Hơn 1 tháng dạy học trực tuyến: Vừa dạy, vừa gỡ khó

GD&TĐ - Nhiều địa phương triển khai dạy học trực tuyến nhưng thực tế vẫn còn khó khăn, hạn chế. Để khắc phục, nhà trường, giáo viên vừa dạy học, vừa rút kinh nghiệm để có hướng tháo gỡ.

HS huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trong giờ học trực tuyến.
HS huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ trong giờ học trực tuyến.

Để dạy học trực tuyến đạt hiệu quả, Sở GD&ĐT tỉnh Đồng Tháp thành lập Tổ hỗ trợ kỹ thuật dạy học trực tuyến cấp tỉnh. Tổ này đi thực tế khảo sát tại các trường phổ thông để nắm tình hình. Qua khảo sát, bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn khó khăn trong dạy học trực tuyến. Cụ thể là đội ngũ giáo viên một số trường do mới tiếp cận kỹ năng khai thác phần mềm dạy học trực tuyến nên còn gặp khó khăn trong quá trình tổ chức dạy học. Đường truyền Internet, 4G tại một số nơi còn hạn chế, chưa ổn định. Việc sắp xếp thời lượng các buổi dạy học trực tuyến tại một số trường còn cao so với yêu cầu hạn chế thấp nhất thời gian tiếp xúc trên các thiết bị học trực tuyến…

Theo chia sẻ của cô Trần Thị Mộng Trinh, giáo viên Trường THCS Thường Thới Tiền, huyện Hồng Ngự (Đồng Tháp), giáo viên có thuận lợi được tập huấn đầy đủ tất cả chương trình dạy online. Đa số học sinh sử dụng hiệu quả các thiết bị, điện thoại thông minh để học. Trong từng bài dạy, giáo viên luôn cố gắng soạn giảng thật thu hút qua việc tạo các file trình chiếu, cô đọng để các em dễ hiểu.

Trường cũng lập thời khóa biểu cụ thể cho từng nhóm học tập, theo từng đơn vị lớp. Giáo viên trước mỗi tiết dạy sẽ gửi bài vào nhóm để học sinh xem trước và chuẩn bị trong từng buổi học… Tuy nhiên, trong quá trình dạy, học, cô trò không tránh khỏi tình trạng đường truyền Internet trục trặc khiến một số tiết dạy không thường xuyên, liên tục.

Tại TP Cần Thơ, Sở GD&ĐT tiến hành khảo sát, đánh giá ngẫu nhiên 35.107 phụ huynh, 44.623 học sinh khối trung học về công tác dạy học trực tuyến. Theo ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học (Sở GD&ĐT), khảo sát cho thấy, gần 60% phụ huynh đánh giá hiệu quả dạy học trực tuyến thấp hơn học trực tiếp và 33,6% phụ huynh cho rằng học trực tuyến hay trực tiếp là như nhau.

Gần 75% học sinh cho biết đang sử dụng điện thoại để học trực tuyến. Do điện thoại màn hình nhỏ ảnh hưởng đến việc học tập của các em. Khảo sát học sinh về mức độ tiếp thu kiến thức môn học, có hơn 51% học sinh hiểu bài, làm tốt bài tập; 41,9% học sinh hiểu được bài nhưng chưa thể vận dụng làm bài tập; số học sinh còn lại chưa thật sự hiểu bài.

Tại Trường THPT Thới Lai (TP Cần Thơ), qua khảo sát ý kiến, vẫn còn một số học sinh chưa tập trung. Hoạt động luyện tập cho học sinh khi học trực tuyến chưa bảo đảm, đặc biệt là nội dung thực hành… Thầy Nguyễn Hữu Định, Hiệu trưởng nhà trường - chia sẻ: “Rút kinh nghiệm, nhà trường tổ chức quản lý hoạt động dạy và học trực tuyến chặt chẽ, khoa học như học trực tiếp. Tổ chức đánh giá rút kinh nghiệm về hoạt động dạy học trực tuyến để điều chỉnh kế hoạch dạy học phù hợp. Đồng thời xây dựng bài giảng trình chiếu tập trung và các nội dung trọng tâm và ứng dụng phần mềm thí nghiệm ảo để học sinh dễ tiếp cận với nội dung bài học…”.

Chia sẻ về giải pháp nâng cao chất lượng dạy học trực tuyến, theo ông Nguyễn Phúc Tăng, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ, sở yêu cầu phòng GD&ĐT, nhà trường hạn chế giao thêm công việc không thực sự cần thiết và gây áp lực cho giáo viên; lựa chọn phần mềm phù hợp với thầy cô, tránh tình trạng ép giáo viên thao tác, lĩnh hội tất cả phần mềm. Lãnh đạo nhà trường cần ghi nhận thông tin phản hồi của phụ huynh, học sinh; chủ động, linh hoạt hơn các giải pháp hỗ trợ học sinh…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ