“Ăn điểm” bài đọc hiểu
Cô Đinh Thanh Hải – giáo viên môn Văn, Trường THPT Đông Triều (Quảng Ninh) cho biết, để đạt điểm tối đa phần đọc hiểu, học sinh cần nắm chắc kiến thức của tiếng Việt, nhận diện được các câu hỏi nhận biết, thông hiểu và vận dụng. Khi trả lời phải đúng trọng tâm câu hỏi và ngắn gọn theo mô thức hỏi gì - đáp đó, tránh lan man.
Theo cấu trúc đề thi minh họa, câu hỏi số 1 (mức độ nhận biết) thường hỏi về thể thơ hoặc về hình ảnh, từ ngữ. Về thể thơ, học sinh cần nắm được một số thể thơ cơ bản như: thể thơ năm chữ, bảy chữ, tự do, lục bát... bằng cách đếm số chữ của từng câu thơ để trả lời. Nếu câu hỏi yêu cầu xác định các từ ngữ, hình ảnh, học sinh chỉ cần trả đúng, đủ, không viết dài dòng.
“Câu hỏi nhận biết chiếm 0,75 điểm, rất dễ lấy điểm nhưng nhiều học sinh vẫn làm sai vì không nắm chắc thể thơ, dẫn đến đoán mò để trả lời. Hoặc các em viết dài dòng các từ ngữ, hình ảnh, dẫn đến bị trừ điểm, mất điểm tùy theo mức độ sai sót” cô Hải phân tích.
Với câu hỏi số 2 (mức độ nhận biết), đề bài cho sẵn một đoạn văn bản, học sinh chỉ cần xác định đúng nội dung là đạt yêu cầu.
Cô Đinh Thanh Hải – GV môn Văn, Trường THPT Đông Triều |
Câu hỏi số 3 (mức độ thông hiểu), phần này học sinh cần hiểu nội dung, cách sử dụng biện pháp nghệ thuật của đoạn thơ, bài thơ. Ngoài ra, đề thi cũng có thể hỏi kiến thức liên quan đến tiếng Việt, yêu cầu nhận diện và nêu hiệu quả của một biện pháp tu từ nào đó. Bởi vậy, học sinh phải nắm chắc một số phép tu từ quen thuộc như: so sánh, ẩn dụ, nhân hóa, điệp, liệt kê.....
Câu hỏi số 4 (mức độ vận dụng thấp), yêu cầu học sinh rút ra một thông điệp, bài học có ý nghĩa từ văn bản, hoặc ý kiến cá nhân về một vấn đề nào đó. Với phần này, học sinh nên đọc thêm nhiều sách để có thể ngôn từ phong phú, diễn đạt ý mạch lạc, rõ nghĩa.
“Muốn lấy điểm tuyệt đối ở phần đọc hiểu, học sinh phải tránh tình trạng vừa đọc câu hỏi, vừa trả lời. Các em cần đọc hết ngữ liệu để hiểu nội dung. Tiếp đó, đọc lần lượt 4 câu hỏi và sau cùng trả lời các câu hỏi theo thứ tự, tránh trả lời lộn xộn, đảo thứ tự các câu, giám khảo khó chấm bài.
Bên cạnh đó, học sinh cần phải biết phân phối thời gian hợp lý. Phần đọc hiểu chỉ nên làm trong khoảng 15 phút. Nếu dành nhiều thời gian cho phần này, các em sẽ không đủ thời gian khi chuyển sang phần nghị luận xã hội, nghị luận văn học” cô Hải lưu ý.
Giúp trò yêu Văn hơn
Theo cô Hải, Ngữ văn là môn học trừu tượng và thiên về cảm xúc, ngoài dạy về kiến thức cũng cần truyền “ngọn lửa” nhiệt huyết để học sinh yêu Văn hơn mỗi ngày.
Trong quá trình giảng dạy, cô Hải lựa chọn phương pháp dạy học tùy vào đặc trưng của từng loại tác phẩm. Đơn cử, sân khấu hóa tác phẩm văn học để học sinh có cơ hội thể hiện tài năng hoặc thảo luận nhóm để bài học thêm phong phú, đa dạng.
Tuy nhiên, học tốt môn Văn cũng phải xuất từ sự cố gắng và nỗ lực của học sinh. Cô Hải chia sẻ, học sinh nên rèn thói quen tập trung nghe giảng hoặc đặt ra những câu hỏi, thắc mắc để trao đổi với thầy cô, bạn bè về vấn đề được đề cập trong tác phẩm. Qua đó, hiểu bài hơn và khơi gợi được niềm say mê với môn Văn.
Ngoài ra, học sinh có thể học Văn bằng cách sử dụng sơ đồ tư duy, tư duy hình ảnh, học với giấy ghi nhớ màu sắc. Với mỗi tác phẩm, gạch chân các từ khóa quan trọng. Đặc biệt, nghe podcast về văn học, đọc nhiều tài liệu, ghi lại những câu nói, những nhận định hay, những điều tâm đắc để đưa vào bài viết, giúp bài thêm hay và sâu sắc.