Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng tự chủ đại học

GD&TĐ - Theo TS Trịnh Ngọc Thạch - nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, tự chủ đại học là một trong những vấn đề thời sự trong quá trình nghiên cứu đổi mới chính sách phát triển giáo dục đại học ở nước ta. Trong các nội dung của tự chủ đại học, tự chủ về nhân sự  được xem là một trong những nội dung cơ bản, quan trọng mà các nghiên cứu chính sách hiện nay đang quan tâm.

Nâng cao năng lực cạnh tranh bằng tự chủ đại học

2 nguyên tắc để thực hiện tốt quyền tự chủ

TS Trịnh Ngọc Thạch phân tích, tự chủ đại học được hiểu là sự “tự do của các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) trong việc thực hiện công việc của mình mà không bị lệ thuộc vào sự cho phép, chỉ dẫn của một cấp quản lý nào đó từ phía chính phủ”. Tự chủ về nhân sự trong trường đại học là một trong những nội dung của tự chủ đại học.

Theo đó, tự chủ nhân sự trong trường đại học là việc các nhà trường được tự do lựa chọn hình thức tuyển dụng, sử dụng, quản lý và các chế độ đãi ngộ đối với giảng viên (GV), nhà khoa học, nhà quản lý và nhân viên của trường mà không bị lệ thuộc vào các cơ quan quản lý của Chính phủ.

Ở Việt Nam, theo quy định của Nhà nước, nội dung quyền tự chủ nhân sự trong các cơ sở GDĐH được quy định tại nhiều văn bản pháp luật: Luật GDĐH, nghị định, điều lệ trường đại học, quy chế tổ chức và hoạt động của các cơ sở GDĐH. Đặc biệt như: Đại học Quốc gia, đại học vùng, các trường đại học xuất sắc và một số loại hình trường đại học khác.

Theo các quy định này, nội dung cơ bản về tự chủ nhân sự của các trường đại học gồm: Lựa chọn đối tượng và hình thức tuyển dụng; quyết định phương thức tuyển dụng, sử dụng, bố trí, sắp xếp đội ngũ GV và cán bộ theo nhu cầu công việc và khả năng cán bộ; đào tạo, bồi dưỡng cán bộ; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm, điều động, luân chuyển, sa thải, kỷ luật GV và cán bộ theo thẩm quyền; thực hiện các chế độ, chính sách đối với GV, cán bộ theo quy định của pháp luật.

TS Trịnh Ngọc Thạch dẫn lại ý kiến của GS Nguyễn Minh Thuyết đó là: Để các cơ sở GDĐH thực hiện tốt quyền tự chủ, theo một số chuyên gia giáo dục, cần hai điều kiện có tính nguyên tắc: Thứ nhất, Nhà nước sớm đổi mới cơ chế quản lý theo hướng trao tối đa quyền tự chủ cho cơ sở GDĐH, Nhà nước chỉ nắm giữ quyền ban hành chính sách vĩ mô, tạo hành lang pháp lý thông thoáng và đầu tư hợp lý các nguồn lực để các cơ sở GDĐH thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Thứ hai, các cơ sở GDĐH cần thật sự sẵn sàng và dám chấp nhận rủi ro, đổi mới và nâng cao trình độ và năng lực quản trị để có thể tự chủ thực hiện nhiệm vụ trong môi trường cạnh tranh.

Cần đổi mới cơ chế quản trị

TS Trịnh Ngọc Thạch

Từ hai nguyên tắc trên, TS Trịnh Ngọc Thạch đề xuất giải pháp nhằm hoàn thiện cơ chế, chính sách về quyền tự chủ trong công tác nhân sự của các trường đại học ở nước ta. Cụ thể: Đổi mới căn bản cách tiếp cận quản lý nhà nước đối với cơ sở GDĐH theo hướng tập trung sửa đổi và xây dựng hệ thống pháp luật liên quan đến tự chủ đại học, trong đó có tự chủ về quản trị nhân sự trong các cơ sở GDĐH; tạo hành lang pháp lý đầy đủ và rõ ràng để các cơ sở GDĐH thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình.

Nhà nước đóng vai trò hỗ trợ về cơ chế, chính sách về nguồn lực tài chính và giám sát các hoạt động của cơ sở GDĐH, trong đó cần tập trung vào khâu kiểm soát chất lượng giáo dục, kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH làm cơ sở để trao quyền tự chủ theo mức độ kiểm định chất lượng và kết quả xếp hạng cơ sở GDĐH.

Sau khi làm tốt công tác kiểm định chất lượng và xếp hạng cơ sở GDĐH, cần phân biệt mức độ tự chủ về quản trị nhân sự trong trường đại học theo hướng tạo hành lang pháp lý để các cơ sở GDĐH có kết quả kiểm định cao và được xã hội thừa nhận thông qua các bảng xếp hạng đại học được tự chủ hoàn toàn về công tác nhân sự.

Theo đó, có thể trao quyền cho Hội đồng đại học và Hiệu trưởng quyết định việc xác định biên chế, tuyển sinh, sử dụng, quản lý cán bộ; bổ nhiệm, bầu cử các chức vụ quản lý (kể cả chức vụ chủ tịch hội đồng trường và hiệu trưởng); xét và công nhận đủ điều kiện và bổ nhiệm các chức danh khoa học (GS, PGS) dựa trên các tiêu chí đã được Hội đồng đại học thông qua; quyết định mức lương và thu nhập của GV, nhà khoa học, nhà quản lý theo sự thỏa thuận giữa nhà trường với cán bộ trên cơ sở chất lượng và hiệu quả công việc. Tất cả các công việc trên đây nhà trường được tự chủ thực hiện trong khuôn khổ của pháp luật, trong quá trình thực hiện không cần phải xin phép cơ quan Nhà nước ở cấp nào.

Tiếp đến là thực hiện đổi mới cơ chế tài chính theo tinh thần của Nghị định 16/2015/NĐ-CP và các văn bản pháp luật khác của lĩnh vực GDĐH. Theo đó, phân loại mức độ tự chủ cần bổ sung căn cứ vào kết quả kiểm định chất lượng cơ sở GDĐH và kết quả xếp hạng để trao quyền tự chủ tài chính; đổi mới phương thức cấp kinh phí cho cơ sở GDĐH theo sản phẩm đầu ra.

Trên cơ sở tự chủ tài chính, nhà trường được quyết định mức thu nhập của cán bộ theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ và đóng góp xuất sắc của cán bộ, không bị lệ thuộc vào quy định của cấp quản lý khác, trừ việc đóng thuế thu nhập theo pháp luật.

Cùng với đó, các cơ sở GDĐH cần đổi mới cơ chế quản trị nhằm nâng cao năng lực tự chủ nói chung và tự chủ trong lĩnh vực quản trị nhân sự nói riêng, đáp ứng các yêu cầu của chính sách tự chủ đại học mà Chính phủ, Bộ GD&ĐT đã và sẽ ban hành. Các trường đại học được trao quyền tự chủ cao cần ưu tiên đầu tư cho bộ phận quản trị tài chính và quản trị nhân sự theo kịp yêu cầu chuyển đổi từ “mô hình sự nghiệp” sang “mô hình doanh nghiệp”, từ mô hình “quản trị hành chính nhân viên” sang “mô hình quản trị nguồn nhân lực”.

“Để đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục, nâng cao năng lực cạnh tranh và hội nhập quốc tế của GDĐH trong giai đoạn hiện nay, chính sách tự chủ đại học nói chung và tự chủ nhân sự nói riêng trong các trường đại học cần được tiếp tục đổi mới hơn nữa để thúc đẩy sự phát triển và nâng cao chất lượng của GDĐH nước ta tiến kịp trình độ quốc tế”.  TS Trịnh Ngọc Thạch

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.