX theo nhu cầu (nhu cầu của ngành, của địa phương và của giáo viên, hiệu trưởng), gắn với kết quả tự đánh giá, tự phân tích mặt mạnh, mặt yếu theo chuẩn nghề nghiệp.
Tôi cho rằng, giai đoạn hiện nay, cần tiếp tục thực hiện quy chế, đồng thời rút kinh nghiệm để thực hiện có kết quả tốt hơn, kể cả việc điều chỉnh một số nội dung của quy chế (nếu cần), gắn với quá trình xây dựng nhà trường thành tổ chức học tập suốt đời.
Về nội dung BDTX, quy chế đã quy định:
Thứ nhất: Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ năm học theo cấp học: khoảng 30 tiết/năm học. Bộ GD&ĐT chịu trách nhiệm qui định và tạo điều kiện cho giáo viên, hiệu trưởng và các nhà trường thực hiện nội dung này.
Thứ 2: Nội dung bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu thực hiện nhiệm vụ phát triển giáo dục địa phương theo năm học: khoảng 30 tiết/năm học. Ngoài các nội dung bồi dưỡng do các dự án giáo dục thực hiện (chủ yếu ở các vùng khó khăn, miền núi), các sở GD&ĐT phải chủ động qui định và tạo điều kiện cho giáo viên, hiệu trưởng thực hiện nội dung này.
Thứ 3: Nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục: khoảng 60 tiết/năm học. Hàng năm, giáo viên, hiệu trưởng tự đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp để biết được mình đang còn hạn chế gì về chuyên môn, nghiệp vụ, qua đó chủ động tìm mô đun bồi dưỡng, thông tin, tài liệu, các điều kiện hỗ trợ… để học nhằm nâng cao năng lực theo các mức quy định của chuẩn nghề nghiệp.
Tỷ lệ thời lượng BDTX của các nội dung bồi dưỡng nêu trên có thể được thay đổi để phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục của năm học, với yêu cầu, nhiệm vụ giáo dục của địa phương nhưng không thay đổi tổng thời lượng BDTX là 120 tiết/năm học.
Thực tế những năm vừa qua cho thấy, ở nhiều nơi còn chưa hiểu rõ nên chưa thực hiện đúng các quy định về các nội dung bồi dưỡng nêu trên, nhất là nội dung bồi dưỡng đáp ứng nhu cầu phát triển nghề nghiệp liên tục.
Nhiều cá nhân và tập thể sư phạm chưa hiểu đúng mục đích chủ yếu của chuẩn nghề nghiệp là để các giáo viên, CBQL tự đánh giá (với sự hỗ trợ của tập thể, đồng nghiệp), biết rõ điểm mạnh, điểm yếu của mình để tự xác định và đăng ký nội dung bồi dưỡng trong từng năm học. Mặt khác, nội dung của nhiều mô đun tài liệu chưa thật sự hấp dẫn giáo viên, CBQL.
- Vậy có cách nào để khắc phục những hạn chế nêu trên, thưa ông?
Thời gian tới, cùng với việc khắc phục nhược điểm nêu trên, các cấp quản lí, các trường sư phạm cần chỉ đạo hoặc tổ chức biên soạn các chương trình, tài liệu bồi dưỡng kịp thời, có chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu BDTX theo cả 3 nội dung đã được quy định trong Quy chế BDTX. Trước mắt là những nội dung phục vụ việc thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT mà trực tiếp là đổi mới chương trình, SGK; tập trung vào việc đổi mới tổ chức và hoạt động của nhà trường theo hướng dân chủ hoá, tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội và hình thức tổ chức và phương pháp giáo dục, phương pháp dạy học, kỹ thuật dạy học và kiểm tra đánh giá HS theo định hướng coi hoạt động học là trung tâm.
Ngoài những nội dung mang tính bắt buộc chung, cần tăng cường xây dựng các nội dung học bồi dưỡng bằng các mô đun “mở” để giáo viên, CBQL chọn học theo nhu cầu.
Đối với CBQL, ngoài các nội dung học bồi dưỡng như giáo viên, họ còn phải học để nâng cao năng lực quản lí theo yêu cầu đổi mới giáo dục, tập trung vào năng lực lãnh đạo, quản lí trong điều kiện nhà trường và giáo viên ngày càng được tăng quyền tự chủ (nhất là tự chủ về chương trình, kế hoạch giáo dục nhà trường), xã hội hoá giáo dục, dân chủ hoá giáo dục.
Các kỹ năng quan trọng mà hiệu trưởng phải có là xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển nhà trường, kế hoạch giáo dục; giao quyền và giám sát, hỗ trợ giáo viên trong các hoạt động chuyên môn; thực hiện trách nhiệm giải trình và công khai; thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở; huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực xã hội cho nhà trường…
Coi trọng sự tự học cá nhân kết hợp học tương tác
- Theo ông, hình thức và phương pháp bồi dưỡng hiện nay đã phát huy tính chủ động, tích cực của người học hay chưa? Hình thức, phương pháp bồi dưỡng nào là hiệu quả, phù hợp với yêu cầu hiện nay?
Quy chế BDTX phân biệt các hình thức sau: BDTX bằng tự học của giáo viên, hiệu trưởng kết hợp với các sinh hoạt tập thể về chuyên môn, nghiệp vụ tại tổ chuyên môn của nhà trường, liên trường hoặc cụm trường. Đây là hình thức quan trọng nhất.
BDTX tập trung nhằm hướng dẫn tự học, thực hành, hệ thống hóa kiến thức, giải đáp thắc mắc, hướng dẫn những nội dung BDTX khó đối với giáo viên; đáp ứng nhu cầu của giáo viên trong học tập BDTX, tạo điều kiện cho giáo viên có cơ hội được trao đổi về chuyên môn, nghiệp vụ và luyện tập kỹ năng.
BDTX theo hình thức học tập từ xa (qua mạng Internet). Bộ GD&ĐT đã có trang mạng “Trường học kết nối” với qui chế hoạt động công khai, phân quyền sử dụng cho các đối tượng: cơ quan quản lí, giảng viên, học viên… và bước đầu đã hoạt động khá hiệu quả đối với bậc giáo dục trung học. Các sở GD&ĐT cũng có thể xây dựng các trang mạng riêng. Trên mạng xã hội hiện nay đang có nhiều website hoặc facebook sinh hoạt chuyên môn của giáo viên toàn quốc như: “chúng tôi là giáo viên tiểu học”, “Giáo viên tiếng Anh tiểu học”…
Dù là hình thức bồi dưỡng nào cũng phải coi trọng sự tự học cá nhân kết hợp học tương tác trong tập thể giáo viên thông qua các nghiên cứu trường hợp cụ thể (case study, action research). Nhà trường và các cấp quản lý cần hỗ trợ việc mở lớp (trực tiếp hoặc online), giải đáp thắc mắc, thực hành rút kinh nghiệm… cho giáo viên.
Đây chính là lý do trong những năm qua, Bộ GD&ĐT đã rất quan tâm chỉ đạo việc nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng, sinh hoạt tổ chuyên môn dựa trên phân tích/nghiên cứu bài học. Cần coi trọng cả các tiết dạy được tập thể chuẩn bị công phu và giao cho giáo viên có năng lực nhất dạy minh hoạ và các các tiết được dự giờ bình thường để phân tích, rút kinh nghiệm về cả những thành công và hạn chế của tiết học, có ích cho cả người dạy và người dự giờ.
Xin nói thêm, việc dự giờ, phân tích bài học chủ yếu để rút kinh nghiệm, học tập trong tập thể theo tinh thần “học thầy không tày học bạn”, không phải để xếp loại giờ dạy hay đánh giá giáo viên. Bộ GD&ĐT đã có hướng dẫn việc phân tích bài học theo công văn số 5555/BGDĐT-GDTrH ngày 8/10/2014. Thực tế cho thấy, bồi dưỡng giáo viên qua dự giờ, phân tích, rút kinh nghiệm bài học là giải pháp bồi dưỡng giáo viên thiết thực và hiệu quả.
Thời gian gần đây, ở nước ta đã có những tiết dạy (bài học) được dự giờ qua mạng internet, trao đổi giữa các trường phổ thông khác nhau, giữa trường phổ thông và trường sư phạm. Một số dự án cũng đã trang bị những thiết bị “đầu – cuối” để hỗ trợ các địa phương sinh hoạt chuyên môn qua mạng. Hình thức sinh hoạt chuyên môn từ xa như vậy cần được khuyến khích nhân rộng.
Đánh giá sự phát triển năng lực và đa dạng hóa hình thức đánh giá
- Đánh giá khóa học và đánh giá người học đang là một khâu yếu trong hoạt động BDTX. Giải pháp cho vấn đề này là gì, thưa ông?
Đúng vậy, đánh giá khóa học và đánh giá người học đang là một khâu yếu trong hoạt động BDTX. Để nâng cao hiệu quả bồi dưỡng, việc lấy ý kiến đánh giá phản hồi về mục tiêu, nội dung, phương thức tổ chức, các điều kiện tổ chức lớp học là rất cần thiết.
Cùng với đó, việc kiểm tra đánh giá người học phải phù hợp với đổi mới: chuyển từ chủ yếu đánh giá kết quả tiếp thu kiến thức sang đánh giá sự phát triển năng lực của người học, đa dạng hóa các hình thức kiểm tra đánh giá.
Giáo viên, hiệu trưởng tham gia bồi dưỡng cũng cần tự đánh giá và được đánh giá qua kết quả công việc theo chuẩn nghề nghiệp. Phải thông qua quan sát, phân tích kết quả nâng cao chất lượng hoạt động giáo dục của giáo viên, hiệu trưởng, đối chiếu với nội dung và mục tiêu đăng ký tự học của họ để đánh giá kết quả học BDTX.
Điều đó lại đòi hỏi chính CBQL các cấp phải tự nâng cao năng lực giáo dục, năng lực đánh giá, đồng thời biết chỉ đạo việc đánh giá thông qua các hoạt động chuyên môn của trường, của tổ giáo viên, nhất là hoạt động sinh hoạt tổ chuyên môn thông qua nghiên cứu bài học và các nghiên cứu khoa học sư phạm ứng dụng.
Các kết quả đánh giá theo chuẩn nghề nghiệp cần được sử dụng để động viên, khen thưởng và là căn cứ để bổ nhiệm, đề bạt.
- Ngoài những vấn đề trên, cần lưu ý thêm những gì để công tác bồi dưỡng giáo viên, CBQL giáo dục đạt hiệu quả?
Những điều cần lưu ý tiếp theo là việc xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch BDTX tại các trường phổ thông. Nếu trước đây, các nhà trường chủ yếu thực hiện kế hoạch bồi dưỡng do cấp trên chỉ đạo thì nay việc xây dựng kế hoạch BDTX được xây dựng dựa trên cơ sở nhà trường được quyền tự chủ và chịu trách nhiệm trong việc quản lý kế hoạch, cấp trên chỉ đạo và hướng dẫn.
Cùng với đó, đẩy mạnh ứng dụng CNTT – truyền thông trong hoạt động BDTX. Đổi mới chức năng, nhiệm vụ của giảng viên, giáo viên cốt cán và tài liệu bồi dưỡng. Cuối cùng, cần xây dựng cơ chế phối hợp giữa cơ sở làm nhiệm vụ BDTX với cơ quan quản lý giáo dục và trường phổ thông.
- Xin cảm ơn ông!
“Để hoạt động BDTX có hiệu quả thì không thể kéo dài tình trạng “việc ai người ấy làm” và trường sư phạm coi việc tham gia BDTX chỉ là làm thêm, làm để cải thiện như hiện nay. Bộ GD&ĐT cần xây dựng qui định về cơ chế phối hợp trách nhiệm và quyền lợi giữa các đơn vị này dựa trên các hợp đồng cụ thể, theo những nguyên tắc chung, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và lợi ích của từng bên. Nguồn và cách thức quản lí, sử dụng kinh phí BDTX sẽ được thực hiện dựa vào các qui định của pháp luật về tài chính và qui định về cơ chế phối hợp đó”. TS Nguyễn Vinh Hiển