Đại biểu Quốc hội: Ngành Giáo dục đã có bước chuyển ấn tượng trong tổ chức dạy học trực tuyến

GD&TĐ - Dạy - học trực tuyến ứng phó với đại dịch Covid-19 như một điểm sáng của ngành Giáo dục. Qua đó, thể hiện sự thích nghi nhanh chóng của ngành Giáo dục với tiến bộ khoa học công nghệ.

Ảnh minh hoạ/internet
Ảnh minh hoạ/internet

Đó là nhận định của bà Tăng Thị Ngọc Mai – đại biểu Quốc hội khoá XIV, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Trà Vinh khi trao đổi với phóng viên Báo Giáo dục & Thời đại.

“Trong cái khó, ló cái khôn”

"Rõ ràng, nhìn vào mặt tích cực, dịch Covid-19 đã kích thích đội ngũ giáo viên năng động, sáng tạo hơn và chủ động thích ứng với công nghệ thông tin" - bà Tăng Thị Ngọc Mai.

- Bà đánh giá như thế nào về khả năng thích ứng của ngành Giáo dục trước đại dịch Covid-19?

- Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành Giáo dục đã chủ động ứng phó, thực hiện tốt phương châm “tạm dừng đến trường, không dừng việc học”; từ đó hoàn thành mục tiêu kép “vừa chống dịch, vừa đảm bảo kế hoạch năm học".

Bộ GD&ĐT đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Thông tin và Truyền thông, hỗ trợ các  trường dạy học trên internet, trên truyền hình; đồng thời phối hợp tốt với Bộ Y tế để có những quy định đảm bảo an toàn phòng, chống dịch bệnh trong trường học, nhất là khi học sinh đi học trở lại.

Có thể nói, ngành Giáo dục đã có bước chuyển ấn tượng trong việc tổ chức dạy học trực tuyến. Đến nay, dạy học online đã trở thành hoạt động thiết yếu, duy trì sự tương tác giữa thầy và trò, không chỉ ở trên lớp mà ở tất cả các thời điểm trong ngày.

Tại tỉnh Trà Vinh, đối với bậc tiểu học sẽ dạy học trên truyền hình; còn THCS, THPT dạy học trực tuyến. Hiện thầy – trò đã thích ứng với việc phương thức dạy – học này.

Bà Tăng Thị Ngọc Mai
Bà Tăng Thị Ngọc Mai

- Nhiều người quan ngại về chất lượng dạy – học khi phải áp dụng giải pháp tình thế dạy học online – một hình thức chưa từng có trong tiền lệ. Bà nghĩ sao về vấn đề này?

- Không nên so sánh giữa dạy trực tuyến với dạy trực tiếp và cũng không nên cầu toàn. Mỗi phương thức đều có những ưu, nhược điểm riêng. Nhưng nếu xét trong bối cảnh hiện tại, tôi cho rằng, chúng ta chấp nhận được.

Thẳng thắn mà nói, toàn ngành Giáo dục đã có nhiều nỗ lực khắc phục khó khăn hạn chế trong dạy, học trực tuyến. “Trong cái khó, ló cái khôn”, nhiều thầy, cô giáo đã sáng tạo không ngừng để đưa kiến bài học đến với học trò. Có thầy, cô đã thành lập kênh youtube riêng để đưa bài giảng của mình lên, giúp học sinh có điều kiện học mọi lúc, mọi nơi.

Dạy học trên truyền hình là giải pháp mà nhiều địa phương lựa chọn để ứng phó với đại dịch Covid-19
Dạy học trên truyền hình là giải pháp mà nhiều địa phương lựa chọn để ứng phó với đại dịch Covid-19

Không để gián đoạn việc dạy – học của thầy - trò

- Năm học 2021-2022, Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới được áp dụng đối với lớp 1, 2 và 6. Tuy nhiên, ở nhiều địa phương, việc dạy – học đang được triển khai bằng hình thức trực tuyến. Điều này, có khó khăn cho thầy – trò?

- Cái mới bao giờ cũng khó và phải có thời gian để thích nghi. Năm nay, khi triển khai thực hiện Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới bằng hình thức trực tuyến nên ít nhiều cũng gặp những khó khăn nhất định cho thầy - trò.

Tuy nhiên, trước đó Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo rất tốt về công tác tập huấn, bồi dưỡng cho giáo viên khi triển khai dạy Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới.

Ngoài ra, Bộ GD&ĐT, các địa phương nhà trường cũng tập huấn, hướng dẫn cho giáo viên phương pháp dạy học online, nên việc dạy – học của thầy – trò đã diễn ra thuận lợi.

Qua theo dõi và nắm bắt từ cơ sở, đến thời điểm này, việc dạy – học Chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới của tỉnh Trà Vinh diễn ra thuận lợi, ổn định và đã đi vào nề nếp.

Học sinh có gia cảnh khó khăn được trao tặng máy tính bảng để phục vụ cho việc học tập. (Ảnh: Minh Khởi)
Học sinh có gia cảnh khó khăn được trao tặng máy tính bảng để phục vụ cho việc học tập. (Ảnh: Minh Khởi)

- Mới đây, Bộ GD&ĐT phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông phát động Chương trình “Sóng và máy tính cho em”. Vậy chương trình này đã được tỉnh Trà Vinh triển khai thực hiện như thế nào?

- Hiện, chúng tôi đã vận động cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Giáo dục mỗi người ủng hộ 1 ngày lương cho chương trình “Sóng và máy tính cho em”.

Đến nay, đã được gần 3 tỷ đồng và đang tiến hành đấu thầu để mua sắm thiết bị học tập cho học sinh theo Chương trình Sóng và máy tính cho em.

Ngoài ra, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ, ủng hộ từ các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh hơn 1000 chiếc ti vi, 400 ipad và hơn 300 chiếc điện thoại thông minh. Toàn bộ thiết bị này đã được trao tặng các gia đình, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, giúp các em có điều kiện học tập tốt hơn khi học trực tuyến.

Cùng với đó, chúng tôi đã làm việc với 2 nhà mạng là Viettel và VNPT, nhằm bảo đảm phủ sóng toàn bộ trên địa bàn tỉnh, để việc dạy – học online của thầy – trò được diễn ra thuận lợi, không bị gián đoạn vì sóng yếu.

Xin cảm ơn bà!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ