Dưới đây là các giải pháp tăng cường hiệu quả kiểm tra, đánh giá đầu tiết học của các thầy cô: Phan Trọng Hải, Trần Thị Hồng Hạnh, Trịnh Nguyễn Trúc Tâm, Trần Thị Yến Phượng (Trường THPT Nguyễn Huệ, Bến Tre) và cô Nguyễn Thị Loan, Trường THPT An Thới, Bến Tre.
Giải pháp đã được áp dụng các môn học như Toán, Tin, Công nghệ và Ngữ văn tại hai trường trung học phổ thông và giải pháp này có thể mở rộng sang các môn học khác nhằm tạo ra một môi trường học tập đa dạng và phong phú. Giáo viên tất cả các môn, các trường đều có thể áp dụng giải pháp này.
Tổ chức trò chơi
Tổ chức trò chơi để củng cố lại kiến thức cũ cho học sinh là một cách làm hiệu quả, tạo ra một môi trường học tập tích cực, hấp dẫn. Tham gia trò chơi giúp học sinh học hỏi thông qua trải nghiệm thực tế và tương tác xã hội, thúc đẩy sự cộng tác, kỹ năng giải quyết vấn đề.
Ví dụ, giáo viên có thể tổ chức trò chơi “Cuộc chiến tuyết”. Mỗi tổ cử 5 thành viên tham gia trò chơi. Các em sẽ quét mã QR và nhập mã code do giáo viên cung cấp. Người chơi lần lượt trả lời các câu hỏi trong thời gian quy định, mỗi đáp án đúng tương ứng 1 điểm. Sau khi trò chơi kết thúc đội thắng cuộc sẽ được giáo viên ghi điểm cao nhất vào cột thường xuyên.
Ngoài ra, giáo viên có thể tổ chức các trò chơi tương tự hoặc đặt tên khác sao cho gây ấn tượng và luôn mới mẻ đối với học sinh.
Tổ chức thảo luận nhóm
Tổ chức các nhóm thảo luận để thuyết trình về nội dung được giao là một phương pháp hữu ích. Qua đó, học sinh có cơ hội hợp tác, trao đổi ý kiến và tìm hiểu sâu hơn về nội dung mà giáo viên muốn truyền đạt.
Việc thuyết trình không chỉ giúp học sinh phát triển kỹ năng giao tiếp, tự tin trình bày, mà còn khuyến khích sự tương tác và hợp tác giữa các thành viên trong nhóm nhằm góp phần tạo ra một môi trường học tập sôi nổi và tích cực.
Tổ chức làm bài tập thực hành
Giáo viên giao bài tập cho các nhóm học sinh và yêu cầu các nhóm sử dụng máy tính hoặc điện thoại di động để hoàn thành bài tập. Khi các nhóm đã hoàn thành sẽ nộp bài làm của mình lên một trong các ứng dụng như Padlet, Google Form, hoặc Google Docs… theo hướng dẫn của giáo viên.
Sau khi bài tập được nộp, giáo viên sẽ cho các nhóm nhận xét, góp ý lẫn nhau và chấm điểm theo các tiêu chí mà giáo viên đã đề ra. Cuối cùng, giáo viên sẽ đưa ra nhận xét và chốt điểm số cho từng nhóm.
Điểm của nhóm là điểm trung bình tất cả học sinh trong nhóm. Mỗi thành viên trong nhóm sẽ tự cho điểm lẫn nhau sao cho điểm trung bình tất cả học sinh bằng điểm mà giáo viên đã đánh giá cho nhóm trước đó.
Qua việc nhận phản hồi từ giáo viên và các nhóm khác, học sinh có cơ hội hiểu rõ hơn về điểm mạnh và điểm yếu bài làm của mình, từ đó có thể tự cải thiện và phát triển.
Đồng thời, việc tự quản lý thời gian và trách nhiệm trong quá trình hoàn thành bài tập giúp học sinh phát triển kỹ năng tự quản lý, trách nhiệm cá nhân. Sử dụng các ứng dụng trực tuyến cũng tạo ra một môi trường học tập linh hoạt, cho phép học sinh làm việc từ bất kỳ đâu, bất kỳ khi nào mà không bị ràng buộc bởi không gian và thời gian.
Thực hiện dự án học tập hoặc dạy học theo định hướng STEM
Tổ chức học sinh thực hiện dự án học tập theo chủ đề là một phương pháp khuyến khích sự sáng tạo và tích cực trong học tập.
Học sinh sẽ được chia thành các nhóm và nhận nhiệm vụ từ giáo viên về một chủ đề cụ thể. Sau đó, các nhóm sẽ tiến hành nghiên cứu và tạo ra sản phẩm phù hợp với tiêu chí giáo viên đặt ra. Khi hoàn thành, các nhóm sẽ trình bày kết quả và chia sẻ trải nghiệm trước lớp.
Qua hoạt động này, học sinh sẽ phát triển các kỹ năng như nghiên cứu, giao tiếp, làm việc nhóm và giải quyết vấn đề. Đồng thời, việc trình bày trước lớp cũng giúp các em rèn luyện kỹ năng giao tiếp và sự tự tin.
Đa dạng hóa các hình thức đánh giá hỏi - đáp
Giáo viên đặt câu hỏi trước và cho học sinh suy nghĩ trong vài phút. Sau đó, giáo viên gọi học sinh trả lời; tuy nhiên cần gợi mở thêm nếu học sinh chưa trả lời được. Giáo viên đánh giá học sinh bằng lời nói và chỉ nên ghi điểm nếu các em đạt từ điểm 5.
Trả bài bằng hình thức viết trên giấy, thực hiện trên cả lớp sau đó giáo viên chỉ thu bài ở những em nhất định.
Cho học sinh bài tập vận dụng kiến thức đã học để kiểm tra quá trình học, hiểu và chuẩn bị bài của các em.
Cho cơ hội học sinh được thực hiện hình thức đánh giá hỏi – đáp nhiều lần. Trong đó, tạo cơ hội cho học sinh được xung phong trả lời.
Đặt những câu hỏi có nội dung trả lời ngắn, tránh việc thuộc lòng, ghi nhớ máy móc quá nhiều.