Doanh nghiệp phản biện nhà trường

Doanh nghiệp phản biện nhà trường
v
SV rất cần được trang bị kỹ năng giải quyết vấn đề

(GD&TĐ) - Qua ý kiến của 150 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, với mức từ 1 là rất kém đến 5 là rất tốt, mức độ đáp ứng với các yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp ĐH là 3,05.

Kiến thức quá lỗi thời

Nhóm nghiên cứu của ThS Nguyễn Ngọc Phương - Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM đã tổ chức lấy ý kiến đánh giá của nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực sửa chữa và bảo trì ô tô trên địa bàn thành phố. Kết quả nhóm nghiên cứu ghi nhận được có thể khiến nhiều trường giật mình.

Các doanh nghiệp được khảo sát cho rằng, những kiến thức sinh viên được đào tạo đã quá lỗi thời, không cập nhật được cái mới, thậm chí trong chương trình đào tạo vẫn còn thiếu rất nhiều. Nếu không thay đổi kịp thời, những cơ sở lý thuyết giảng dạy tại các trường hiện nay sẽ trở nên bất cập và không thể ứng dụng giải quyết vấn đề trong thực tế sản xuất.

Không chỉ lý thuyết, hầu hết người học đều yếu kỹ năng thực hành và trung bình, các công ty phải bỏ thời gian kèm cặp ít nhất từ 5 đến 6 tháng mới có thể làm việc độc lập. Nguyên nhân được cho là bởi người học được thực tập trong thời gian rất ngắn, trên những thiết bị cũ kỹ. Một số cơ sở đào tạo có mô hình giảng dạy nhưng lại hạn chế sử dụng, chỉ cho người học quan sát, không thao tác cụ thể vì sợ phát sinh chi phí đào tạo.

Về tác phong làm việc, theo đánh giá của doanh nghiệp, hầu hết người học tốt nghiệp được tuyển dụng vẫn làm việc một cách tùy tiện. Các ông chủ sử dụng lao động cho rằng, mức độ nghiêm túc của người lao động phụ thuộc vào sự rèn luyện tác phong công nghiệp cho người học của các cơ sở đào tạo. Họ đánh giá: Nếu lao động Việt Nam không rèn tác phong công nghiệp, nâng cao năng lực, phẩm chất, trình độ ngoại ngữ, tính kỷ luật, tính chuyên nghiệp... chắc chắn sẽ tụt hậu và mất năng lực cạnh tranh. 

Tham khảo mức độ đáp ứng công việc của sinh viên tốt nghiệp ĐH qua ý kiến 150 doanh nghiệp trên địa bàn Hà Nội, ThS Ngô Thị Thanh Tùng – Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho biết, với mức từ 1 là rất kém đến 5 là rất tốt thì mức độ đáp ứng với các yêu cầu công việc của sinh viên tốt nghiệp ĐH là 3,05.

Khảo sát thực hiện bởi nhóm nghiên cứu của ThS Ngô Thị Thanh Tùng đưa ra 16 tiêu chí, nhưng người lao động chỉ có 8 tiêu chí đạt mức trung bình trở lên. Những tiêu chí liên quan đến thành công, sự thăng tiến trong công việc như khả năng làm việc độc lập, khả năng sử dụng ngoại ngữ..., người lao động chỉ đạt dưới 3 trong thang bậc 5.

Ngoài ra, nhiều chủ doanh nghiệp chia sẻ, nhiều tiêu chí rất quan trọng như sự hiểu biết về môi trường hoạt động của doanh nghiệp, khả năng chịu áp lực cao trong công việc..., người lao động chưa đáp ứng được.

Điều doanh nghiệp cần 

SV Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia HN) trong thư viện
SV Trường ĐH KHXH&NV (ĐH Quốc gia HN) trong thư viện

Trong 16 tiêu chí nhóm nghiên cứu của ThS Ngô Thị Thanh Tùng đề xuất, tiêu chí được người sử dụng đặt lên hàng đầu là khả năng giải quyết các vấn đề, nhiệm vụ chuyên môn; sau đó là khả năng tổ chức và thực hiện công việc.

Các tiêu chí khác được xếp theo mức độ quan trọng như sau: Khả năng làm việc độc lập; Khả năng tìm kiếm và sử dụng thông tin; Khả năng sử dụng ngoại ngữ trong công việc; Khả năng sử dụng CNTT trong công việc; Khả năng giao tiếp (viết và nói); Khả năng làm việc theo nhóm; Thái độ yêu thích trong công việc, hài lòng với mức lương và tính kỷ luật trong công việc; Hiểu biết về môi trường hoạt động của doanh nghiệp/ tổ chức và vị trí công việc; Khả năng chịu áp lực công việc và cuối cùng là khả năng năng động và sáng tạo trong công việc.

Những tiêu chí trên không chỉ là nguồn tham khảo hữu ích cho các trường ĐH để điều chỉnh chương trình, mục tiêu đào tạo mà còn giúp sinh viên có những định hướng quan trọng trong quá trình học tập, trau dồi kỹ năng để có thể đáp ứng được cao nhất yêu cầu của doanh nghiệp khi xin việc.

Hàng loạt các đề xuất của doanh nghiệp cũng được tổng hợp trong nghiên cứu của ThS Nguyễn Ngọc Phương - Trường CĐ Kỹ thuật Lý Tự Trọng TPHCM.

Theo đó, các cơ sở đào tạo nên thường xuyên xin ý kiến phản biện, góp ý, tư vấn, đánh giá, kiểm định của doanh nghiệp để xem nguồn nhân lực đang thiếu những phẩm chất gì. Phải thiết lập mối quan hệ với doanh nghiệp trong ngành nhằm tăng cường khả năng thực tập, giúp người học thích nghi với điều kiện làm việc thực tế.

Cùng với yêu cầu thường xuyên cập nhật, đổi mới chương trình đào tạo, đầu tư trang thiết bị, các doanh nghiệp cũng mong muốn nhà trường nâng cao chất lượng rèn luyện kỹ năng cho người học, đồng thời xây dựng đội ngũ giảng viên, kỹ thuật viên trình độ cao, luôn tiếp cận với thực tế sản xuất và công nghệ hiện đại...

Hiệp hội các trường ĐH châu Á lại có những tiêu chí về năng lực khá tổng quát và toàn diện. Sản phẩm đào tạo của các trường ĐH phải có những năng lực sau: 1. Chỉ số thông minh; 2. Chỉ số sáng tạo; 3. Chỉ số xúc cảm; 4. Chỉ số đạo đức; 5. Chỉ số say mê; 6. Chỉ số số hóa; 7. Chỉ số quốc tế hóa.

Hiện nay, các trường ĐH Việt Nam chưa có những tiêu chí chung về năng lực của người tốt nghiệp ĐH. Các doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa có tiêu chí thống nhất để đánh giá người lao động trong công việc.

Hiệp hội các trường ĐH trên thế giới đã đưa ra những tiêu chí rất rõ ràng để đo lượng năng lực của người lao động tốt nghiệp ĐH. Đó là: 1. Có sự sáng tạo và thích ứng cao trong mọi hoàn cảnh chứ không chỉ học để đảm bảo tính chuẩn mực; 2. Có khả năng thích ứng với công việc mới; 3. Biết đặt những câu hỏi đúng; 4. Có kỹ năng làm việc theo nhóm; 5. Có hoài bão để trở thành những nhà khoa học lớn; 6. Có năng lực tìm kiếm và sử dụng thông tin; 7. Biết kết luận, phân tích, đánh giá; 8. Chấp nhận sự đa dạng; 9. Biết phát triển chứ không đơn thuần là chuyển giao; 10. Biết vận dụng những tư tưởng mới.

(Nhóm nghiên cứu của ThS Ngô Thị  Thanh Tùng - Viện Khoa học Giáo dục VN)

Lập Phương

TIN LIÊN QUAN

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.