Giáo viên vừa dạy vừa học với môn tích hợp

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Dù tổ chức dạy học môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử - Địa lý theo hình thức song song hay cuốn chiếu thì phải đảm bảo logic của chương trình.

Học sinh khối lớp 7, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với giờ học thực tế tại Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ với bài học tích hợp nội dung giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong phân môn Địa lí.
Học sinh khối lớp 7, Trường THCS Lý Thường Kiệt (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) với giờ học thực tế tại Đài khí tượng thủy văn Trung Trung Bộ với bài học tích hợp nội dung giáo dục ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai trong phân môn Địa lí.

Mỗi nơi một kiểu

Triển khai Chương trình GDPT 2018, các trường THCS có hai hình thức phân công giáo viên dạy học các môn học mới mang tính chất tích hợp liên môn gồm Lịch sử - Địa lý và Khoa học tự nhiên. Như các trường học ở quận Hải Châu, Liên Chiểu (TP Đà Nẵng), một giáo viên sẽ đảm nhận dạy học tất cả các phân môn. Trong khi đó, quận Thanh Khê (TP Đà Nẵng) và nhiều trường THCS tại Quảng Ngãi, giáo viên vẫn dạy các phân môn trong môn tích hợp như đơn môn trước đây. Như vậy, môn Khoa học tự nhiên sẽ do ít nhất 2 hoặc 3 giáo viên đảm nhận dạy học.

Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức hội giảng, báo cáo chuyên đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm dạy học, soạn giảng, đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm sử dụng đồ dùng dạy thực hành cho các giáo viên KHTN.
Tổ Khoa học tự nhiên, Trường THCS Nguyễn Lương Bằng (quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tổ chức hội giảng, báo cáo chuyên đề nhằm chia sẻ kinh nghiệm dạy học, soạn giảng, đặc biệt là trao đổi kinh nghiệm sử dụng đồ dùng dạy thực hành cho các giáo viên KHTN.

Trường THCS Nguyễn Thị Minh Khai (quận Thanh Khê, TP Đà Nẵng) tổ chức dạy học các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý theo hình thức song song. Những chủ đề mang tính tích hợp thì nội dung kiến thức của môn học nào nhiều hơn thì sẽ do giáo viên môn đó đảm nhận. Đối với đề kiểm tra giữa kỳ và cuối kỳ, tổ chuyên môn sẽ định lượng tỉ lệ phần trăm của từng môn để quy ra số tiết. Thời khóa biểu được chia theo phân môn, học sinh sẽ học đủ các phân môn trong cùng một tuần.

Thế nhưng, Trường THCS Nguyễn Tự Tân (Bình Sơn, Quảng Ngãi) thì lại tổ chức dạy học các môn học tích hợp của chương trình – SGK mới theo hình thức cuốn chiếu. Học sinh sẽ chỉ học một phân môn cho đến khi hết kiến thức chương trình rồi lại chuyển sang môn khác.

Tuy nhiên, bà Lê Thị Hoàng Chinh – Trưởng phòng GD&ĐT quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho rằng: “Chỉ có thể chia thời khóa biểu theo phân môn chứ không thể dạy đẩy được. Các chủ đề đều được sắp xếp theo logic tuyến tính rồi. Các mạch kiến thức đã được sắp xếp hợp lý nên không thể cắt một cách cơ học mạch kiến thức ra để dạy”. Ví dụ như nếu học cuốn chiếu hết 3 tiết môn Lý thì những nội dung liên quan đến Hóa học, rồi có thể 2 tiết Hóa lại liên quan đến kiến thức của môn Sinh học thì giải quyết thế nào. Nếu học cuốn chiếu môn này xong đến môn kia thì kiến thức không còn liên môn, tích hợp nữa.

Cần sớm triển khai đào tạo lại giáo viên đơn môn dạy đa môn

Từ thực tế khảo sát tại một số trường học trên địa bàn TP Đà Nẵng, ông Trần Chí Cường, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng nhận xét: “Giáo viên dạy trung học cơ sở, trung học phổ thông đa phần chỉ được đào tạo ở một lĩnh vực (đơn môn) nhưng theo chương trình giáo dục phổ thông mới, thầy, cô phải giảng dạy cả 3 môn học tích hợp.

Tình trạng này dẫn đến khó bố trí thời khóa biểu phù hợp, logic của Chương trình cho các môn Khoa học tự nhiên, Khoa học xã hội là thực trạng đang diễn ra trong các nhà trường. Cụ thể, là người dạy môn Khoa học tự nhiên không dạy được toàn bộ kiến thức của môn học mà đòi hỏi phải ba giáo viên Vật lý, Hóa học, Sinh học mới đảm nhiệm được. Theo đó giáo viên khó giảng bài theo tiến trình sách giáo khoa mà phải dạy song song từng phần kiến thức riêng lẻ của các đơn môn trong bộ môn tích hợp, làm giảm tính logic của môn học, rời rạc, không có mạch kiến thức. Hơn nữa có những kiến thức cần học trước làm cơ sở để học sinh tiếp tục học kiến thức sau”.

Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức sinh hoạt chuyên môn.

Trường THCS Lê Thánh Tôn (quận Hải Châu, TP Đà Nẵng) tổ chức sinh hoạt chuyên môn.

Sau 2 năm triển khai dạy học Chương trình GDPT 2018, giáo viên ở Đà Nẵng vẫn chưa được bồi dưỡng để dạy học đa môn mà chỉ tự bồi dưỡng trong quá trình sinh hoạt tổ chuyên môn.

Thầy Nguyễn Văn Tuấn – Tổ trưởng Lịch sử - Địa lý, Trường THCS Nguyễn Huệ (Hả Châu) cho biết: “Như kiến thức môn Địa lý lớp 6, Chương trình GDPT 2018 chủ yếu là địa lý tự nhiên đại cương. Đây là một nội dung kiến thức khó lại có nhiều bài tập liên quan đến công thức, tính toán. Vì vậy, trong sinh hoạt tổ chuyên môn, các giáo viên được đào tạo đơn môn Lịch sử sẽ được hướng dẫn, hỗ trợ của đồng nghiệp để đảm bảo chất lượng dạy – học”.

Tuy nhiên, theo như nhận xét của thầy Tuấn thì việc hỗ trợ từ đồng nghiệp cũng chỉ mang tính chất cầm tay chỉ việc, khó đến đâu thì gỡ đến đấy chứ không thể mang tính hệ thống được. Vì vậy, giáo viên rất cần được bồi dưỡng, đào tạo lại để đáp ứng yêu cầu dạy học chương trình GDPT 2018. Ở lớp 6, 7, kiến thức còn nhẹ thì có thể giáo viên còn có thể đáp ứng được. Nhưng lên đến lớp 8, 9, khi kiến thức chuyên sâu hơn thì không thể duy trì hình thức giáo viên vừa dạy học vừa tự bồi dưỡng được.

Thầy giáo Nguyễn Tự Lực - Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du cho rằng, Bộ GD&ĐT phải tính đến chương trình đào tạo lại để giáo viên đi học mới đáp ứng yêu cầu giảng dạy các môn mới trong chương trình GDPT mới; đồng thời tỉnh cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho người học.

Đoàn giám sát của Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng đã kiến nghị Sở GD&ĐT Đà Nẵng cần xây dựng kế hoạch, tổ chức các lớp tập huấn, các lớp bồi dưỡng về chuyên môn và nghiệp vụ chương trình Giáo dục phổ thông mới, nhất là 2 môn tích hợp là Khoa học tự nhiên và lịch sử, địa lý. Tổ chức nhiều lớp bồi dưỡng chuyên sâu về các môn tích hợp cho giáo viên có nhiều kỹ năng, kiến thức để giảng dạy các môn tích hợp được hiệu quả trong công tác giảng dạy ở những năm học tiếp theo.

Đặc biệt, thời gian bồi dưỡng cho giáo viên cần tập trung vào khoảng tháng 6 và tháng 7 (do học sinh nghỉ hè, giáo viên có nhiều thời gian cho công tác tập huấn, nghiên cứu). Hạn chế tối đa việc tổ chức bồi dưỡng chuyên môn vào thời gian giáo viên giảng dạy để giáo viên có thể tham gia đầy đủ và hiệu quả, không ảnh hưởng đến chương trình giảng dạy của giáo viên trên trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ