Không để giáo viên 'tự bơi' khi dạy học tích hợp

GD&TĐ - Các địa phương có nhiều giải pháp để khắc phục khó khăn về đội ngũ dạy học môn KHTN, Lịch sử và Địa lý ở THCS, không để thầy cô phải “tự bơi”.

Tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang. Ảnh: INT
Tiết học Khoa học tự nhiên tại Trường THCS Trần Nguyên Hãn, TP Bắc Giang. Ảnh: INT

Lên lộ trình bồi dưỡng

Ông Võ Ngọc Thạch, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Đồng Nai, cho biết: Cấp trung học, trình độ chuyên môn được đào tạo của giáo viên đa phần là đơn môn. Do vậy, khi thực hiện Chương trình GDPT 2018 đối với lớp 6, trường học tại Đồng Nai phân công 2 giáo viên dạy môn Lịch sử và Địa lý, 3 giáo viên dạy môn Khoa học tự nhiên theo chuyên môn được đào tạo.

Chương trình môn Khoa học tự nhiên được sắp xếp theo mạch nội dung của từng phân môn. Chẳng hạn lớp 6 chủ yếu là Vật lý, Sinh học; lớp 7 có cả 3 phân môn Vật lý, Sinh học, Hóa học, trong đó có một số nội dung liên môn. Tương tự, môn Lịch sử và Địa lý cũng có mạch nội dung từng phân môn, trong đó gồm nội dung cần tiếp cận liên môn… Do đó, các nhà trường bước đầu sắp xếp giáo viên dạy mạch nội dung thuộc chuyên môn mình; các nội dung yêu cầu liên môn thì trao đổi thảo luận kỹ càng để giao một giáo viên thực hiện.

Tại Bình Định, thông tin từ bà Lê Thị Điển, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT: Đến nay, sở đã phối hợp với Trường ĐH Quy Nhơn hoàn thành việc tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ cho 901 giáo viên môn Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học), 512 giáo viên môn Lịch sử và Địa lý cấp THCS để đáp ứng việc giảng dạy tích hợp theo Chương trình GDPT 2018. Năm học 2022 - 2023, 100% cơ sở giáo dục áp dụng việc dạy liên môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý dành cho lớp 6, lớp 7.

Tuy nhiên, để thuận lợi hơn trong dạy học các môn học này, ông Võ Ngọc Thạch cho rằng, bồi dưỡng giáo viên giảng dạy liên môn cũng cần thiết. Theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT, nhằm thực hiện có hiệu quả Chương trình GDPT 2018, Sở GD&ĐT Đồng Nai đã xin ý kiến và được sự chấp thuận chủ trương của UBND tỉnh xây dựng Kế hoạch 2768/KH-SGDĐT về tổ chức bồi dưỡng cán bộ quản lý, giáo viên dạy môn Tin học và Công nghệ, Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý trên địa bàn tỉnh.

Theo đó, số lượng giáo viên cần bồi dưỡng là 3.043 người. Trong đó môn Tin học và Công nghệ: 792; Khoa học tự nhiên: 1.594; Lịch sử và Địa lý: 657. Năm 2022, mỗi trường học chọn 1/2 số lượng giáo viên theo đăng ký với sở GD&ĐT, ưu tiên giáo viên được phân công dạy lớp 3, 6, 7.

Năm 2023, mỗi trường học cử 1/2 số lượng giáo viên còn lại, ưu tiên bồi dưỡng cho giáo viên được phân công dạy lớp 4, 8. Năm 2024 bồi dưỡng cho tất cả các giáo viên còn lại. Như vậy, kể từ năm học 2025 - 2026, năm học mà các lớp đều học theo Chương trình GDPT 2018, giáo viên đều hoàn thành công tác bồi dưỡng.

Mỗi chuyên môn là tổ chức học tập

Trước khó khăn do phần lớn giáo viên hiện nay đều được đào tạo đơn môn, bà Lê Thị Điển nhấn mạnh, giải pháp cần tập trung thực hiện đổi mới sinh hoạt của tổ/nhóm chuyên môn dựa trên nghiên cứu bài học. Từ đó thầy cô học hỏi, trao đổi kinh nghiệm; với các chủ đề giao thoa, giáo viên cùng thảo luận, xây dựng nội dung bài giảng bảo đảm đáp ứng yêu cầu môn học.

Ảnh minh họa/INT.

Ảnh minh họa/INT.

Thành lập tổ tư vấn chuyên môn để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và hướng dẫn trực tiếp cho các giáo viên dạy môn tích hợp. Chỉ đạo tổ chuyên môn tăng cường dự giờ để trao đổi, học hỏi kinh nghiệm dạy các môn tích hợp… không để giáo viên “tự bơi” khi gặp phải khó khăn trong quá trình giảng dạy.

Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định cũng chỉ đạo các nhà trường thông qua sinh hoạt chuyên môn định kỳ (1 tháng 2 lần) báo cáo sơ kết tình hình thực hiện chuyên môn của tổ, trong đó có nội dung thực hiện chương trình dạy tích hợp. Trên cơ sở đó, các trường định hướng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc của tổ chuyên môn, giáo viên; đồng thời kiến nghị với phòng/sở GD&ĐT để chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời.

“Cũng cần chú trọng lựa chọn, bồi dưỡng năng lực cho tổ trưởng chuyên môn. Xây dựng tổ chuyên môn thành tổ chức học tập. Phát triển các mối quan hệ theo chiều ngang để đảm bảo sự cộng tác, hợp tác giữa các giáo viên trong tổ và giữa tổ này với tổ khác trong thực hiện nhiệm vụ dạy học, giáo dục.

Đối với giáo viên được cấp chứng chỉ hoàn thành bồi dưỡng các môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý nhưng vẫn quen giảng dạy bộ môn đã được đào tạo phải tự tìm hiểu thêm kiến thức cần thiết, tăng cường dự giờ đồng nghiệp, thực hành nhiều hơn thì phương pháp kỹ năng những môn “tay trái” mới được đảm bảo chất lượng trong quá trình giảng dạy thực tế trên lớp” - bà Lê Thị Điển cho hay.

Tại Hà Nam, trước tháng 8/2021, toàn ngành đã bảo đảm 100% cán bộ quản lý, GV cấp THCS được bồi dưỡng, tập huấn trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng cơ bản để triển khai Chương trình GDPT mới. Cuối tháng 8/2021, sở chỉ đạo, giám sát các phòng GD&ĐT tổ chức hội thảo cấp huyện với nội dung xây dựng kế hoạch giáo dục nhà trường.

Trong đó, tập trung thảo luận thống nhất phương hướng xây dựng kế hoạch giáo dục môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý. Đồng thời, thảo luận phương án xếp thời khóa biểu, phân công chuyên môn cho GV giảng dạy các liên môn trong nhà trường. Cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, sau 1 tháng tổ chức dạy học Chương trình GDPT mới với lớp 6, sở GD&ĐT tổ chức hội thảo chuyên môn cấp tỉnh dành cho 100% GV giảng dạy các môn học lớp 6.

Cùng với đó, tổ chức hội thảo cho 100% cán bộ quản lý trường THCS rút kinh nghiệm, kịp thời điều chỉnh kế hoạch giáo dục nhà trường. Sang năm học 2022 - 2023, các trường THCS không còn vướng mắc, lúng túng khi tổ chức dạy học liên môn lớp 6, lớp 7. Hiện các trường đều thống nhất cao trong việc chủ động, linh hoạt xây dựng, thực hiện kế hoạch giáo dục với các môn liên môn năm học 2022 - 2023, bảo đảm quy định chung của Bộ GD&ĐT, phù hợp với điều kiện đội ngũ thực tế nhà trường.

“Qua rà soát thực trạng GV năm học 2022 - 2023 và nhu cầu sử dụng GV dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý của các đơn vị, tỉnh Hà Nam có 1.072 thầy cô cần được bồi dưỡng, cấp chứng chỉ dạy 2 môn này. Sở GD&ĐT đang tham mưu UBND tỉnh ban hành kế hoạch bồi dưỡng GV dạy môn Tin học và Công nghệ ở tiểu học, GV dạy môn Khoa học tự nhiên, Lịch sử và Địa lý cấp THCS. Dự kiến triển khai thực hiện vào năm 2023” - bà Trần Thị Thu Hiền, Phó Trưởng phòng Giáo dục Trung học - Giáo dục Thường xuyên, Sở GD&ĐT Hà Nam cho hay.

“Thầy cô sẽ được bồi dưỡng kết hợp trực tuyến và trực tiếp. Thời gian bồi dưỡng ưu tiên tổ chức trong hè hoặc thứ 7, Chủ nhật” - ông Võ Ngọc Thạch thông tin.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hệ thống THAAD của Mỹ.

Kích hoạt vụ phóng Oreshnik mới

GD&TĐ - Theo Reuters, lực lượng tên lửa Nga có thể phóng tiếp tên lửa Oreshnik vào Ukraine, sau khi bị Kiev tập kích lãnh thổ bằng ATACMS.

Minh họa/INT.

Truyện ngắn: Hồi ức khó quên

GD&TĐ - Tôi từng nghĩ rằng mình có thể hóa thành một chiếc ô, chỉ dựa vào sức lực và ý chí của bản thân để che chở cho cả gia đình trước những cơn giông bão của cuộc đời.

Minh họa/INT.

Nhạc kịch Việt tự tin 'cất cánh'

GD&TĐ - Nhạc kịch 'Giấc mơ Chí Phèo' của Nhà hát Ca Múa Nhạc Thăng Long đang được khởi động bán vé cho suất công diễn cuối tháng 12.