Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả như mong đợi?

GD&TĐ - Dạy học trực tuyến hiện nay chưa tận dụng được hết ưu điểm, cũng như chưa phát huy hiệu quả như mong đợi. Cần đầu tư bài bản hơn cho dạy học online, từ cơ sở vật chất, nền tảng công nghệ, chương trình dạy học…

Hội thảo “Dạy và học trực tuyến - Góc nhìn của giáo viên và nhà quản lý” theo hình thức trực tuyến.
Hội thảo “Dạy và học trực tuyến - Góc nhìn của giáo viên và nhà quản lý” theo hình thức trực tuyến.

Thông tin này được các chuyên gia nhấn mạnh tại hội thảo “Dạy và học trực tuyến - Góc nhìn của giáo viên và nhà quản lý” do iSMART Education vừa tổ chức.

Vai trò của công nghệ

Theo tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân - Giám đốc Đào tạo, Viện Phát triển Tài năng Quốc tế iTD Academy; chuyên gia đào tạo giáo viên, INTESOL Worldwide, Vương quốc Anh, trên thế giới đã chứng minh dạy học trực tuyến đem lại nhiều hiệu quả và đang được nhiều quốc gia đẩy mạnh. Ngay như nước Anh - một nơi tương đối bảo vệ việc dạy học truyền thống thì hiện nay cũng đang rất cởi mở trong việc triển khai dạy học online.

Một nhân tố rất quan trọng góp phần dạy trực tuyến hiệu quả là giáo viên. Tuy nhiên, tiến sĩ Nguyễn Thúy Hồng Vân cho rằng, giáo viên vẫn chưa được hỗ trợ một công cụ dạy học trực tuyến đồng nhất, giúp cho họ tích hợp tất cả các bài giảng lại với nhau, các cơ sở dữ liệu về tài liệu học tập, học sinh và giáo viên cùng giao tiếp trên nền tảng đó…

Cần phải có một nền tảng công nghệ và ứng dụng tốt cho giáo dục, một phần mềm tất cả trong một, tích hợp tất cả các cơ sở dữ liệu, hoặc tài liệu học tập giúp cho thầy và trò có thể phát huy tối đa tính tự chủ của người học.

Đồng quan điểm, ThS Đoàn Hữu Nhật An - đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo Thừa Thiên Huế, Phó giám đốc Trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh Thừa Thiên Huế - cho hay, một trường học thông minh là làm thế nào để việc học tập của học sinh được tự do, khai phá mọi kiến thức.

Và ở góc độ nhà quản lý có thể thâm nhập mọi lúc, mọi nơi để nắm được tốc độ dạy học của giáo viên mà không cần can thiệp trực tiếp. Theo đó, cần có một nền tảng công nghệ cũng như một hệ thống chung hiệu quả, thân thiện, dễ sử dụng,

“Xu hướng của giáo dục hiện nay là đặt trọng tâm vào việc học tập của học sinh để giúp học sinh trở thành một công dân toàn cầu, vừa nắm vững kiến thức, vừa có những kỹ năng và phẩm chất đạo đức, kể cả ngoại ngữ, để các em có thể ứng xử mọi lúc, mọi nơi trên toàn cầu.

Vì vậy, nhà trường thông minh là một cánh cửa mở cho các em được vào không gian của thế giới, trong một thế giới phẳng” - ThS Đoàn Hữu Nhật An nêu thêm quan điểm.

Ảnh minh họa/ITN
Ảnh minh họa/ITN

Cần hệ thống đồng bộ

Tại hội thảo, nhiều chuyên gia cùng chung ý kiến, cần có một nền tảng công nghệ dùng chung, thống nhất toàn quốc -  một phần mềm tất cả trong một, sẽ giúp cho việc dạy và học, chia sẻ tài nguyên, kinh nghiệm giảng dạy dễ dàng hơn.

Liên quan đến nội dung này, ông Trần Trọng Nghĩa - Giám đốc Điều hành Nền tảng dạy và học trực tuyến MegaSchool; Giám đốc Điều hành Trường học thông minh 789 cho biết, hiện có nhiều phần mềm khác nhau, gây khó khăn cho công tác dạy và học trực tuyến.

Giải pháp trường học thông minh Mega School khắc phục được điều này; với một kho nội dung số từ lớp 1 đến lớp 12, kho học liệu theo đúng phân phối chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chuẩn ngôn ngữ theo vùng miền. Giáo viên có thể tùy biến, nhưng có sự quản lý của hội đồng chuyên môn nhà trường. Các nội dung video cũng có tính tương tác cao, đặc biệt, tích hợp tất cả các giải pháp live stream phổ biến…

“Đáng chú ý, với toàn bộ các công nghệ hiện đại sẽ trợ giúp cho công tác tổ chức khảo sát, kiểm tra, thi cử, hoàn toàn có thể tin cậy, đánh giá cao về độ minh bạch và sánh ngang với kết quả thi trực tiếp bình thường. Đây là một kho học liệu rất lớn để hỗ trợ giáo viên, các nhà quản lý, nhà trường trong lúc ra đề kiểm tra, để tham khảo và trong công tác chuẩn bị thi cử…” - ông Trần Trọng Nghĩa chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ