ĐBQH: Đổi mới giáo dục đã sắc nét hơn

GD&TĐ - Ghi nhận về những chuyển biến tích cực của ngành Giáo dục, bên lề Kỳ họp thứ 6, nhiều đại biểu Quốc hội nhận xét: Đổi mới giáo dục đã sắc nét hơn, trong đó có giáo dục đại học. Đặc biệt, nếu kỳ họp này, Quốc hội thông qua dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, sẽ góp phần quan trọng để thúc đẩy giáo dục đại học phát triển và hội nhập quốc tế.  

Mỗi giáo viên luôn là biểu tượng của tri thức và tình yêu nghề. Ảnh: Thanh Long
Mỗi giáo viên luôn là biểu tượng của tri thức và tình yêu nghề. Ảnh: Thanh Long

Giáo dục gắn với thực tiễn

Khẳng định GD-ĐT luôn được Đảng và Nhà nước quan tâm, đại biểu Trần Anh Tuấn - đoàn TP Hồ Chí Minh nhận định: Những định hướng đổi mới giáo dục đã, đang được Bộ GD&ĐT triển khai thực hiện và hiện thực hóa thành những việc làm, hành động cụ thể. Chẳng hạn như: Giáo dục đại học đã có nhiều chuyển động tích cực, đào tạo đã gắn với thực hành và nhu cầu của xã hội.

Theo đó, các trường đã có những đổi mới sắc nét hơn cả về chương trình cũng như phương pháp giảng dạy, từng bước hội nhập quốc tế. Các trường cũng đã giảm dần những giờ học hàn lâm, tăng cường giờ thực hành và chủ động bồi dưỡng kỹ năng cho sinh viên, giúp các em bắt nhịp với yêu cầu của thực tiễn.

Đổi mới phương pháp dạy và học đã tạo đà cho giáo dục phổ thông đáp ứng tốt Chương trình và SGK mới
  • Đổi mới phương pháp dạy và học đã tạo đà cho giáo dục phổ thông đáp ứng tốt Chương trình và SGK mới

Riêng đối với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Trần Anh Tuấn nhận xét: Dự thảo luật đã có những điều chỉnh nhất định cả về nội dung và phương pháp. Theo đại biểu, tới đây sẽ phát triển nhiều loại hình đào tạo như: Đào tạo từ xa, đào tạo trực tuyến... “Có thể nói, tất cả những đổi mới đó đang tiếp cận theo một số chương trình đào tạo tiên tiến trên thế giới. Qua đó sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho người học, nhất là những người không thể tham gia đào tạo trực tiếp trên lớp và họ có thể chọn học từ xa, học trực tuyến và linh hoạt thời gian sao cho phù hợp nhất với mình” - đại biểu Trần Anh Tuấn trao đổi.

Cũng theo đại biểu Trần Anh Tuấn, dự thảo Luật này động viên khuyến khích phát triển nghiên cứu khoa học trong nhà trường. Đây cũng được coi là một trong những chuyển biến tích cực trong giáo dục đại học. Qua đó giúp sinh viên sau khi ra trường có thể tiếp cận ngay với công việc, mà không cần phải qua những khóa đào tạo thực tế. “Vì thế tôi cho rằng, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học đã đủ điều kiện để Quốc hội thông qua tại kỳ họp này” - đại biểu Trần Anh Tuấn nêu ý kiến.

Tự chủ đại học là bước đà để cả hệ thống phát triển
  • Tự chủ đại học là bước đà để cả hệ thống phát triển

Tạo điều kiện để giáo dục đại học phát triển

Liên quan đến dự thảo Luật trên, đại biểu Hoàng Văn Cường – đoàn đại biểu TP Hà Nội nhận xét: Lần sửa đổi này đã mang đến những thay đổi rất quan trọng, quyết định đến hệ thống quản trị đại học và quản lý đại học. Giáo dục đại học bắt đầu có cơ sở để tách bạch giữa quản lý Nhà nước với quản trị các trường đại học thông qua cơ chế tự chủ.

“Trước đây, Luật Giáo dục đại học năm 2012 cũng nói đến vấn đề tự chủ đại học nhưng giữa quản lý Nhà nước với quản trị ở các trường gần như vẫn còn đan xen với nhau. Tuy nhiên, dự thảo Luật lần này đã điều chỉnh và làm rõ nội dung những gì thuộc về Nhà nước làm và những gì các trường được quyền làm. Tôi cho rằng, đây chính là thành công lớn nhất của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học lần này. Vì thế, tôi mong muốn, dự thảo Luật sẽ nhận được sự đồng tình cao của đại biểu Quốc hội” – đại biểu Hoàng Văn Cường ghi nhận.

 

Tôi hoan nghênh Bộ GD&ĐT đã có những đổi mới trong GD-ĐT. Tới đây, Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa mới được ban hành sẽ thể hiện điều này rõ nét hơn. Theo đó, chúng ta có những môn học tích hợp và chương trình sẽ giảm tải hơn. Việc dạy học đã, đang và sẽ chú ý hơn đến phát triển năng lực, phẩm chất của người học. Cụ thể là tăng cường các hoạt động ngoại khóa, hoạt động trải nghiệm sáng tạo nhằm phát triển kỹ năng cho học sinh, hướng tới phát triển toàn diện cho các em.

 
Đại biểu Trần Anh Tuấn

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, trước đây khi lấy ý kiến góp ý về dự thảo Luật thì một trong những nội dung mà các đại biểu còn băn khoăn nhiều nhất, đó là vấn đề liên quan đến hệ thống các trường đại học và tên gọi. Cụ thể, nhiều người còn băn khoăn giữa tên gọi đại học và trường đại học, hệ thống đó được kết nối như thế nào? “Theo bản dự thảo Luật mới nhất của Ban soạn thảo tôi cho rằng, việc đó cơ bản đã được giải quyết. Tức là vẫn có hệ thống đại học, trường đại học nhưng sự chuyển đổi từ các trường đại học thành đại học cũng không có sự phân cách lớn. Nếu trường đại học thỏa mãn một số điều kiện thì trường đó có thể chuyển thành đại học” - đại biểu Hoàng Văn Cường bình luận, đồng thời nhấn mạnh: Đây là một hướng mở để giáo dục đại học phát triển. Cũng giống như trên thế giới, có chỗ người ta gọi là trường, có chỗ gọi là đại học, sự phân định giữa trường với đại học cũng không nhiều lắm. Đây là yếu tố giúp cho chúng ta thấy rằng, các trường đại học có thể lựa chọn các điều kiện tốt hơn để tiến lên.

Quan tâm đến quy định về mô hình trường đại học phi lợi nhuận, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích, chẳng hạn trường đại học công lập nhưng được tự chủ thì phải hoạt động theo nguyên tắc phi lợi nhuận; những trường đại học tư thục được thành lập với mục tiêu là phi lợi nhuận thì trường đó cũng phải tuân thủ nguyên tắc của trường đại học phi lợi nhuận. Còn những trường đại học tư thục được đầu tư với mục tiêu là kinh doanh giáo dục thì trường đại học đó sẽ có một phương thức hoạt động khác.

“Vì thế, chúng ta phải đưa khái niệm này vào và có những điều tiết, điều chỉnh cho những trường đại học phi lợi nhuận. Đây là điều hết sức cần thiết, bởi vì điều đó đi kèm với quá trình tự chủ đại học” - đại biểu Hoàng Văn Cường nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Năng lực sản xuất vũ khí của Nga tăng đáng kể kể từ khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Cảnh báo gây sốc khi kho vũ khí EU tụt hậu

GD&TĐ -Tổ hợp công nghiệp quân sự của Nga đã tăng cường sản xuất vũ khí kể từ khi bắt đầu chiến dịch quân sự ở Ukraine, xóa bỏ mọi dấu hiệu thiếu hụt.