Độc đáo, ngọt ngào hát ống

Độc đáo, ngọt ngào hát ống

(GD&TĐ) - Một loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc bị lãng quên khá lâu trên đất Bắc Giang mới đây lại ngân vang trở lại. Đó là những câu hát ống, hát ví mộc mạc, trữ tình diễn ra trên cánh đồng làng tại xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) làm không ít người bất ngờ, xúc động.

 

Được một người bạn mời về xã Liên Chung, huyện Tân Yên (Bắc Giang) để thưởng thức hát ống, chúng tôi không khỏi tò mò, háo hức. Lạ lẫm, hấp dẫn và cuốn hút là cảm nhận đầu tiên của chúng tôi khi trực tiếp lắng nghe các bác nông dân quanh năm chân lấm, tay bùn thể hiện. Hóa ra, hát ví, hát ống đã trở nên quen thuộc với người dân ở đây từ hàng trăm năm rồi.

Các cụ cao niên trong làng Hậu, xã Liên Chung (ngôi làng được xem là cái lôi của hát ống) kể lại rằng: hát ống có cách đây hàng vài trăm năm nó xuất phát từ niềm vui trong lao động sản xuất, dần dần được phát triển với nhiều loại hình như hát hoạ, hát đố, hát giao duyên, chia tay, giã bạn…

Bà Nguyễn Thị Triện 65 tuổi cho biết: Thế hệ ở tuổi 75 - 80 của làng Hậu, xã Liên Chung nhiều người giỏi hát ví. Như cụ Thâm, cụ Bơ, cụ Soạn. .. Những năm 1955 phong trào hát ống ở Liên Chung Hậu nức tiếng gần xa.

 Nghe nói trong cuộc khởi nghĩa Yên Thế ở thời kỳ hòa hoãn lần thứ hai (1897-1909) đã diễn ra nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ mà khi đó hát ống được khá đông người hâm mộ. Khi ấy ông Cả Trọng (con trai cả của Đề Thám) cũng là một trong những người hát ống rất hay.

Cái tên hát ống nghe lạ mà quen bởi thực chất đó chính là lối hát ví, hát giao duyên đối đáp qua lại vốn phổ biến trong dân gian xưa nay. Hát ống cũng mang những đặc trưng của các hoạt động sinh hoạt âm nhạc cộng đồng truyền thống như: được truyền từ đời này sang đời khác, hình thức diễn xướng đơn giản, gắn liền với cảnh quan thiên nhiên và sinh hoạt đời thường của người nông dân.

Hát ống, với bản chất là hát ví, có giai điệu và ca từ mộc mạc, giọng hát như giọng thơ, thường là thể thơ lục bát dễ nhẩm, dễ thuộc. Nhưng điểm khác biệt và độc đáo là ở chỗ người ta sử dụng những chiếc ống hát được nối với nhau vừa để truyền âm, vừa để động tác khi hát trở nên duyên dáng hơn, cuốn hút hơn.

Ống hát thường được làm bằng những nguyên liệu tự nhiên vốn rất sẵn ở các vùng quê như ống tre hoặc nứa. Sau khi làm sạch, tròn trịa, một đầu ống người ta bịt lại bằng da con ếch, rồi nối hai ống với nhau bằng sợi tơ hoặc cước với khoảng cách vài chục sải tay.

Khi hát, mỗi khi bên này dùng ống làm loa để hát thì bên kia đặt ống lên tai để nghe, rồi đổi lại. Cứ thế, cứ thế, sợi tơ mỏng mảnh khẽ rung lên, truyền đi những âm điệu ngọt ngào, khiến cả người hát lẫn người xem đều thích thú, say mê.

 

Trong ký ức của nhiều người dân làng Hậu, xã Liên Chung bây giờ vẫn ghi nhớ hình ảnh những buổi hội làng hoặc sinh hoạt văn nghệ ở đình, chùa, những đêm trăng thanh gió mát, nam thanh nữ tú trong làng lại ngân nga những câu hát đượm tình quê hương, thắm tình người. Ðã có nhiều mối lương duyên giữa trai gái trong ngoài thôn được se nên cũng từ những sợi tơ ấy.

Nét độc đáo của hát ống ở xã Liên Chung còn thể hiện ở sự phong phú về ngôn từ, khả năng ứng biến linh hoạt trong từng hoàn cảnh  của đôi bên khi đối đáp. Trong những cuộc hát ống, hát ví đôi khi còn là những sự so tài cao thấp. Phường này, người này hát lên những câu đối, câu đố để phường kia hay người kia đối lại hay giải đáp.

Nếu đối đáp được thì đó là một sự thoả đáng, còn nếu không thì bên thua coi đó là một món nợ hẹn lần sau đáp lại. Như: Nữ hát: Em đố chàng: Hoa gì sớm nở tối tàn/Trắng, hồng, đỏ thẫm, tím than trong ngày?/Hoa gì trắng đỏ cùng cây?/Hoa gì đêm nở, ban ngày cấm cung? Nam trả lời: Phù dung sớm nở tối tàn/Năm màu thay đổi chan chan trong ngày/Hoa giấy trắng đỏ cùng cây/Hoa quỳnh đêm nở, ban ngày cấm cung…

Cũng có khi trong hát ống, hát ví giao lưu còn là những câu bông đùa, giễu cợt, trêu chọc giữa người này với người kia để thử tài ứng đáp. Bên bị trêu chọc cố gắng suy nghĩ tìm ra câu hát sao cho thoả đáng, nếu không bên nghe sẽ bị coi là thua và chịu đến lần sau. Đây cũng là nét đặc trưng rất riêng biệt của hát ví, hát ống so với các lối hát khác.

 

Nhằm khôi phục và gìn giữ loại hình văn hoá dân gian đặc sắc này, tháng 4 /2012 vừa qua Câu lạc bộ hát ví, hát ống Liên Chung huyện Tân Yên vừa được thành lập thu hút 31 hội viên tham gia trong đó có đủ mọi thành phần lứa tuổi.

Tại Lễ đón nhận các sự kiện văn hoá và Ngày hội văn hóa thể thao và du lịch các dân tộc tỉnh Bắc Giang lần thứ V năm 2012 vừa diễn ra, những câu hát ví, hát ống của người dân Liên Chung đã được tôn vinh và giới thiệu đến với du khách gần xa.

Hy vọng rằng, với bản sắc độc đáo và sức lan tỏa mạnh mẽ của giai điệu ngọt ngào hát ống Liên Chung Tân Yên sẽ không bị lãng quên mà được phát huy trong nền văn hóa tiên tiến mà đậm đà bản sắc của dân tộc.

Minh Tư và Châu Giang

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.