Déjà vu dưới góc nhìn khoa học

GD&TĐ - Nhiều người trải qua một sự kiện ở hiện tại nhưng có cảm giác đã từng gặp tình huống này trong quá khứ.

Giới khoa học vẫn đang đi tìm lời giải thích chính xác cho hiện tượng này.
Giới khoa học vẫn đang đi tìm lời giải thích chính xác cho hiện tượng này.

Hiện tượng trên là do hoạt động chệch nhịp trong bộ não của chúng ta nhưng không phải bệnh lý nguy hiểm.

Trải nghiệm những điều từng xảy ra

PGS Roderick Spears, chuyên gia nghiên cứu chứng đau nửa đầu và khoa học lâm sàng tại Đại học Brown, Mỹ, cho rằng không có lời giải thích chắc chắn nào về hiện tượng Déjà vu. Các nhà nghiên cứu cũng khó đưa ra kết luận vì Déjà vu là hiện tượng khó mô phỏng trong phòng thí nghiệm.

Déjà vu là thuật ngữ tiếng Pháp có nghĩa là “những điều từng xảy ra”. Khi bỗng nhiên xuất hiện một sự kiện nào đó và bạn cho rằng bạn đã gặp tình huống này trong quá khứ, đó gọi là Déjà vu.

Trong cuộc sống, không ít người gặp phải hiện tượng này nhưng do khoảnh khắc diễn ra quá ngắn nên không phải mọi người đều nhận thức được nó đã xảy ra.

Một số người lo lắng vì thường xuyên trải qua hiện tượng này. Các trường hợp như vậy có thể do lạm dụng chất gây nghiện, chứng đau nửa đầu, lo lắng... hoặc một tình trạng tâm thần khi một người cảm thấy bản thân tách rời khỏi cơ thể hoặc môi trường xung quanh.

Chứng động kinh thuỳ thái dương được cho là nguyên nhân phổ biến gây ra hiện tượng này. Các đợt Déjà vu có thể phát sinh từ các cơn co giật ở thuỳ thái dương của não hoặc rối loạn chức năng ở các vùng não liên quan đến việc lưu trữ và truy xuất trí nhớ như vùng hippocampus và parahippocampus.

Khi lên cơn động kinh, ngoài Déjà vu, con người còn có các triệu chứng khác như tim đập nhanh, cảm giác sợ hãi quá mức cần thiết...

Tuy nhiên, Déjà vu cũng được trải nghiệm ở những người không bị bệnh động kinh hay các tình trạng thần kinh khác. Do đó, phải có những lời giải thích khác về lý do tại sao trải nghiệm này lại xảy ra.

Từ thời triết gia Platon, sống khoảng năm 427 - 347 trước công nguyên (TCN), các nhà khoa học đã cố gắng lý giải hiện tượng này và coi đó là bằng chứng của tiền kiếp. Đến thế kỷ 19, nhà thần kinh học Sigmund Freud đã mô tả Déjà vu là “ký ức về sự tưởng tượng vô thức cùng với mong muốn cải thiện tình hình hiện tượng”.

Còn hiện nay, GS thần kinh học James J Giordano, Đại học Georgetown, Mỹ, cho biết: “Déjà vu không phải hiện tượng siêu nhiên. Việc trải nghiệm Déjà vu là hoàn toàn bình thường. Theo nghĩa đen, đây là trải nghiệm chủ quan của một người về việc lặp lại một tập hợp các sự kiện, hoạt động, suy nghĩ và cảm xúc cụ thể, dù điều đó chưa từng xảy ra trước đây”.

Ước tính, khoảng 90% dân số thế giới đã trải qua Déjà vu và tần suất giảm dần khi chúng ta già đi. Hiện tượng này phổ biến hơn ở người trẻ tuổi và trẻ em.

Theo GS James phân tích, bộ não của con người cơ bản hoạt động giống như cỗ máy thời gian và không gian. Bộ não thu nạp mọi sự kiện trong hiện tại và liên kết nó với những sự kiện tương tự hoặc gần giống trong quá khứ.

Bằng cách này, bộ não có thể đưa ra một số mô phỏng sự kiện trong tương lai nhưng xác suất các sự kiện xảy ra là rất thấp. Khi nó xảy ra, con người sẽ có cảm giác như đã từng trải qua sự kiện này và gọi đó là Déjà vu.

Hiện tượng này có thể liên quan đến một khu vực ở giữa não, gọi là đồi thị. Tất cả thông tin như thính giác, vị giác, xúc giác... phải đi qua đồi thị đến vỏ não (lớp ngoài cùng) của não để tiếp tục diễn giải và xử lý.

“Nếu tốc độ của những tương tác này hơi lệch nhau, chúng ta sẽ cảm thấy như thể đang trải nghiệm sự kiện ở hiện tại nhưng thực tế là chúng ta đang nhớ lại những cảm giác trong quá khứ. Vì vậy, những gì bộ não tiếp nhận có thể nhầm lẫn giữa hiện tại và quá khứ theo đúng nghĩa đen”, GS James giải thích.

Biểu hiện của căng thẳng kéo dài

Déjà vu là hiện tượng con người cảm thấy mình đã từng trải qua sự kiện ở hiện tại trong quá khứ.

Déjà vu là hiện tượng con người cảm thấy mình đã từng trải qua sự kiện ở hiện tại trong quá khứ.

Trong nhiều thập kỷ, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều giả thuyết khác nhau về lý do tại sao và làm thế nào mà hiện tượng Déjà vu xảy ra. Một lý thuyết phổ biến từ góc độ thần kinh học là xử lý kép. Trong đó, thông tin được lưu trữ và truy xuất thông qua các quá trình khác nhau trong não.

Ví dụ, bạn đang ngồi trong phòng khách đọc bài báo này. Mùi thức ăn mẹ bạn nấu thoang thoảng trong không khí, thú cưng của bạn nằm ngủ trên sofa và ánh nắng chiếu từ ngoài cửa sổ chạm nhẹ lên da bạn. Tất cả cảm giác này được bộ não thu thập và xử lý thành một sự kiện duy nhất.

Theo lý thuyết kép, khi não bộ xử lý chậm trễ một trong những cảm giác này, nó sẽ diễn giải trải nghiệm thành 2 sự kiện riêng biệt, mang lại cho bạn cảm giác quen thuộc.

Cũng có giả thuyết cho rằng Déjà vu là hiện tượng của vũ trụ song song. TS Vật lý lý thuyết Michi Kaku tin rằng Déjà vu là khả năng chuyển đổi giữa các vũ trụ khác nhau. Và có thể Déjà vu đang cố nói cho chúng ta biết về những sự kiện mà chúng ta trải qua ở những vũ trụ khác.

Bên cạnh đó, nhiều ý kiến lo ngại rằng Déjà vu là biểu hiện của căng thẳng. GS Giordano giải thích: “Não hoạt động tốt hơn khi được nghỉ ngơi và tràn đầy năng lượng. Khi bạn bị căng thẳng quá mức hoặc lo lắng nhiều, não sẽ mệt mỏi. Vì vậy, mô hình hoạt động của não có thể thay đổi và khiến chúng ta trải nghiệm Déjà vu”.

Nhưng điều này không đồng nghĩa bộ não của bạn không khoẻ mạnh. Déjà vu thực tế luôn xảy ra với những người khoẻ mạnh và phổ biến ở độ tuổi 15 – 25.

Còn PGS Spears cho rằng những người có trình độ học vấn cao có xu hướng mắc Déjà vu thường xuyên hơn những người ít học hơn. “Những người đi du lịch nhiều, những người nhớ về giấc mơ của họ hay những người có niềm tin tự do có thể trải nghiệm hiện tượng này thường xuyên hơn”, ông nói.

TS Ooha Susmita, bác sĩ tâm thần kinh tại Trung tâm Allo Health, Mỹ, cho biết: “Điều quan trọng cần lưu ý rằng Déjà vu là trải nghiệm phổ biến và không phải dấu hiệu của các tình trạng bệnh lý hay tâm lý tiềm ẩn nào. Dù sự hiểu biết của con người về Déjà vu đã tiến bộ trong những năm qua nhưng đây vẫn là một hiện tượng phức tạp, hấp dẫn, tiếp tục là chủ đề nghiên cứu của giới khoa học. Trong thời gian tới, cần tăng cường nghiên cứu để làm sáng tỏ cơ chế hoạt động của hiện tượng này”.

Theo Live Science, DW

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ