Bộ não của loài người đang nhỏ đi?

GD&TĐ - Bộ não là cơ quan phức tạp nhất trong cơ thể con người. Những nghiên cứu mới đây đã đưa chúng ta đến gần hơn với việc tìm hiểu quá trình tiến hóa của bộ não.

Kích thước của bộ não thay đổi theo thời gian.
Kích thước của bộ não thay đổi theo thời gian.

Giảm kích thước so với tổ tiên

Nghiên cứu mới được đăng tải trên tạp chí Frontiers in Ecology and Evolution đã làm sáng tỏ sự tiến hóa của bộ não con người. Kết quả nghiên cứu cho thấy, bộ não của con người hiện nay đã giảm kích thước so với 3.000 năm trước. Sử dụng kiến làm mô hình nghiên cứu, các nhà khoa học đưa ra giả thuyết rằng sự co lại của não bộ song song với sự mở rộng trí tuệ tập thể trong xã hội loài người.

Các nhà khoa học đã áp dụng phương pháp phân tích điểm thay đổi giữa bộ dữ liệu gồm 985 sọ người hóa thạch và bộ não của con người hiện đại. Họ nhấn thấy não người hiện đại tăng kích thước khi so sánh lần lượt với tổ tiên 1,5 và 2,1 triệu năm trước trong kỷ Pleistocen, nhưng giảm kích thước so với 3.000 năm trước vào kỷ Holocen.

TS James Traniello, đồng tác giả nghiên cứu, làm việc tại Trường Đại học Boston, Mỹ, cho biết: “Hầu hết mọi người đều nhận thức được rằng con người có bộ não lớn bất thường, lớn hơn đáng kể khi so sánh với kích thước cơ thể chúng ta. Việc bộ não ngày nay lại giảm kích thước so với tổ tiên cách đây 3.000 năm là điều không thể ngờ tới”.

Thời điểm não bộ tăng kích thước trùng với giai đoạn tiến hóa ban đầu của người tinh khôn Homo. Những tiến bộ kỹ thuật; chế độ ăn uống, dinh dưỡng tốt hơn; hình thành các nhóm xã hội lớn hơn là một trong những nguyên nhân khiến não bộ tăng kích thước trong kỷ Pleistocen.

Khi chuyển sang nghiên cứu về việc giảm kích thước não, nhóm khoa học đã vận dụng quan sát về xã hội loài kiến.

TS Traniello giải thích: “Chúng tôi cho rằng kiến có thể là ví dụ để hiểu tại sao bộ não có thể tăng hoặc giảm kích thước do ảnh hưởng của đời sống xã hội. Việc tìm hiểu nguyên nhân não tăng hoặc giảm rất khó nếu chỉ nghiên cứu hóa thạch”.

Do đó, nhóm đã nghiên cứu về kích thước, cấu trúc, cách sử dụng năng lượng của bộ não kiến thợ ở một số đàn kiến như kiến vàng Oecophylla, kiến ăn lá Atta hoặc kiến vườn thông thường Formica. Qua đó, các nhà khoa học phát hiện rằng bộ não của kiến thợ đã thay đổi để thích ứng với khả năng nhận thức, cách thức phân công lao động trong các nhóm xã hội có quy mô khác nhau.

Điều này đồng nghĩa trong một nhóm xã hội, nơi kiến thức được chia sẻ sâu rộng hoặc các cá nhân là chuyên gia trong một số lĩnh vực nhất định, bộ não có thể giảm kích thước để làm việc hiệu quả hơn.

TS Traniello đánh giá: “Xã hội loài người và kiến rất khác nhau, đồng thời có những lộ trình khác nhau trong quá trình tiến hóa xã hội. Tuy nhiên, kiến và người cũng có nhiều điểm chung trong khía cạnh đời sống xã hội như quyết định theo nhóm; phân công lao động; sản xuất lương thực, nông nghiệp. Những hoạt động này có thể ảnh hưởng trực tiếp tới kích thước não bộ”.

Bộ não lớn sử dụng nhiều năng lượng trong khi bộ não nhỏ hơn sử dụng ít năng lượng. Việc xã hội hóa tri thức trong lịch sử loài người khiến mỗi cá nhân cần ít năng lượng hơn để lưu trữ thông tin. Qua đó, bộ não của con người có thể giảm kích thước.

Nhóm nghiên cứu của Traniello đề xuất rằng, sự giảm kích thước này là do con người phụ thuộc ngày càng nhiều vào trí tuệ tập thể. Ý tưởng “trí tuệ đám đông” chỉ ra một nhóm người thông minh sẽ giỏi giang hơn một người thông minh nhất trong nhóm.

Thay đổi do khí hậu

Bộ não của người tinh khôn Homo có kích thước lớn hơn bộ não của loài người hiện nay.

Bộ não của người tinh khôn Homo có kích thước lớn hơn bộ não của loài người hiện nay.

Ngoài ra, nhóm các nhà nghiên cứu liên ngành, đứng đầu là Trường Đại học Cambridge (Anh) và Đại học Tübingen (Đức), mới đây chỉ ra rằng khí hậu có thể làm thay đổi kích thước cơ thể và não bộ con người.

Nhóm đã đo kích thước cơ thể và não của hơn 300 hóa thạch thuộc giống người tinh khôn Homo được tìm thấy trên toàn cầu. Bằng cách kết hợp dữ liệu này và việc tái tạo khí hậu khu vực trên thế giới trong một triệu năm qua, họ đã xác định chính xác khí hậu cụ thể trong thời gian các hóa thạch sống.

Kích thước não ở giống người tinh khôn Homo có xu hướng lớn hơn khi sống trong các môi trường có ít thảm thực vật hơn như thảo nguyên, đồng cỏ. Kết hợp với dữ liệu khảo cổ học chỉ ra những người này chủ yếu săn bắn động vật lớn làm thức ăn. Đây là nhiệm vụ phức tạp nên có thể thúc đẩy tăng kích thước của não bộ.

Tuy nhiên, so với não, môi trường và khí hậu có ảnh hưởng lớn hơn nhiều đến kích thước cơ thể. Các yếu tố phi môi trường như mô hình đời sống xã hội, chế độ ăn uống, công nghệ ứng dụng trong cuộc sống… có ảnh hưởng nhiều hơn đến kích thước não bộ.

Điều ấn tượng là kích thước cơ thể và não bộ của con người tiếp tục phát triển để thích nghi với các nhiệt độ, môi trường và xã hội khác nhau. Tuy nhiên, việc phụ thuộc ngày càng nhiều vào công nghệ có thể khiến bộ não của thế hệ tương lai thu hẹp trong vài nghìn năm tới.

Giáo sư Andrea Manica, Khoa Động vật học tại Trường ĐH Cambridge, cho biết: “Thật thú vị khi suy đoán về những gì sẽ xảy ra với kích thước cơ thể và não trong tương lai. Tuy nhiên, chúng ta không nên ngoại suy quá nhiều dựa trên hóa thạch hàng triệu năm trước vì rất nhiều yếu tố có thể thay đổi”.

Theo Phys

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ