Thời khóa biểu dạy học trực tuyến: Không chuyển đổi cơ học

GD&TĐ - Bố trí thời gian cho mỗi tiết dạy và số tiết trong ngày với dạy học trực tuyến hiện không giống nhau giữa các địa phương; thậm chí các trường trong địa phương cũng có sự khác biệt.

Học sinh TP Hà Nội học trực tuyến dưới sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh minh họa
Học sinh TP Hà Nội học trực tuyến dưới sự hỗ trợ của phụ huynh. Ảnh minh họa

Quan điểm bố trí học trực tuyến như trực tiếp vẫn được nhiều trường áp dụng, dù chuyên gia khuyến cáo điều này là không phù hợp.

Mỗi nơi mỗi khác

Có con bị nhược thị (viễn loạn bẩm sinh), chị Mai Hà (Hoàng Mai, Hà Nội) rất lo lắng khi nhà trường bố trí lịch học trực tuyến gần như kín từ sáng đến chiều. Chị Hà cho biết: Cơ sở giáo dục ngoài công lập có uy tín, giáo viên năng động nên khi tạm dừng đến trường vì dịch bệnh, nhà trường đã chuyển sang học trực tuyến. Có điều, thời khóa biểu học trực tuyến được sắp xếp như học trực tiếp khiến học sinh mệt mỏi.

“Con học lớp 5 và cháu học trực tuyến 4 tiết buổi sáng, 4 tiết buổi chiều. Lịch học hàng ngày là: 8 giờ bắt đầu sinh hoạt chủ nhiệm trong 15 phút, sau đó vào tiết đầu tiên. Mỗi tiết học kéo dài 35 phút, thời gian nghỉ lao sau mỗi tiết là 15 phút. Như vậy, sáng từ thứ 2 đến thứ 5, con phải học từ 8 giờ đến 11 giờ 20 phút; chiều học từ 1 giờ 30 phút đến 4 giờ 35 phút. Riêng thứ 6 có thêm tiết ôn tập nên thời gian học buổi chiều kéo dài đến 5 giờ 30 phút. Khá nhiều bài tập cô giao cũng phải làm trên máy tính nên thời gian con phải sử dụng máy rất nhiều”, chị Mai Hà trăn trở.

Tại Trường THPT Mỹ Quý, Đồng Tháp, thầy Hiệu trưởng Trần Văn Hân thông tin: Thời khóa biểu dạy trực tuyến của trường bố trí tối đa 5 tiết/ngày (3 tiết chính khóa và 2 tiết trái buổi). Mỗi tiết tối đa 45 phút. Tùy nội dung cần truyền đạt, hiệu quả tiết dạy, tổ chức giao nhiệm vụ học tập cho học sinh mà giáo viên bộ môn có thể kết thúc tiết học sớm hơn (không quá 10 phút).

Dạy và học trực tuyến cần tuân thủ những nguyên tắc đặc thù của GD từ xa.
Dạy và học trực tuyến cần tuân thủ những nguyên tắc đặc thù của GD từ xa. 

Liên quan đến nội dung này, ông Nguyễn Phương Toàn, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Tiền Giang, cho biết: Sở GD&ĐT đã có kế hoạch dạy học trực tuyến trong thời gian phòng chống dịch Covid-19. Theo đó, yêu cầu từng đơn vị chủ động, kịp thời xây dựng kế hoạch dạy học, bảo đảm chất lượng, hiệu quả dạy học bằng các hình thức: Dạy học trực tuyến và tận dụng thời gian vàng trên lớp.

Cơ sở giáo dục xây dựng kế hoạch cụ thể, tránh máy móc, rập khuôn, làm ảnh hưởng đến việc học của học sinh. Riêng thời lượng, Sở GD&ĐT quy định dạy trực tuyến nên sắp xếp không quá 3 tiết/buổi; mỗi tiết cách nhau 10 phút, không quá 5 tiết/ngày. “Tiền Giang không quy định giảm thời lượng của mỗi tiết dạy vì giáo viên vẫn phải tổ chức dạy học khối lượng kiến thức theo kế hoạch giáo dục nhà trường đã xây dựng nhằm bảo đảm khung kế hoạch thời gian năm học”, ông Nguyễn Phương Toàn chia sẻ.

Thời lượng dạy học trực tuyến cũng được Sở GD&ĐT An Giang quy định cụ thể. Theo ông Trần Tuấn Khanh, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, với bậc trung học, theo quy định của sở, các trường bố trí 1 tuần không quá 28 tiết; 1 ngày không quá 7 tiết; 1 buổi không quá 4 tiết. Cố gắng sắp xếp các hoạt động dạy học trực tuyến trong 35 phút; phải bố trí nghỉ giải lao giữa 2 tiết ít nhất 10 phút, sau 2 tiết phải có khoảng nghỉ tối thiểu 20 phút. Giáo viên thực hiện giao nhiệm vụ, hướng dẫn học sinh thực hiện trước khi vào lớp học, sử dụng tối đa thời gian trên lớp cho việc thảo luận, trao đổi, giải đáp, hướng dẫn học sinh nắm chắc, khắc sâu các kiến thức cơ bản, cốt lõi nhất.

Học sinh tại TP Vinh (Nghệ An) trong giờ học trực tuyến tại nhà. Ảnh minh họa
Học sinh tại TP Vinh (Nghệ An) trong giờ học trực tuyến tại nhà. Ảnh minh họa

Sắp xếp thời khóa biểu, thời lượng tiết dạy phù hợp

Từ góc nhìn chuyên gia, ông Tôn Quang Cường, Chủ nhiệm khoa Công nghệ giáo dục, Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội băn khoăn khi nhiều trường đang thực hiện theo cách chuyển đổi cơ học từ dạy học trực tiếp sang online. Trong đó, thời khóa biểu/lịch học của trường được chuyển đổi cơ học cho “lịch các bài giảng học qua video trực tuyến”, chứ không phải là học online theo đúng nghĩa. Cụ thể, có bao nhiêu tiết được phân bổ trước đây nay vẫn áp dụng y nguyên, trên trạng thái online. Điều này gây quá tải và áp lực cực lớn cho cả học sinh, giáo viên và phụ huynh.

Ông Tôn Quang Cường cho rằng: Với học sinh tiểu học, tổng thời gian học online không nên quá 2 tiếng/ngày; cần được chia thành nhiều phiên, mỗi phiên không quá 20 phút; giữa các phiên cần có giải lao 5 phút; ở phiên thứ 3 nghỉ 10 phút. Không nên giải lao lâu vì sẽ mất thời gian khởi động lại. Với học sinh THCS, THPT, mỗi phiên học không quá 30 phút và tối đa không nên quá 3 tiếng/ngày. Còn lại phải tổ chức các hoạt động khác như: Làm bài tập có hướng dẫn nộp sau, hoạt động nhóm qua kết nối, khám phá trải nghiệm…

Tình hình dịch bệnh còn phức tạp nên dạy trực tuyến là giải pháp hiệu quả cao nhất hiện tại. Tuy nhiên, việc tiếp xúc thường xuyên, thời gian dài với các thiết bị học trực tuyến (chủ yếu là màn hình điện thoại thông minh), các hoạt động truyền đạt, tương tác của giáo viên bị hạn chế nên sẽ ảnh hưởng đến kết quả tiếp thu và có sự mệt mỏi nhất định về thể trạng của học sinh. Do đó, bố trí tiết học tối thiểu trong ngày, trong buổi và điều chỉnh giảm bớt thời gian từng tiết dạy là cần thiết để bảo đảm khả năng tiếp thu và sức khỏe cho học sinh.

Đưa ra quan điểm này, thầy Trần Văn Hân nói: Nhiều trường cố gắng sắp xếp thời khóa biểu với số tiết trong ngày, trong buổi được hạn chế tối đa; đồng thời khuyến khích giáo viên vận dụng các hướng dẫn tổ chức dạy học ứng phó với Covid-19 và có sự chuẩn bị, sắp xếp tiết dạy khoa học, giảm thời lượng từng tiết dạy.

Ông Tôn Quang Cường nhấn mạnh: Nhà trường phải quyết liệt khẩn trương xây dựng hệ thống quản lý học tập LMS; trước mắt có thể là những công cụ đơn giản và miễn phí. Đồng thời, tập hợp các tài nguyên dạy học, kể cả tài nguyên để cho học sinh xem đi xem lại khi cần, như video dạy học, bài giảng PowerPoint, văn bản, âm thanh, hình ảnh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.