Điện Biên: Gần 15.500 học sinh hoàn thành chương trình tiếng dân tộc

GD&TĐ - Sau 10 năm triển khai đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS giai đoạn 2011 - 2020, gần 15.500 học sinh đã hoàn thành chương trình này.

Ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên (thứ 3 bên phải) trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân.
Ông Nguyễn Văn Kiên - Giám đốc Sở GD&ĐT Điện Biên (thứ 3 bên phải) trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân.

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS giai đoạn 2011 - 2020 do Sở GD&ĐT Điện Biên cho biết: Điện Biên luôn tạo điều kiện để phát huy tiếng Thái, tiếng Mông theo hướng bền vững và thiết thực.

Từ năm 2011 đến hết năm học 2019 - 2020, ở cấp tiểu học đã có 7.176 học sinh hoàn thành chương trình tiếng Thái, 8.329 học sinh hoàn thành chương trình tiếng Mông, vượt 15% so với mục tiêu Đề án. Năm học 2020 - 2021, ngành GD&ĐT triển khai thực hiện dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho 7.858 học sinh tiểu học tại 56 trường, 289 lớp; cấp THCS thực hiện dạy tự chọn tiếng Thái, tiếng Mông cho 9.230 học sinh tại 43 trường, 248 lớp. Cùng với việc được học tiếng nói và chữ viết của dân tộc mình, các em học sinh còn được tham gia các hoạt động bảo tồn văn hóa các dân tộc tại địa phương, góp phần giữ gìn và phát triển nền văn hóa chung của toàn dân tộc Việt Nam.

Bên cạnh đó, các cơ sở giáo dục triển khai Đề án đã tổ chức tốt các hoạt động bảo tồn, phát huy, phát triển văn hóa nghệ thuật các dân tộc, như: Sưu tầm ca dao, dân ca các dân tộc thiểu số; tìm hiểu và học sử dụng một số loại nhạc cụ dân tộc; tổ chức tết dân tộc, lễ hội; tổ chức ngày hội văn hóa, dân gian dân tộc, tổ chức hội thi bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc… Ngoài ra, giáo viên dạy tiếng Thái, tiếng Mông cũng được đào tạo đầy đủ về số lượng, chuyên môn đảm bảo yêu cầu cho việc thực hiện Đề án.

Ông Vừ A Bằng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo.
Ông Vừ A Bằng - Phó chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên phát biểu chỉ đạo.

Dự và phát biểu tại hội nghị, ông Vừ A Bằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên đã biểu dương, ghi nhận tinh thần trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của ngành GD&ĐT, nhất là đội ngũ cán bộ, giáo viên tham gia dạy tiếng Mông, tiếng Thái trong 10 năm qua.

Ông Vừ A Bằng cũng đề nghị trong thời gian tới, ngành GD&ĐT tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về bảo tồn các giá trị văn hóa; nâng cao nhận thức cho cán bộ và người dân, học sinh việc dạy, học tiếng và chữ viết dân tộc Thái, Mông. Phát huy những kết quả đạt được trong 10 năm qua, đồng thời khắc phục hạn chế, khó khăn trong công tác nghiên cứu, giảng dạy. Ông Vừ A Bằng cũng mong muốn cấp ủy, chính quyền, MTTQ các đoàn thể và cả hệ thống chính trị có sự quan tâm tích cực hơn nữa tới công tác dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh.

Ông Nguyễn Văn Kiên (đứng giữa) trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.
Ông Nguyễn Văn Kiên (đứng giữa) trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc.

Tại hội nghị tổng kết, Sở GD&ĐT đã tặng Giấy khen 10 tập thể, 15 cá nhân có nhiều thành tích trong thực hiện Đề án dạy tiếng Thái, tiếng Mông cho học sinh tiểu học và THCS trên địa bàn tỉnh trong 10 năm qua.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ