Ôn thi Ngữ Văn hiệu quả giai đoạn nước rút

GD&TĐ - Để ôn tập tốt môn Ngữ Văn, học sinh nên học bằng cách ghi ghép, hệ thống kiến thức bằng sơ đồ tư duy.

Học sinh tích cực ôn luyện trước kì thi tốt nghiệp THPT
Học sinh tích cực ôn luyện trước kì thi tốt nghiệp THPT

Xây dựng kỹ năng làm bài từ sớm

Hiện nay, các Trường THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội lên kế hoạch ôn tập bài bản giúp học sinh nắm vững kiến thức, sẵn sàng “vượt cạn”. Dựa trên cấu trúc đề thi thử của Bộ GD&ĐT, các trường xây dựng ngân hàng đề thi cũng như rèn luyện kĩ năng làm bài thi cho học sinh.

Chia sẻ về kinh nghiệm ôn thi môn Văn, cô Ngô Thị Nhiên, giáo viên Văn Trường THPT Nguyễn Bỉnh Khiêm cho biết, học sinh được làm quen cấu trúc đề thi tốt nghiệp ngay từ năm lớp 10.

“Trong thi giữa kì hoặc cuối kì, tổ ngữ Văn xây dựng bộ đề thi lớp 10 giống cấu trúc đề thi lớp 12, chỉ khác về trình độ kiến thức. Bởi vậy, 3 năm học, học sinh được rèn luyện nhuần nhuyễn kĩ năng làm bài cơ bản. Lên đến lớp 12, học sinh tập trung trau dồi thêm kiến thức, không quá bỡ ngỡ về kĩ năng làm bài”, cô Nhiên cho hay.

Theo cô Nhiên, dạng bài đọc hiểu - phần chiếm 30% trong tổng số điểm bài thi, là phần dễ dàng lấy điểm nhất của học sinh. Để làm tốt bài đọc hiểu sao cho nhanh, gọn, kịp thời gian học sinh cần nắm được cấu trúc câu hỏi phần đọc hiểu, nắm được 4 dạng câu hỏi tương đương với 4 cấp độ: Nhận biết, thông hiểu, vận dụng và vận dụng cao.

Với dạng bài nghị luận xã hội, cô Nhiên cho rằng, cần có phương pháp làm thống nhất để dạng đề nào cũng có thể áp dụng.

“Khi viết đoạn văn nghị luận xã hội, học sinh cần nêu được vấn đề ở đầu đoạn, sau đó thực hiện các thao tác: Giải thích, phân tích, chứng minh, bàn luận; cuối cùng kết luận lại vấn đề”, cô Nhiên chia sẻ.

Về phần nghị luận văn học, cô Nhiên lưu ý, bên cạnh phân tích chi tiết phần nội dung, mở bài và kết bài rất quan trọng. Một mở bài hay dễ mang lại ấn tượng cho người chấm, nhờ đó học sinh có cơ hội đạt điểm cao.

“Với kết bài và mở bài, ngoài kiến thức cơ bản về tác phẩm văn học, tôi luôn dặn học sinh chuẩn bị sổ tay ghi chép những đánh giá, nhận định về mỗi một nhà văn, nhà thơ và tác phẩm văn học gắn với họ. Từ những nhận định, đánh giá đó, học sinh sẽ dẫn dắt vào mở bài hoặc tổng kết chốt lại vấn đề ở kết bài. Với cách này, học sinh sẽ không bị bí ý tưởng và giúp bài văn trở nên chặt chẽ, giàu sắc thái văn chương hơn”, cô Nhiên nhấn mạnh.

Học đến đâu chắc đến đấy

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Với bộ đề minh họa môn Văn năm 2023, cô Nhiên nhìn nhận, cấu trúc đề thi vẫn giữ nguyên. Tuy nhiên, giáo viên phải định hướng học sinh học đến đâu chắc đến đấy.

“Ở bài nghị luận văn học, phần liên hệ vẫn thể hiện sự phân hóa. Mặc dù, phần liên hệ nằm trong phạm vi cùng một tác phẩm nhưng học sinh vẫn cần phải nắm chắc kiến thức tác phẩm và cách làm để đạt điểm tối đa. Thông thường các năm đề thi chính thức sẽ có một vài điểm khác biệt so với đề thi minh họa, để không rơi vào thế bị động, học sinh nên rèn thêm kĩ năng liên hệ so sánh trong nghị luận văn học”, cô Nhiên lưu ý.

Để môn Văn “dễ thở” hơn với học sinh, cô Nhiên cũng gợi ý một số cách học văn hiệu quả. Cụ thể, sau mỗi bài học, học sinh có thể lập sơ đồ tư duy. Đặc biệt, học bằng cách ghi chép sẽ nhớ lâu hơn so với học thuộc bằng cách đọc.

“Việc lập sơ đồ tư duy dạng nhánh cây, dạng bong bóng hay dạng vòng tròn... giúp học sinh hệ thống được ý chính, có cái nhìn bao quát toàn bộ tác phẩm. Qua đó, sẽ đi sâu hơn vào các ý nhỏ để ghi nhớ toàn bộ nội dung bài học.

Ngoài kiến thức trong sách giáo khoa, học sinh có thể tham khảo thêm các nguồn tài liệu trên mạng xã hội, trang web học tập.... Học sinh cần chủ động trong việc học, coi khám phá văn học là hành trình khám phá những điều bí ẩn, càng tìm hiểu càng hấp dẫn thì các con sẽ cảm thấy đam mê với môn Văn”, cô Nhiên chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ