Để giành trọn 3 điểm Đọc hiểu bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Cô Đình Thị Thủy, GV Trường THPT Phenikaa chia sẻ với thí sinh những lưu ý giúp giành trọn 3 điểm phần Đọc hiểu bài thi Ngữ văn tốt nghiệp THPT.

Ảnh minh họa/ITN.
Ảnh minh họa/ITN.

Cô Đình Thị Thủy cho biết, phạm vi kiến thức phần Đọc hiểu là ngữ liệu đa dạng (thơ, văn xuôi, văn bản nhật dụng) nằm ngoài SGK.

Trong tổng số 4 câu đọc hiểu (chiếm 3/10 điểm), có 2 câu ở mức độ nhận biết, 1 câu mức độ thông hiểu và 1 câu ở mức độ vận dụng.

Để đạt điểm tối đa cho phần đọc hiểu, học sinh cần lưu ý chủ động kiến thức và phương pháp trả lời các dạng câu hỏi.

Gợi ý tham khảo cách trả lời cho từng dạng câu hỏi như sau:

Câu 1 (mức độ nhận biết), đề thi thường hỏi về phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, hoặc thể loại của ngữ liệu…

Để trả lời kiểu câu hỏi phương thức biểu đạt, phong cách ngôn ngữ, thể loại, học sinh cần nắm chắc và nhận diện được 6 phương thức biểu đạt, 6 phong cách ngôn ngữ, các thể thơ, truyện… (đã được học trong chương trình).

Câu 2 (mức độ nhận biết), thường là các câu hỏi yêu cầu chỉ ra những từ ngữ, hình ảnh thể hiện (một nội dung/phạm trù nào đó) trong ngữ liệu.

Với câu hỏi này, học sinh đọc kĩ văn bản và yêu cầu của đề, liệt kê đầy đủ, chính xác từ ngữ, hình ảnh thuộc nội dung/phạm trù mà câu hỏi nêu ra.

Cô Đình Thị Thủy.

Cô Đình Thị Thủy.

Câu 3 (mức độ thông hiểu), có thể có các dạng câu hỏi: Anh/chị hãy nêu nội dung của đoạn trích? Anh/chị hiểu như thế nào về … (câu văn/từ ngữ… ) được sử dụng trong đoạn trích? Anh chị hãy lý giải, vì sao tác giả cho rằng ….?; Anh/chị hãy nêu tên biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ đó?

Để trả lời kiểu câu hỏi về nội dung đoạn trích, học sinh cần đọc toàn bộ văn bản, chú ý nhan đề (nếu có), các luận điểm, các từ khóa, sau đó trả lời thật ngắn gọn, đúng trọng tâm (khoảng 1 đến 3 dòng, tùy ngữ liệu).

Với câu hỏi: “Anh/chị hiểu như thế nào về …(câu văn/từ ngữ… ) được sử dụng trong đoạn trích?”, “Anh chị hãy lý giải, vì sao tác giả cho rằng…”: Học sinh cần nhận diện thật rõ đối tượng được hỏi là gì và đặt trong văn bản (ngữ liệu) để giải thích tuần tự, lớp lang, từ nghĩa đen, nghĩa bóng (nếu có), sau đó nêu nhận thức của bản thân. Chú ý bám sát nội dung trọng tâm của toàn ngữ liệu, nhận diện đúng thái độ, quan điểm của tác giả để lý giải chính xác, đúng tinh thần của văn bản.

Ví dụ: Ngữ liệu đọc hiểu có hai câu thơ “Tôi nhìn xuống hố bom đã giết em/ Mưa đọng lại một khoảng trời nho nhỏ”. Câu hỏi: Tại sao tác giả lại nhìn thấy một “một khoảng trời nho nhỏ” khi “nhìn xuống hố bom đã giết em”?

Học sinh có thể trả lời như sau: Tác giả nhìn thấy “khoảng trời nho nhỏ khi nhìn xuống hố bom” vì đây là hình ảnh tả thực. Trời mưa, những hố bom đọng nước, mặt nước in bầu trời do sự phản chiếu bởi ánh sáng, do đó có hình ảnh “khoảng trời nho nhỏ khi nhìn xuống hố bom” (nghĩa đen)

Tuy nhiên, đây còn là hình ảnh ẩn dụ: Hố bom tượng trưng cho sự đau thương, mất mát, khoảng trời hiện thân cho sự sống, cho hòa bình, độc lập, tự do. Tác giả nhìn xuống hố bom - nơi người con gái đã hy sinh, thấy ở đó là hiện thân cho ánh sáng của tự do, hòa bình. (nghĩa bóng)

Có thể nói, qua cách cảm nhận và khắc họa hình ảnh như trên, tác giả đã thể hiện niềm trân trọng, thái độ ca ngợi sự hy sinh cao đẹp của người con gái nhỏ bé cho tổ quốc quê hương, khơi gợi nơi người đọc những rung cảm đẹp đẽ về thế hệ thanh niên những năm kháng chiến (nhận thức sâu sắc của bản thân)

Với câu hỏi yêu cầu nêu tên biện pháp tu từ và phân tích hiệu quả của biện pháp tu từ, học sinh sẽ trả lời theo các bước:

Bước 1, gọi tên biện pháp tu từ và đưa minh chứng cụ thể.

Bước 2, phân tích tác dụng: Nhấn mạnh (nổi bật, tô đậm) nội dung; tăng tính thẩm mỹ (tạo nhịp điệu, tăng tính hình ảnh, khiến câu thơ – văn sinh động...); thể hiện tình cảm của tác giả với đối tượng được nói đến, với người đọc, người nghe, khơi gợi sự đồng cảm nơi người đọc người nghe.

Câu 4 (mức độ vận dụng), đề thi có thể hỏi các dạng câu hỏi: Anh/chị có đồng tình với quan điểm của tác giả…? Anh chị có nhận xét gì về … một hình ảnh/một hiện tượng/một vấn đề? (được đặt ra trong ngữ liệu hoặc được khơi gợi từ ngữ liệu).

Với câu hỏi “Anh/ chị có đồng tình với quan niệm của tác giả...?”: Học sinh lưu ý trả lời sắc sảo, thể hiện tư duy phản biện.

Cụ thể, với quan điểm tích cực (đồng tình với ý kiến): Phân tích hết biểu hiện tích cực của nhận định. Sau đó, có thể mở rộng, bổ sung bằng kiến giải, hiểu biết của bản thân để thể hiện cái nhìn, đầy đủ, sâu sắc, toàn diện.

Với quan điểm tiêu cực: Không đồng tình với ý kiến vì cách nhìn nhận còn phiến diện (phân tích biểu hiện của việc chưa toàn diện). Sau đó thể hiện cái nhìn biện chứng (ví dụ, quan điểm của tác giả có phần cực đoan nhưng cũng phản ánh một thực tế…).

Với câu hỏi “Anh chị có nhận xét gì về … một hình ảnh/một hiện tượng/một vấn đề…”, học sinh cần có tư duy tổng hợp, có kiến thức thực tế để liên hệ, vận dụng nhằm lý giải thật thấu đáo, trọn vẹn, có tính biện chứng về vấn đề.

Về phần đọc hiểu, cô Đình Thị Thủy lưu ý chung: Cần trả lời đúng trọng tâm câu hỏi, tránh lan man, dài dòng; diễn đạt đúng ngữ pháp, chính tả, câu văn trong sáng. Các câu thông hiểu, vận dụng cần có chiều sâu, trả lời sắc sảo, tròn trịa (có tư duy phản biện).

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Xoay chuyển tình thế

Thế giới
GD&TĐ - Ứng viên Tổng thống Mỹ của đảng Cộng hòa Donald Trump đang trên đường đua để trở lại Nhà Trắng trong bối cảnh những cáo buộc pháp lý bủa vây ông.

Đừng bỏ lỡ