ĐH Đà Nẵng có công trình nghiên cứu được Mỹ cấp bằng bảo hộ độc quyền sáng chế

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” do nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng được cấp bằng bảo hộ bởi Cơ quan Sở hữu trí tuệ USPTO.

Dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” của ĐH Đà Nẵng.
Dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” của ĐH Đà Nẵng.

Dự án “Thông tin quang thông minh cho mạng dữ liệu cực lớn” do nhóm nghiên cứu của ĐH Đà Nẵng gồm: PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng - Viện Khoa học Công nghệ tiên tiến và TS. Lê Thái Sơn - Trường ĐH Bách khoa (đồng Chủ nhiệm) đã được Cơ quan Sở hữu trí tuệ USPTO (Hoa Kỳ) cấp bằng bảo hộ.

Đây là Dự án nghiên cứu do nhóm thực hiện từ tháng 9/2019 nhằm mục tiêu thiết kế và phát triển hệ thống thông tin quang thông minh có dung lượng truyền dữ liệu cực lớn (10¹² bit/s) cho mạng Internet trong tương lai.

Dự án thiết kế phát triển hệ thống thông tin quang thông minh có dung lượng truyền dữ liệu cực lớn.
Dự án thiết kế phát triển hệ thống thông tin quang thông minh có dung lượng truyền dữ liệu cực lớn.

Nhóm nghiên cứu đã gặt hái được những kết quả nổi bật so với đăng ký thuyết minh ban đầu như: Có kết quả thực nghiệm truyền dữ liệu dung lượng đến 1200 Gigabit/s với hiệu suất phổ 5.25 bit/s/Hz bằng kỹ thuật tách sóng trực tiếp.

Các kết quả nghiên cứu được công bố quốc tế, hỗ trợ đào tạo sau đại học như: 6 bài báo trên Tạp chí quốc tế uy tín (SCIE Q1); 1 bài báo Kỷ yếu Hội thảo (A*); 1 bài báo Kỷ yếu Hội thảo quốc tế (giải Best Paper Award); 1 patent đã được cấp Bằng bảo hộ bởi USPTO tại Hoa Kỳ sau hơn 1 năm đăng ký và 3 patents được chấp nhận đăng ký. Ngoài ra, dự án còn hỗ trợ đào tạo 3 nghiên cứu sinh.

Theo PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng thì dự án này đã phát triển kỹ thuật tiên tiến nhằm phát hiện, khắc phục các yếu tố làm suy giảm chất lượng hệ thống bao gồm các méo dạng tín hiệu tuyến tính và phi tuyến, giúp vượt qua các giới hạn Shannon phi tuyến (nonlinear Shannon limits) về dung lượng truyền thông tin.

"Thay vì thực hiện các nghiên cứu “an toàn", tức là chỉ cần thực hiện để có sản phẩm đầu ra đúng như cam kết thuyết minh, nhóm nghiên cứu chúng tôi đã mạnh dạn tiến hành các nghiên cứu có tầm ảnh hưởng lớn hơn, chấp nhận rủi ro cao, đúng như nội hàm của hoạt động nghiên cứu đổi mới sáng tạo" - PGS.TS Nguyễn Tấn Hưng cho biết.

Kết quả đạt được thực sự ngoài mong đợi với các công bố khoa học (thiết lập được kỷ lục truyền dữ liệu dung lượng đến 1200 Gigabit/s với hiệu suất phổ 5.25 bit/s/Hz bằng kỹ thuật tách sóng trực tiếp) trên các tạp chí, kỷ yếu hội thảo chuyên ngành hàng đầu trong lĩnh vực thông tin sợi quang.

Một patent được cấp bằng Độc quyền sáng chế được bảo hộ quốc tế bởi USPTO (Hoa Kỳ).

Một patent được cấp bằng Độc quyền sáng chế được bảo hộ quốc tế bởi USPTO (Hoa Kỳ).

Đặc biệt, lần đầu tiên Nhóm nghiên cứu tiếp cận, tham gia đăng ký bằng Độc quyền sáng chế, có sự tham gia của các đơn vị chuyên gia về sở hữu trí tuệ mà chi phí trước đây chưa có Quỹ/Chương trình tài trợ nghiên cứu nào hỗ trợ với sự đồng hành của Trường ĐH Bách khoa ĐH Đà Nẵng, PGS.TS. Nguyễn Tấn Hưng chia sẻ.

Với bằng Độc quyền sáng chế đã được bảo hộ quốc tế, trong thời gian tới, nhóm nghiên cứu Dự án sẽ tiếp tục chuyển sang giai đoạn nghiên cứu phát triển (R&D) để hoàn thiện đưa sản phẩm thương mại “smart optical transceiver” ứng dụng thực tiễn đem lại những lợi ích cho khoa học, doanh nghiệp và cộng đồng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ