Để giáo dục ĐH sẵn sàng hội nhập

GD&TĐ - Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang và sẽ buộc giáo dục ĐH Việt Nam phải thay đổi căn bản nhiều thứ từ quản trị, nội dung, phương pháp và cả các kỹ năng trong đào tạo.

Để giáo dục ĐH sẵn sàng hội nhập

Cần cơ chế, cung cách quản trị ĐH mới; cần nguồn nhân lực chất lượng cao; môi trường đào tạo hiện đại; có đội ngũ cán bộ quản trị trường học tốt và cần có các mô hình giáo dục tiên tiến - đó là những kiến nghị của TS Trần Minh Đức (Trường ĐH Thủ Dầu Một) nhằm giúp giáo dục ĐH Việt Nam hội nhập.

Cơ chế, cung cách quản trị đại học mới

Với kiến nghị này, TS Trần Minh Đức cho rằng, phải có kế hoạch cụ thể xây dựng văn hóa chất lượng vào từng trường ĐH, chuyên môn hóa, lấy hiệu quả, đáp ứng yêu cầu xã hội là mục tiêu, tiêu chí hàng đầu. Mỗi trường ĐH có một Phó hiệu trưởng phụ trách về chất lượng đào tạo, về kiểm định chất lượng đào tạo.

Bên cạnh đó, cần nhanh chóng xây dựng đội ngũ chuyên gia giáo dục, với học vị tiến sĩ về quản trị giáo dục ĐH, trong các lĩnh vực quản trị học đường, soạn chương trình, công tác sinh viên, tư vấn sinh viên, phương pháp dạy học… Hoặc gửi người đi tu nghiệp tại nước ngoài, hoặc chuẩn bị đào tạo tại các trường ĐH trong nước. Trước mắt, mời các chuyên gia nước ngoài hợp tác.

Có “sản phẩm” chất lượng cao

Để đáp ứng được nhu cầu nhân lực có chất lượng cao và đa dạng ngành nghề, lĩnh vực trong thời kỳ hội nhập quốc tế, theo TS Trần Minh Đức, các cơ sở giáo dục phải đổi mới mạnh mẽ từ hoạt động đào tạo đến quản trị nhà trường để tạo ra những “sản phẩm”- người lao động tương lai có năng lực làm việc trong môi trường sáng tạo và cạnh tranh…

Để đáp ứng nhân lực trong kỷ nguyên mới, đòi hỏi phải thay đổi cơ bản các hoạt động đào tạo, nhất là phương thức và phương pháp đào tạo với sự ứng dụng mạnh mẽ của công nghệ thông tin.

Môi trường đào tạo hiện đại

Hiện không ít trường ĐH đổi mới phương thức và phương pháp dạy học còn khá chậm chạp; cơ sở thực hành, đặc biệt là hạ tầng CNTT còn lạc hậu và thiếu đồng bộ.

Đưa nhận định này, TS Trần Minh Đức cho biết: Một số năm gần đây, hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dạy nghề được thiết kế, xây dựng cho phép thu thập, xử lý, cập nhật, đồng bộ thông tin dữ liệu về dạy nghề trên toàn quốc và hỗ trợ công tác tìm kiếm, thống kê, báo cáo, phân tích dự báo phục vụ cho công tác điều hành, quản lý về dạy nghề từ Trung ương đến bộ, ngành, địa phương, cơ sở giáo dục trên phạm vi cả nước. Tuy nhiên kết quả nhìn chung còn hạn chế, chủ yếu mang tính thí điểm.

Do vậy trong thời gian tới, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đặc biệt là hạ tầng CNTT trong giáo dục ĐH cần được khuyến khích triển khai rộng khắp trong hệ thống trường học để tạo nên môi trường giáo dục hiện đại, hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ quản trị trường học tốt

Đào tạo ảo, mô phỏng, số hóa bài giảng sẽ là xu hướng đào tạo nghề nghiệp trong tương lai. Điều này tác động đến bố trí cán bộ quản lý, phục vụ và đội ngũ giáo viên của các cơ sở giáo dục.

Đội ngũ này phải được chuyên nghiệp hóa, chuyên môn hóa và có khả năng sáng tạo cao, có phương pháp đào tạo hiện đại với sự ứng dụng mạnh mẽ của CNTT.

Mô hình giáo dục tiên tiến

Sự toàn cầu hóa, sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật và công nghệ thông tin đòi hỏi cần thiết phải có sự thích ứng phù hợp giữa đào tạo trong cuộc cách mạng kỷ nguyên số. Song song với việc nâng cao chất lượng thì đổi mới mô hình nhà trường là giải pháp rất cần thiết.

TS Trần Minh Đức cho rằng, cần chuyển đổi mạnh mẽ từ mô hình đào tạo những gì đang có sang mô hình đào tạo chủ yếu theo nhu cầu của thị trường, xã hội cần.

Theo mô hình mới này, việc gắn kết giữa cơ sở giáo dục với doanh nghiệp là yêu cầu được đặt ra; đồng thời, đẩy mạnh việc hình thành các cơ sở đào tạo trong doanh nghiệp để chia sẻ các nguồn lực chung (cơ sở vật chất, tài chính, nhân lực..), và quan trọng hơn là rút ngắn thời gian chuyển giao từ kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn cuộc sống…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ