Dạy tích hợp đòi hỏi sáng tạo

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Triển khai dạy học môn tích hợp theo Chương trình mới, các địa phương vừa linh động bố trí GV; vừa tập trung đào tạo bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu.

Tiết học của Trường THCS Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Ảnh: Hồ Phúc
Tiết học của Trường THCS Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh, Bình Phước). Ảnh: Hồ Phúc

Linh động bố trí

Tại tỉnh Tiền Giang, để bảo đảm dạy học môn tích hợp, trong một học kỳ nhà trường chia thời gian thành hai phần để bố trí thời khóa biểu giáo viên hợp lý. Theo đó, giáo viên chuyên phân môn nào dạy nội dung chính môn đó. Riêng với chủ đề tích hợp, tổ bộ môn họp để phân công giáo viên đảm nhiệm. Đây được xem như giải pháp trước mắt, về lâu dài theo chỉ đạo Bộ GD&ĐT, giáo viên môn riêng biệt sẽ được đào tạo bổ sung chuyên ngành để tiếp cận giảng dạy môn tích hợp.

Ở Trường THPT Chợ Gạo (huyện Chợ Gạo, Tiền Giang), dạy và học tích hợp liên môn được xem như luồng gió mới để đổi mới, nâng cao hiệu quả phương pháp dạy và học môn Ngữ văn, Lịch sử. Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Phúc Viễn cho rằng, giữa môn Ngữ văn và Lịch sử có liên hệ chặt chẽ, kiến thức môn này hỗ trợ môn kia. Trong đó, môn Ngữ văn cung cấp tư liệu quý về lịch sử. Việc tích hợp kiến thức ngữ văn vào dạy lịch sử sẽ áp dụng được tất cả chương trình ở cấp trung học, bởi mỗi giai đoạn, sự kiện đều liên quan đến văn học, nhân vật lịch sử.

Theo thầy Nguyễn Phúc Viễn, dạy học tích hợp liên môn đòi hỏi giáo viên sáng tạo, chuẩn bị công phu. Ngoài kiến thức chuyên môn, giáo viên phải có trình độ nhất định về khoa học cơ bản, gần gũi với môn Lịch sử như Ngữ văn, Địa lý, Giáo dục công dân… để phân tích, luận giải, liên kết vấn đề mạch lạc, giúp học sinh hiểu hơn kiến thức lịch sử.

Triển khai Chương trình GDPT 2018 cấp THCS có môn và hoạt động mới như Khoa học tự nhiên (KHTN), Lịch sử và Địa lý… nên việc bố trí giáo viên gặp không ít khó khăn. Thầy Sơn Minh Sang - Hiệu trưởng Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng) cho biết: Để giảng dạy các môn tích hợp, trường phân công giáo viên môn Vật lý, Hóa học, Sinh học phụ trách môn KHTN và tổ chức giảng dạy theo chủ đề được quy định trong chương trình.

Cụ thể, mỗi khối có 2 giáo viên đảm nhận giảng dạy. Với môn Lịch sử và Địa lý, 2 giáo viên đảm nhận các chủ đề theo chương trình… “Cần tiếp tục bồi dưỡng về đổi mới chương trình, sách giáo khoa cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên. Thời điểm thực hiện nên vào hè để không ảnh hưởng đến hoạt động của cơ sở giáo dục”, thầy Sơn Minh Sang kiến nghị.

Giờ học môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: TG

Giờ học môn Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Vĩnh Hiệp (thị xã Vĩnh Châu, Sóc Trăng). Ảnh: TG

Tại Bình Phước, giảng dạy môn tích hợp ở khối 8 theo chương trình mới, đa phần trường THCS chưa phân bổ 1 giáo viên đảm nhận mà phải 2 - 3 thầy cô “gồng gánh” môn học này. Theo cô Lê Thị Ánh Tuyết - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Lộc Tấn (huyện Lộc Ninh, Bình Phước), với môn tích hợp KHTN, khối 6 kiến thức còn dễ, giáo viên có thể đảm nhận. Ở khối 8, giáo viên dạy theo từng phân môn do kiến thức nặng, giáo viên dạy môn Vật lý không dạy được Hóa học và ngược lại.

“Với môn KHTN lớp 8, giáo viên dạy học theo hình thức tuyến tính. Hiện tại, giáo viên dạy chủ đề của môn Hóa, tiếp đó tới Lý, Sinh theo tài liệu trong SGK và chương trình tổng thể, chứ không dạy song song. Chẳng hạn, nếu dạy tuyến tính đến thời điểm cuối tháng 10 chỉ kiểm tra một phân môn Hóa học, còn dạy song song sẽ kiểm tra 3 phân môn trong đề kiểm tra giữa kỳ”, cô Tuyết chia sẻ và phân tích:

Nếu dạy song song, mạch kiến thức không bảo đảm theo SGK, học sinh khó tiếp thu. Dạy tuyến tính, giáo viên dạy phân môn này xong mới tới phân môn kia; học sinh học phân môn này xong nghỉ một thời gian mới học lại sẽ quên kiến thức.

“Chẳng hạn phân môn Hóa học trong môn tích hợp KHTN lớp 7, các chủ đề đều tập trung ở học kỳ I. Sang học kỳ II, học sinh học phân môn Vật lý và Sinh học. Như vậy, đến khi lên lớp 8, học sinh mới tiếp tục học phân môn Hóa học trong môn KHTN lớp 8 ở học kỳ I. Cả học kỳ không tiếp xúc với kiến thức phân môn, các em quên phần nào cũng là chuyện khó tránh”, cô Tuyết cho hay.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) trong giờ học môn Lịch sử - Địa lý. Ảnh: TG

Học sinh Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1, TPHCM) trong giờ học môn Lịch sử - Địa lý. Ảnh: TG

Vừa làm vừa gỡ

Để bảo đảm việc dạy học, đặc biệt là giải quyết những băn khoăn về dạy và học tích hợp, ngành Giáo dục tỉnh Tiền Giang triển khai nhiều giải pháp. Theo ông Nguyễn Phương Toàn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT, giải pháp về con người được đặc biệt quan tâm. Bộ GD&ĐT đã có 9 mô-đun tập huấn giáo viên dạy tích hợp, sở triển khai bồi dưỡng đại trà cho tất cả giáo viên giảng dạy tích hợp ở các môn.

Cụ thể, giáo viên môn Địa lý được bồi dưỡng 20 tín chỉ môn Lịch sử. Thế nhưng, về lâu dài, các trường đào tạo sư phạm cần cân nhắc, tính toán trong việc đào tạo giáo viên cấp trung học để có thể giảng dạy tích hợp...

Cuối tháng 8/2023, Sở GD&ĐT Tiền Giang kết hợp với Trường ĐH Sư phạm TPHCM đào tạo, bồi dưỡng 900 giáo viên dạy môn tích hợp KHTN; Lịch sử - Địa lý cấp THCS và môn Tin học - Công nghệ cấp tiểu học. Trong đó, có 356 giáo viên bồi dưỡng môn Lịch sử - Địa lý; 744 giáo viên bồi dưỡng môn KHTN.

Theo ông Nguyễn Phương Toàn, trước đây một số giáo viên tự học lấy tín chỉ. Tuy nhiên việc học này khó đáp ứng yêu cầu nội dung chương trình lớp 8, 9 khi dạy môn KHTN. Do đó, sở GD&ĐT tổ chức các lớp bồi dưỡng nhằm tạo điều kiện giúp giáo viên thực hiện tốt chương trình mới.

Tại tỉnh Cà Mau, thực hiện dạy tích hợp môn KHTN, một số trường THCS phải bố trí giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học dạy các chủ đề thuộc chuyên ngành đào tạo. Theo đại diện sở GD&ĐT, nhiều đơn vị gặp khó khăn trong bố trí giáo viên giảng dạy. Ngành Giáo dục địa phương đã tham mưu cấp thẩm quyền cho phép bồi dưỡng ngắn hạn môn tổ hợp cho đội ngũ giáo viên trong biên chế để bố trí dạy học hiệu quả hơn.

Nhằm khắc phục khó khăn, bảo đảm có giáo viên giảng dạy tích hợp liên môn, ông Lê Hoàng Dự - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Cà Mau cho biết: Sở tham mưu UBND tỉnh phê duyệt đề án phát triển đội ngũ nhà giáo và viên chức quản lý giáo dục, đáp ứng yêu cầu triển khai Chương trình GDPT 2018; đồng thời tập trung rà soát, sắp xếp đội ngũ phù hợp thực tế địa phương trên tinh thần bảo đảm số lượng, chất lượng và cơ cấu môn học.

Tỉnh cũng đặt hàng đào tạo nguồn giáo viên để tuyển dụng cho môn học mới; bồi dưỡng giáo viên môn tích hợp; bố trí biên chế, hợp đồng lao động phù hợp từng năm theo lộ trình thực hiện Chương trình GDPT 2018, bảo đảm không bị động về số lượng và cơ cấu môn học, nhất là giáo viên môn học mới.

Tại TPHCM, từ năm 2020, giáo viên được bồi dưỡng tại Trường Đại học Sài Gòn (TPHCM) 6 tháng về Chương trình GDPT 2018. Nhờ đó, môn KHTN và KHXH theo chương trình mới, giáo viên đã phụ trách giảng dạy từng môn. Chia sẻ từ thầy Phùng Minh Vương - Hiệu trưởng Trường THCS An Lạc (quận Bình Tân, TPHCM), dạy môn tích hợp theo chương trình mới, giáo viên có thể phụ trách chứ không chia thời khoá biểu thành từng thời điểm để dạy.

Ngoài ra, nhà trường đã ghép 3 tổ Vật lý, Hoá học, Sinh học thành tổ KHTN. “Dịp hè 2023, giáo viên nhà trường được tập huấn chương trình mới lớp 8 tại Trường Đại học Sài Gòn. Do đó khi khối này học theo chương trình mới, giáo viên giảng dạy môn KHTN không có gì thay đổi so với năm học trước”, thầy Vương chia sẻ.

“Để công tác giảng dạy đạt hiệu quả cao, hằng tuần giáo viên tổ KHTN và KHXH sinh hoạt chuyên môn. Thầy cô ngồi lại trao đổi về kế hoạch bài dạy của cá nhân, xem phần nào khó khăn trong quá trình giảng dạy. Chẳng hạn, giáo viên chuyên môn Vật lý sẽ hỗ trợ đồng nghiệp chuyên môn Hoá học, Sinh học và ngược lại...”, thầy Vương cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ