'Bí kíp vàng' để học và ôn tập tốt môn Ngữ Văn

GD&TĐ - Cô Vũ Kim Phượng, giáo viên môn Văn, Trường THPT Nguyễn Gia Thiều, Hà Nội gợi ý một số cách học hiệu quả, giúp học sinh tự tin vượt ải môn Ngữ Văn.

Cô Vũ Kim Phượng cùng học sinh 12D (2022-2023) - THPT Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội
Cô Vũ Kim Phượng cùng học sinh 12D (2022-2023) - THPT Nguyễn Gia Thiều - Hà Nội

Lập kế hoạch ôn tập

Theo cô Phượng, thời điểm hiện tại học sinh không thể dềnh dàng mà phải lên kế hoạch ôn tập môn Văn một cách cụ thể. Trước tiên, học sinh nên lập một bảng ưu tiên các kiến thức, kĩ năng cần học cho từng ngày, từng tuần.

Thứ hai, để việc ôn tập trở nên nhẹ nhàng hơn, học sinh phải nắm chắc kiến thức cơ bản, không ôm đồm quá nhiều. Học sinh có thể học bằng cách ghi lại các luận điểm chính của từng bài, kết hợp sơ đồ tư duy và tái hiện.

Đặc biệt, ôn tập theo chủ đề và hệ thống kiến thức để có thể so sánh đối chiếu, nhận diện được sự vận động trong từng tác phẩm, từng giai đoạn văn học. Từ đó, đúc kết ra được dấu ấn riêng trong cá tính sáng tạo của tác giả.

Học sinh cần rèn kĩ năng hệ thống hóa về tác giả, tác phẩm và giai đoạn văn học. Cùng với ôn tập kiến thức, các em cần rèn kĩ năng nghị luận về một tác phẩm, một đoạn trích văn xuôi; bình giảng thơ; kĩ năng phân tích đề, tìm ý, triển khai ý, mở bài, kết bài, chuyển đoạn, trình bày, diễn đạt…” cô Phượng chia sẻ.

Cuối cùng, giai đoạn “văn ôn võ luyện”, luyện đề để củng cố kiến thức. Cô Phượng cho biết, quá trình luyện đề vô cùng quan trọng bởi giúp học sinh thuần thục với các dạng bài, chủ động phân bổ thời gian hợp lý khi làm bài thi.

“Học sinh nên dành thời gian 20 phút cho phần đọc hiểu và khoảng 25 phút cho bài nghị luận xã hội, còn lại nên dành 70 đến 80 phút để bài nghị luận văn học” cô Phượng gợi ý.

Nắm chắc bí kíp làm bài

Cô Vũ Kim Phượng - GV THPT Nguyễn Gia Thiều
Cô Vũ Kim Phượng - GV THPT Nguyễn Gia Thiều

Cô Phượng cho biết, để đạt điểm tốt môn Văn không quá khó, tuy nhiên học sinh cần nắm được cấu trúc và kỹ năng làm bài của từng dạng.

Với phần đọc hiểu, học sinh phải nắm chắc kiến thức về phong cách ngôn ngữ, thao tác lập luận, phương thức biểu đạt, phép tu từ và tác dụng của các biện pháp nghệ thuật. Đồng thời, trả lời các câu hỏi ngắn gọn, trúng ý...

Đối với phần nghị luận xã hội, học sinh lưu ý viết đoạn văn ngắn khoảng 2/3 trang giấy thi, trả lời 4 câu hỏi chủ chốt: “Là gì - Tại sao - Như thế nào - Phải làm gì?”. Đặc biệt, biết sử dụng dẫn chứng thuyết phục, phù hợp với vấn đề nghị luận.

Còn với phần nghị luận văn học, học sinh cần chú ý 3 điểm: đọc kĩ đề, gạch chân các từ khóa; xác định yêu cầu của đề bài (vấn đề nghị luận; kiểu bài nghị luận); xác định phạm vi tư liệu sẽ sử dụng trong bài viết (kiến thức về tác giả, tác phẩm; các kiến thức liên quan …)

Cô Phượng cũng lưu ý, một bài văn hay được kết hợp hài hòa 2 phương diện: luận điểm mạch lạc và diễn đạt có chất văn. Về luận điểm, học sinh đọc kĩ yêu cầu của đề, lập dàn ý trước khi viết để kiểm soát các ý, xác định ý trọng tâm, tránh sót ý… Về diễn đạt, học sinh cần linh hoạt thay đổi giọng điệu trong từng phân đoạn của tác phẩm. Đồng thời, chú trọng đến cách dùng từ, đặt câu, lập luận chặt chẽ và sử dụng dẫn chứng phù hợp, thuyết phục…

Ví dụ, để làm tốt bài nghị luận về tùy bút “Người lái đò sông Đà”, học sinh cần hiểu đây là áng văn đẹp thể hiện được nét đặc sắc nhất trong phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân - nhà văn tài hoa uyên bác. Tác phẩm rất thành công khi phát hiện và miêu tả chất vàng trong vẻ đẹp hùng vĩ và thơ mộng của thiên nhiên Tây Bắc cùng chất vàng mười quý giá trong tâm hồn, tính cách những người lao động bình dị miền núi Tây Bắc.

“Bài nghị luận văn học vốn là phần phân loại học sinh. Với những học sinh trung bình các em cần đảm bảo viết đúng và đủ ý. Đặc biệt, chuẩn bị trước phần mở bài và kết bài, tránh sự lúng túng không biết mở bài thế nào, gây mất thời gian.

Với học sinh khá, để bài viết sâu và “ăn điểm” hơn, các em nên mở rộng thêm phần so sánh. Ví dụ, khi phân tích về hình ảnh người lái đò, học sinh có thể so sánh với tác phẩm thời kỳ trước cách mạng của nhà văn như “Chữ người tử tù” để thấy điểm giống, khác nhau ở chỗ nào”- cô Phượng chia sẻ.

Cô Phượng cũng nhấn mạnh, trong giai đoạn ôn thi “nước rút”, các sĩ tử phải giữ gìn sức khỏe thật tốt và nỗ lực thực hiện mục tiêu đã đặt ra.

“Hãy đặt lòng tin vào khả năng của mình và giữ tinh thần chiến đấu. Nhân sinh quan tích cực chính là ánh nắng ban mai soi rọi trong trái tim các em. Và đừng chỉ nghĩ về kết quả sẽ như thế nào, hãy sống trọn vẹn từng khoảnh khắc, làm những gì các em cần làm mỗi ngày” cô Phượng gửi gắm đôi lời tâm tình đến các sĩ tử 2k5.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ