Dạy học trực tuyến tại vùng khó: Khai phá năng lực tiềm ẩn của thầy cô

GD&TĐ - Năm học 2021 - 2022, tỉnh Đắk Lắk có 1.020 trường, 15.153 lớp với gần 463.000 học sinh. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hầu hết trường học phải tổ chức dạy học trực tuyến.

Thầy Lương Anh Quang đang hướng dẫn học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (huyện Krông Pắc) học online. Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: TG
Thầy Lương Anh Quang đang hướng dẫn học sinh lớp 4C, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự (huyện Krông Pắc) học online. Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: TG

Điều này đặt ra những thử thách, áp lực mới, song cũng là điều kiện để đội ngũ giáo viên khẳng định năng lực sư phạm và tình yêu nghề, mến trẻ của bản thân.

Áp lực từ việc dạy trực tuyến

Lâu nay, nhiều giáo viên quen với việc dạy học trực tiếp cùng các thiết bị, đồ dùng thủ công tự làm. Việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) chủ yếu được sử dụng vào tiết thao giảng, hội giảng hay khi dự thi.

Vì vậy, trước yêu cầu chuyển trạng thái sang dạy học trực tuyến, đồng nghĩa 100% tiết dạy phải sử dụng phần mềm dạy học qua Internet; môi trường dạy học chủ yếu “độc thoại” trước màn hình máy tính; luôn có sự giám sát của phụ huynh… là những thử thách, áp lực không hề nhỏ đối với giáo viên.

Theo TS Phan Bá Lê Hiền – Phó Hiệu trưởng Trường THPT Lê Duẩn (TP Buôn Ma Thuột), nếu giáo viên không thay đổi cách dạy mà thực hiện giống như dạy trực tiếp chất lượng sẽ không cao. Điều đó khiến học sinh sẽ học một cách thụ động, máy móc và không có sự kiểm soát chặt chẽ từ giáo viên như học trực tiếp.

“Khi dạy trực tuyến, giáo viên thường bị sức ép về chất lượng dạy học vì sự kì vọng quá lớn của một bộ phận phụ huynh. Nếu không đủ thiết bị, không rành CNTT và nhất là không giỏi nghiệp vụ sư phạm, tiết dạy sẽ nhàm chán. Lúc đó, trò làm việc của trò, thầy không kiểm soát được tình huống… dẫn đến mất niềm tin của phụ huynh. Thậm chí khiến học sinh chán học, sợ học, nhất là các lớp tiểu học”, TS Hiền chia sẻ.

Cũng theo TS Hiền, dạy học quan trọng nhất là bao quát lớp để phát hiện kịp thời những điểm mạnh và những hạn chế của từng học sinh trong lớp. “Khi bao quát và phát hiện được ưu và nhược điểm của từng học sinh, người thầy mới có thể điều chỉnh phương pháp dạy học phù hợp. Từ đó khơi gợi hứng thú, đam mê học tập, giúp phát huy tối đa phẩm chất, năng lực cá nhân của mỗi em”, TS Hiền nhấn mạnh.

Năm học 2021 - 2022, cô Lê Thị Tố Như (Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn, thị trấn Phước An, huyện Krông Pắc) được phân công dạy lớp 1D. Lớp có 46 học sinh, trong đó 100% đủ điều kiện để học online.

“Hầu hết giáo viên trước khi dạy online đều phải mày mò, tự học để biết cách sử dụng phần mềm và tổ chức lớp học. Trường tôi sử dụng phần mềm Google Meet, khi dạy, đã chia màn hình để vừa chia sẻ bài giảng vừa hiển thị toàn bộ học sinh. Tuy nhiên, một số em tắt camera, số khác lại mở micro rất ồn. Dẫn đến quá trình quan sát, tương tác mất nhiều thời gian và hiệu quả không cao”, cô Như chia sẻ.

Cũng theo cô Như, một thử thách nữa mà giáo viên phải vượt qua đó là áp lực từ phụ huynh và dư luận xã hội. “Không chỉ “dự giờ” hầu hết các tiết học của con, một số phụ huynh còn chia sẻ đường link của lớp học để bạn bè cùng… dự. Thậm chí một số phụ huynh còn chia sẻ lên mạng xã hội rồi bình luận, đánh giá tiết dạy của giáo viên, dù họ không hề có nghiệp vụ sư phạm… khiến cho giáo viên bị ức chế”, cô Như tâm sự thêm.

Theo thầy Lương Anh Quang, Trường Tiểu học Ngô Gia Tự, xã Tân Tiến (huyện Krông Pắc), đối tượng tham gia học tập gồm cả học sinh và phụ huynh. Đây là áp lực không nhỏ, đòi hỏi giáo viên phải có kĩ năng xử lý các tình huống sư phạm.

“Thời lượng buổi học phải rút ngắn, nội dung giảm tải, thiết bị thiếu đồng bộ. Đặc biệt, trong suốt tiết dạy, giáo viên luôn phải cẩn thận trong từng lời ăn, tiếng nói cũng như điệu bộ, cử chỉ. Chỉ cần một sai sót nhỏ, giáo viên sẽ mất điểm rất nhiều trong mắt của phụ huynh”, thầy Quang nói.

Cô Lê Thị Tố Như – Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pắc) hướng dẫn học sinh lớp 1D học online. Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: TG
Cô Lê Thị Tố Như – Trường Tiểu học Trần Quốc Tuấn (huyện Krông Pắc) hướng dẫn học sinh lớp 1D học online. Ảnh chụp qua màn hình. Ảnh: TG

Cơ hội để giáo viên khẳng định bản thân

Dù dạy học trong điều kiện “phi truyền thống”, nhưng vẫn phải bảo đảm chất lượng giáo dục. Bên cạnh thách thức, đây cũng là cơ hội để mỗi giáo viên tự khẳng định giá trị của bản thân.

Chia sẻ với Báo GD&TĐ, cô Bùi Thị Hương – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Công Trứ (TP Buôn Ma Thuột) cho biết: Thường xuyên dạy học trong điều kiện có sự giám sát của nhiều người, giúp giáo viên nâng cao uy tín chuyên môn của bản thân. Phát huy tối đa khả năng sáng tạo, chủ động trong giảng dạy, nhất là sử dụng thành thạo CNTT. Tăng năng lực nghiên cứu tài liệu, tinh thần học hỏi giữa các đồng nghiệp để hoàn thiện bản thân.

TS Phan Bá Lê Hiền cũng khẳng định: “Phương pháp dạy học trực tuyến giúp giáo viên phát huy tinh thần tự học, nâng cao kiến thức và thực hành tốt về CNTT. Trước hết là ứng dụng vào soạn giảng Kế hoạch bài học (giáo án) phù hợp với thời lượng từ 25 – 40 phút/1 tiết. Phải kết hợp nhiều phương pháp dạy học cho một tiết dạy, đặc biệt là thiết kế được cách dạy theo Lớp học đảo ngược để di chuyển các hoạt động (bao gồm cả hoạt động có thể được coi là bài tập về nhà) vào lớp học.

Tiếp đến là thay đổi cách đánh giá học sinh linh hoạt, phù hợp với điều kiện học tập. Trong đánh giá, tập trung vào phát hiện năng lực đặc biệt để kích thích các em tự khám phá, rèn luyện năng lực tự học theo sở trường để phát triển bản thân. Nếu làm tốt được khâu này, giáo viên trở thành cầu nối quan trọng trong việc truyên truyền chủ trương đổi mới giáo dục đến người dân”.

Ông Nguyễn Văn Chiêu - Trưởng phòng Giáo dục Tiểu học - Giáo dục Mầm non, Sở GD&ĐT Đắk Lắk khẳng định: “Dạy học trực tuyến là một môi trường mới. Để đạt hiệu quả, bên cạnh năng lực sư phạm đặc thù, giáo viên phải làm tốt việc vận động, tuyên truyền chủ trương đổi mới giáo dục và phương pháp dạy học trong điều kiện thực tế hiện nay. Khi phụ huynh hiểu, ủng hộ thì mọi rào cản sẽ tự biến mất. Vai trò, vị trí của giáo viên cũng được khẳng định bằng sự đánh giá khách quan của xã hội”.

“Các phần mềm miễn phí mà giáo viên dùng để dạy khá thuận tiện và dễ sử dụng. Tuy nhiên, nhược điểm là không có công cụ hỗ trợ việc đánh giá hay lưu lại lượt trả lời của học sinh. Vì thế, muốn quản lý lớp học tốt, giáo viên phải giỏi cả nghiệp vụ sư phạm và CNTT. Nếu không, một số em có giơ tay cả buổi vẫn không được gọi trả lời cũng là điều khó tránh khỏi” - thầy Quang chia sẻ thêm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.