Đổi mới giáo dục tiểu học ở Quỳ Châu

Đổi mới giáo dục tiểu học ở Quỳ Châu

(GD&TĐ) - Chúng tôi ngược đường lên vùng cao, đến Trường Tiểu học Châu Hội 1 (xã Châu Hội, huyện Quỳ Châu) vào một ngày cuối tháng 9, khi năm học 2012-2013 mới bắt đầu được hơn một tháng. Khuôn viên nhà trường bề thế khiến tôi ngỡ ngàng - thật không ngờ giữa núi non trùng điệp của vùng cao lại có một ngôi trường đẹp đến thế - đẹp, đầy đủ hơn nhiều trường tiểu học ở thành phố, thị xã và đồng bằng.

Cô giáo Nguyễn Thị Minh Huyền, Hiệu trường nhà trường cho biết: “Sau nhiều năm xây dựng, cứ mỗi năm bổ sung một ít, đến năm học 2010-2011, cơ sở vật chất của nhà trường - trong đó bao gồm cả thiết bị dạy và học đã cơ bản đảm bảo phục vụ yêu cầu nâng cao chất lượng giáo dục tiểu học. Tất cả 140 bộ bàn ghế của các lớp học đều phù hợp với độ tuổi của học sinh; thư viện được trang bị phần mềm máy tính; khu vực vui chơi, thể thao có đầy đủ thiết bị, dụng cụ để học sinh dùng, có cả bàn bóng bàn; cả trường có bốn công trình vệ sinh, hai công trình rửa tay bằng xà phòng đủ cho thầy và trò sử dụng;...Theo cô Huyền, nhà trường thực sự tiến hành đổi mới giáo dục từ ba năm nay. Nhưng để đổi mới, phải chuẩn bị, phải có đội ngũ giáo viên có năng lực và tâm huyết, phải có cơ sở vật chất đầy đủ ở mức tối thiểu, nếu không, việc đổi mới chỉ là nói cho vui mà thôi.

IMG_0489.jpg
Thầy và trò Trường TH Châu Hội 1 đang chơi kéo co

Trong lúc trò chuyện, một cô giáo nói với chúng tôi: “Các nhà báo nói đổi mới nghe to tát quá. Bọn em chỉ nghĩ đơn giản là phải làm sao cho học sinh hứng thú, thích đến trường, để các em không bỏ học. Khi mà các em đã thích học, đi học chuyên cần thì việc giúp các em học tập đạt yêu cầu hoàn toàn không khó. Mà muốn thế, không có cách nào khác là bọn em phải thay đổi cách dạy, dạy thế nào để các em không chán cô là được, và phải tổ chức nhiều hoạt động vui chơi để cuốn hút các em - vì vui chơi, múa hát là đam mê của trẻ em người dân tộc”.

Sau mươi phút tập thể dục giữa giờ, 280 học sinh của trường tản ra theo đơn vị lớp. Các thầy cô giáo cũng theo học sinh về với lớp của mình. Lớp nhảy dây, lớp kéo co, lớp nhày sạp, lớp chơi ô ăn quan, lớp đánh thẻ, ... làm cho không khí sân trường sôi động hẳn lên. Một phóng viên trong nhóm chúng tôi cũng sà vào chơi đánh thẻ với cô trò của một lớp. Vừa chơi, vừa tỷ tê chuyện trò. Các em cho phóng viên biết là mấy năm nay, hầu như không có bạn nào bỏ học. Năm ngoái cả trường chỉ có một bạn bỏ học vì ốm, phải nghỉ để bố mẹ đưa đi chữa bệnh. Trước đây, sau Tết, nhiều bạn nghỉ dài ngày vì mải chơi. Nhưng giờ thì không như thế, vì đến trường chơi được nhiều trò chơi hơn, vui hơn.

Cô và trò Trường TH Châu Bình 1 đang chơi ô ăn quan
 Cô và trò Trường TH Châu Bình 1 đang chơi ô ăn quan

Theo cô giáo Vi Thị Thuỳ Anh, học sinh vùng cao nhút nhát chứ không như học sinh vùng đồng bằng, đô thị, các em rất ngại nói khi tiếp xúc với người lạ. Nhưng ba năm nay thì khác hẳn. Thông qua các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp, các hoạt động giáo dục kỹ năng sống mà nhà trường tổ chức, các em tự tin, mạnh dạn lên rất nhiều. Không những trong giao tiếp mà ngay cả việc làm, các em cũng thành thạo nhiều việc để tự phục vụ mình và giúp đỡ cha mẹ. Mừng nhất là cha mẹ các em thấy con mình tiến bộ nhiều mặt nên càng chu đáo hơn trong việc chăm lo sự học của con, càng gắn bó với thầy cô giáo, với nhà trường.                 

Tạm biệt Trường Tiểu học Châu Hội 1, chúng tôi đến với Trường Tiểu học Châu Bình 1 - đây là trường tiểu học đầu tiên, cũng là trường tiểu học duy nhất (tính cho đến thời điểm hiện nay) của Nghệ An được đánh giá ngoài với kết quả chất lượng giáo dục của trường đạt cấp độ 2 (các cấp độ của kết quả kiểm định chất lượng giáo dục của trường phổ thông là: cấp độ 1 - trường có từ 50% đến dưới 65% số tiêu chí đạt yêu cầu; cấp độ 2 - trường có từ 65% đến dưới 80% số tiêu chí đạt yêu cầu; cấp độ 3 - trường có từ 80% trở lên số tiêu chí đạt yêu cầu; một trường tiểu học được đánh giá bởi 5 tiêu chuẩn với 78 tiêu chí). 

IMG_0489.jpg
Một lớp học theo mô hình mới ở Trường TH Châu Hội 1

Cô giáo Nguyễn Thị Lan Hương, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Chất lượng giáo dục của Trường được Sở đánh giá đạt cấp độ 2 - đây chính là kết quả phấn đấu trong nhiều năm, đặc biệt là 2 năm gần đây nhà trường thực hiện đổi mới hoạt động giáo dục của mình.

Tổng kết năm học 2009-2010, lãnh đạo trường không chỉ đọc báo cáo và anh chị em vỗ tay, mà đã giành nhiều thời gian trao đổi trong tập thể sư phạm. Cuối cùng tập thể rút ra một điều: để nâng cao chất lượng giáo dục thì phải đổi mới các hoạt động giáo dục của trường; phải giáo dục toàn diện cho học sinh và chính trên cơ sở giáo dục toàn diện mà nâng cao chất lượng giáo dục các môn văn hoá. Hướng đi là thế, nên ngay trong hè, nhà trường đã chuẩn bị các điều kiện ban đầu và bước vào năm học 2010-2011 là tiến hành thực hiện ngay. Giáo dục ngoài giờ lên lớp được tăng cường hơn, đặc biệt là giáo dục kỹ năng sống được thực hiện bằng việc tích hợp trong các tiết dạy các môn văn hoá, được thực hiện thông qua các buổi hoạt động và sinh hoạt tập thể.

Ban đầu, giáo viên còn bỡ ngỡ, lúng túng, nhưng vừa làm, vừa nghiên cứu tài liệu (rất may là thời gian này, tài liệu về giáo dục kỹ năng sống cho học sinh được xuất bản khá nhiều), vừa học hỏi lẫn nhau, anh chị em quen dần và ngày càng hào hứng. Lửa nhiệt tình trong giáo viên được nhen nhóm, bùng cháy và truyền sang cho học sinh. Được hoạt động, được vui chơi bổ ích, biết ứng xử trong giao tiếp, biết làm việc phù hợp sức khoẻ của mình,... các em càng gắn bó với trường, với lớp, không bỏ học, lại học chăm và thế là chất lượng các môn văn hoá tiến bộ trông thấy. Học sinh dân tộc ít người thường học yếu môn Tiếng Việt: phát âm không chuẩn, viết sai lỗi chính tả, vốn từ ngữ ít, kỹ năng giao tiếp kém dẫn đến học yếu các môn khác.

Chính hoạt động ngoài giờ lên lớp và giáo dục kỹ năng sống đã góp phần rất tốt trong việc khắc phục tình trạng này, góp phần rất tốt trong việc nâng cao chất lượng học tập của học sinh. Ngay trong năm học 2011-2012 vừa qua, nhà trường đã có 01 em đạt giải trong Giao lưu “Toán tuổi thơ” và 02 em đạt giải Violimpic tiếng Anh cấp tỉnh - những kết quả mà trước đây có nằm mơ cũng không thể có. 

Minh Đức

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...