Đủ cơ sở để thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật GDĐH
Trao đổi về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, chúng ta đã có đầy đủ cơ sở để thông qua tại kỳ thứ 6 này. Điều đó không làm ảnh hưởng đến việc chúng ta thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) về sau.
Liên quan đến vấn đề tự chủ đại học, một số đại biểu còn băn khoăn về hội đồng trường được đề xuất trong dự thảo Luật. Theo đó, có ý kiến đề xuất cần có cơ chế giới thiệu những người tham gia vào hội đồng trường. Đồng thời phải xây dựng quy chế hoạt động để hội đồng trường phát huy được hiệu quả, chứ không phải là hình thức hoặc chỉ tồn tại trên danh nghĩa.
“Tôi cũng tán thành với các ý kiến nêu trên, tuy nhiên nếu nghiên cứu kỹ dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học thì sẽ thấy, dự thảo Luật đã có những quy định khá chi tiết, cụ thể về nội dung này. Do đó cá nhân tôi đồng ý với quan điểm đề xuất của dự thảo Luật” - đại biểu Tôn Ngọc Hạnh trao đổi.
Cho rằng tự chủ là yếu tố cần thiết để thúc đẩy các trường đại học phát triển, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh chia sẻ: Chính sách về tự chủ đại học được quy định trong dự thảo Luật đã cơ bản giải quyết được những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc về tự chủ đại học. Đã đến lúc chúng ta phải đẩy mạnh tự chủ và xóa bỏ cơ chế “bao cấp” cho các trường đại học như hiện nay.
“Tự chủ sẽ làm cho các trường năng động hơn, chủ động hơn trên mọi phương diện, từ công tác tuyển sinh, cho đến tài chính, nhân lực, học thuật… Mục đích cuối cùng vẫn là thúc đẩy giáo dục phát triển và hội nhập quốc tế” - đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Đại biểu Tôn Ngọc Hạnh |
Miễn học phí: Chính sách nhân văn
Liên quan đến chính sách nâng chuẩn giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng được quy định trong dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi), đại biểu Tôn Ngọc Hạnh ghi nhận: Đây là đề xuất hợp lý và có cơ sở để thực hiện. Đại biểu phân tích: “Trẻ em như búp trên cành”, do đó, không chỉ gia đình mà cả xã hội đều rất quan tâm đến giáo dục mầm non. Theo đó, giáo viên mầm non không chỉ có kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm mà còn phải là nhà tâm lý, nhà giáo dục… Bởi ở lứa tuổi mầm non, các em cần được giáo viên chăm sóc, dạy dỗ như người mẹ hiền.
Ngoài ra, theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, nếu giáo viên mầm non không có kỹ năng và không tâm lý, sẽ rất khó dạy dỗ và chăm sóc cho trẻ. Thời gian qua, dư luận lên án một số ít giáo viên mầm non bạo hành tre, cũng là do thiếu kỹ năng chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ. “Từ thực tế nêu trên, thiết nghĩ việc nâng chuẩn trình độ giáo viên mầm non từ trung cấp lên cao đẳng như trong dự thảo Luật đề xuất là cần thiết. Việc nâng chuẩn lần này được thực hiện một cách toàn diện chứ không chỉ về bằng cấp. Nâng chuẩn từ vấn đề đạo đức nhà giáo, chuyên môn, nghiệp vụ và tương tác với gia đình, xã hội… Đây là những yếu tố rất cần thiết đối với một giáo viên mầm non” - đại biểu Tôn Ngọc Hạnh nhấn mạnh.
Đối với ngành Giáo dục, không nên tinh giản biên chế một cách cơ học. Chúng ta không thể sáp nhập chỉ vì chạy theo số lượng, trong khi thực chất nhu cầu về đội ngũ giáo viên trực tiếp giảng dạy vẫn đang thiếu và cần bổ sung. Trong quá trình tinh giản phải có lộ trình, quá trình thực hiện phải phù hợp, đáp ứng nhu cầu nguyện vọng của cử tri. Nếu chúng ta chỉ tinh giản một cách cơ học, chạy theo số lượng thì chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục.
Trao đổi về chính sách miễn học phí cho học sinh mầm non 5 tuổi và học sinh THCS, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, đây là chủ trương rất tốt và rất nhân văn. “Cá nhân tôi rất ủng hộ chính sách này. Thậm chí tôi còn mong muốn, nếu đất nước ta có điều kiện thì có thể miễn học phí cho cả học sinh THPT” - đại biểu chia sẻ.
Theo đại biểu Tôn Ngọc Hạnh, hiện nay đang có hai luồng ý kiến: Thứ nhất, nếu miễn học phí đến bậc THCS liệu rằng có đủ ngân sách để lo hay không. Thứ hai, nếu hỗ trợ đóng học phí cơ sở ngoài công lập đối với học sinh diện phổ cập, tức là có chế độ bình đẳng giữa công và tư, các chính sách miễn, giảm học phí, không phân biệt học sinh đó học trường công lập hay ngoài công lập, vậy thì chúng ta cân đối ngân sách như thế nào?
Về vấn đề này, đại biểu Tôn Ngọc Hạnh cho rằng, khi đã đưa vào Luật thì chúng ta cũng sẽ có lộ trình thực hiện. Hơn nữa, Bộ GD&ĐT đã có những nghiên cứu và đánh giá tác động từ chính sách này, nên chúng ta cũng có cơ sở để tin tưởng vào sự đúng đắn của chính sách.
“Tuy nhiên, theo tôi trước mắt chúng ta sẽ thực hiện ở các vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Còn những vùng khác như: TPHCM, Hà Nội và những thành phố có điều kiện kinh tế tốt hơn thì có thể áp dụng từng bước hoặc có thể phân cấp cho địa phương. Tức là với những địa phương đã tự chủ được nguồn tài chính, có thể để họ đảm đương và chia sẻ một phần ngân sách cho Nhà nước ở các lĩnh vực này” - đại biểu Tôn Ngọc Hạnh đề xuất.