Dị vật đường thở - nguy hiểm tính mạng trẻ thơ

Dị vật đường thở - nguy hiểm tính mạng trẻ thơ

(GD&TĐ) - Hóc dị vật đường thở là một tai nạn rất thường gặp ở trẻ từ 1 - 3 tuổi. Đây là tuổi hiếu động và tò mò trước mọi vật xung quanh, trẻ chưa  ý thức được về mức độ nguy hiểm. Chỉ một chút bất cẩn hay sơ sểnh của cha mẹ hay người chăm sóc, trẻ có thể nguy hiểm đến tính mạng do bị tắc đường thở.

Những  sự bất cẩn...

Bé N.N.P.A. (2 tuổi) ngồi xem bố bé tháo điện thoại để lắp chiếc sim mới. Mải tập trung với công việc, người bố chưa kịp vứt bỏ "phế liệu" vào thùng rác. Thấy vật lạ - phần khung nhựa nhỏ bao quanh phía ngoài của chiếc sim điện thoại - trên bàn, bé P.A. với lấy rồi cho vào mồm nhai nuốt. Cháu ho sặc sụa, tím tái, nôn  ra một mẩu nhựa nhỏ. Choáng váng, ông bố trẻ vội  kiểm tra những đồ vật mình đã bỏ lại trên bàn thì phát hiện chiếc khung sim điện thoại đã biến mất. 

Hình ảnh ghim băng trong đường thở của bệnh nhi L.A.T
Hình ảnh ghim băng trong đường thở của bệnh nhi L.A.T

Ngay lập tức bé P.A. được bố mẹ đưa đến bệnh viện Nhi Đồng 1 (TP Hồ Chí Minh) cấp cứu  trong tình trạng khó thở, không uống được nước, luôn miệng kêu đau… Sau khi tiến hành X-quang kiểm tra, bác sĩ phát hiện một mẩu nhựa hình chữ U nằm vắt ngang 1/3 trên thực quản của cháu bé. Qua nội soi, bác sĩ lấy ra dị vật là khung của chiếc sim điện thoại mà người cha tìm không thấy. Tình trạng sức khoẻ của bé P.A đã được cải thiện sau khi dị vật được gắp ra ngoài.

Mới đây, Bệnh viện Nhi T.Ư cũng cấp cứu và can thiệp  thành công trường hợp bé L.A.T (10 tháng tuổi ở  Xuân Lộc, Hà Tĩnh). Đang ngồi chơi cùng bà và mẹ, bé nhặt được chiếc ghim băng của bà đánh rơi và cho vào miệng. Hoảng hốt, mẹ bé cuống lên vội dùng tay móc miệng con để lấy ghim băng ra khiến bé khóc thét rồi chiếc ghim băng tọt luôn vào miệng. Gia đình đã đưa bé đến BV Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Bệnh viện chụp  X-quang cho cháu và xác định chiếc ghim băng đã lọt qua vùng hầu, họng xuống tới thực quản. Cháu T được chuyển ra bệnh viện Nhi T.Ư trong tình trạng vẫn tự thở bình thường. Hình ảnh X - quang cho thấy dị vật ghim băng nằm trong đường thở, tận phế quản gốc trái. Ghim băng mở, đầu nhọn quay lên trên. Bệnh nhi được chuyển lên phòng mổ để nội soi phế quản lấy dị vật. Quá trình nội soi lấy ghim băng rất khó khăn, kéo dài hơn 2 giờ đồng hồ. Cuối cùng các bác sĩ trong kíp mổ của ThS.BS. Lê Thanh Chương -  Khoa Hô hấp đã gắp được dị vật ra đường thở của bé.

Mô tả ảnh. Mô tả ảnh.
Mẩu khung sim điện thoại được lấy ra từ thực quản của bé P.A Nắp đầu bút bi được lấy ra từ phế quản bệnh nhi P.N.H

Không chỉ những bệnh nhi nhỏ mới gặp phải những tai nạn thương tích do nuốt phải dị vật. Trường hợp cậu học sinh tiểu học  9 tuổi P. N. H (xã Cẩm Tú, H.Cẩm Thủy, Thanh Hóa) nuốt phải đầu bút bi cũng là lời cảnh báo để các bậc phụ huynh và các thầy cô giáo lưu tâm. Đang ngồi học trong lớp, H vô ý  ngậm chiếc bút  bi trong miệng. Do chiếc nắp ở đầu bút bị lỏng nên đã trôi tuột vào họng cậu bé. Thấy HS ho sặc sụa, tím tái người,  các thầy cô giáo đã tìm mọi cách móc chiếc nắp đầu bút bi ra khỏi họng bé Hào, nhưng không được. Hai ngày sau, cháu Hào có biểu hiện sốt cao liên tục, ho nhiều, tức ngực và khó thở,  gia đình đưa cháu đến Bệnh viện đa khoa huyện Cẩm Thủy khám, rồi chuyển xuống Bệnh viện nhi Thanh Hóa. Tại đây, các bác sĩ đã tiến hành nội soi phế quản, xác định vị trí dị vật và gắp thành công chiếc nắp đầu bút bi ra khỏi phế quản cháu.

Hậu quả khó lường

Tai nạn hóc sặc có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng thường ở trẻ nhỏ, từ 6 tháng đến 3 tuổi. Ở độ tuổi này trẻ thường dễ bị hóc sặc vì tò mò, thích cho ngậm vào miệng những vật cầm chơi. Các phản xạ đóng mở thanh quản để bảo vệ đường thở khi ăn uống và khi hít thở chưa thuần thục nên rất dễ bị hóc sặc gây dị vật đường thở. Trẻ cũng có thể hóc sặc bởi những trẻ lớn hơn hoặc người lớn vô tình gây tai nạn như cho trẻ chơi những đồ vật nhỏ, cho trẻ ăn lúc đang khóc, hoặc để trẻ vừa ăn vừa cười đùa. Phần lớn những dị vật đường thở là thức ăn, hạt trái cây, đồ vật nhỏ. Nguy hiểm là những vật sắc nhọn dễ bị kẹt vướng như xương, ghim băng, kim may, đinh ghim, tăm xỉa răng, lưỡi câu, kẹp giấy, đinh vít... gây tổn thương nặng và rất khó lấy ra.

Theo khuyến cáo của các bác sĩ, các bậc cha mẹ và người chăm sóc trẻ cần thiết phải để mắt tới trẻ trong lúc, mọi nơi, đang ăn hoặc chơi. Nếu thấy trẻ ho sặc sụa, tím tái, thở nấc thì nên đưa đến BV càng nhanh càng tốt vì có nhiều khả năng trẻ bị hóc dị vật. Những vật lạ rơi vào đường thở bị kẹt lại làm bít tắc đường hô hấp ngay gây ngạt thở cấp, nếu dị vật di động, đường thở sẽ bị bít lại và tuỳ theo tình trạng có thể dẫn tới liệt não chỉ trong vòng 6 phút. Trẻ không thở được dễ tử vong nhanh hay để lại các di chứng não suốt đời nếu không xử trí kịp thời. Các vật sắc nhọn còn đâm thủng gây loét, trầy trợt đường thở hoặc đâm xuyên vào các cơ quan xung quanh, hay vào mạch máu gây chảy máu có khi phải phẫu thuật. Dị vật rơi sâu xuống phế quản, ở lâu gây viêm mủ nặng, xẹp phổi, viêm phổi kéo dài, áp xe phổi, tràn khí màng phổi ảnh hưởng đến chức năng hô hấp của trẻ rất khó chữa trị. Nếu  trẻ bị ho kéo dài mà điều trị nội khoa không khỏi, cũng nên đưa đến bệnh viện  chuyên khoa nhi để được kiểm tra xem trẻ có bị hóc dị vật hay không để can thiệp kịp thời.

Từ những trường hợp tai nạn liên tiếp xảy ra trong thời gian qua, bác sĩ khuyến cáo phụ huynh phải luôn cẩn trọng, chú ý loại bỏ mọi yếu tố có thể gây nguy hiểm cho trẻ nhỏ. Tuyệt đối không cho các bé chơi những món đồ nhỏ có thể đưa lọt vào miệng. Phụ huynh cũng cần trang bị cho mình những kiến thức sơ cấp cứu cơ bản để kịp thời hỗ trợ trẻ trong tình huống xấu nhất trước khi chuyển đến bệnh viện.

Khánh Linh

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhu cầu tuyển dụng lao động vào dịp cuối năm luôn “nóng” tại các doanh nghiệp. Ảnh minh họa: INT

Doanh nghiệp 'khát' lao động

GD&TĐ - Những tháng cuối năm luôn là thời điểm sôi động nhất của thị trường lao động, bởi hầu hết các doanh nghiệp phải chạy đua với thời gian

Minh họa/INT

Thưởng Tết - động lực để cống hiến

GD&TĐ - Ý nghĩa của thưởng Tết dù ít hay nhiều nhằm ghi nhận công lao, đóng góp của người lao động, đồng thời chính là thành quả mà người lao động tạo ra...

Minh họa/INT

Cảnh báo người mới

GD&TĐ - Trung Quốc vừa quyết định cấm xuất khẩu kim loại và vật liệu có chứa những nguyên tố hoá học nhất định, trong đó có Gallium và Germanium sang Mỹ.