Dấu ấn từng cấp học

GD&TĐ - Năm học 2022 - 2023, nhiều nhiệm vụ giáo dục lớn được đặt ra trong bối cảnh thuận lợi, thách thức đan xen.

Ảnh minh họa ITN.
Ảnh minh họa ITN.

Nổi bật là toàn ngành triển khai tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT; thực hiện Kế hoạch giám sát chuyên đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa GDPT. Đây cũng là thời điểm quan trọng chuẩn bị triển khai sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11 theo Chương trình GDPT 2018 cho năm học 2023 - 2024…

Trước bối cảnh đó, được sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; phối hợp hiệu quả, chặt chẽ của các ban, bộ, ngành, địa phương; quyết tâm, đồng lòng, trách nhiệm của tập thể lãnh đạo Bộ GD&ĐT, ngành Giáo dục đã tích cực triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm và đạt được kết quả quan trọng. Từng cấp học đều có dấu ấn trong thực hiện nhiệm vụ.

Với giáo dục mầm non, cùng với nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức do dịch Covid-19 để lại, ngành Giáo dục đã xây dựng dự thảo và tổ chức thí điểm Chương trình Giáo dục mầm non mới tại 20 tỉnh, thành phố. Cùng với đó, tiếp tục chỉ đạo địa phương đảm bảo an toàn cho trẻ tại cơ sở giáo dục; khảo sát việc chuẩn bị cho trẻ mẫu giáo 5 tuổi sẵn sàng vào học lớp 1, đáp ứng yêu cầu liên thông Chương trình GDPT 2018...

Giáo dục phổ thông, bên cạnh hàng loạt nhiệm vụ để triển khai chương trình mới (phê duyệt danh mục và hướng dẫn địa phương tổ chức lựa chọn sách giáo khoa 4, lớp 8 và lớp 11; chuẩn bị tổ chức thẩm định sách giáo khoa lớp 5, lớp 9 và lớp 12; tổ chức kiểm tra tại một số địa phương về thực hiện Chương trình GDPT 2018...), cả nước đã tổ chức thành công Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 nghiêm túc, an toàn.

Giáo dục mũi nhọn tiếp tục là điểm nhấn của cấp THPT với việc tổ chức thành công Kỳ thi học sinh giỏi quốc gia; Cuộc thi khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia học sinh trung học năm học 2022 - 2023 và tổ chức các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Kỳ thi Olympic quốc tế, khu vực đạt kết quả cao. Riêng ở sân chơi Olympic quốc tế, đến thời điểm này, chúng ta đã có 4 Huy chương Vàng, 5 Huy chương Bạc và 5 Huy chương Đồng, với 100% học sinh dự thi đều có giải. Theo tờ The Economist của Anh, giáo dục Việt Nam được đánh giá nằm trong nhóm hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới.

Với giáo dục đại học, tự chủ đã mở ra nhiều cơ hội cho nhà trường, đặc biệt là thu hút nhân lực chất lượng cao trong và ngoài nước; đầu tư điều kiện thực hiện chương trình đào tạo, liên kết đào tạo, nghiên cứu khoa học... Chất lượng giáo dục đại học có cải thiện rõ rệt. Các cơ sở giáo dục đại học Việt Nam tiếp tục được xếp hạng cao và tăng thứ bậc trên bảng xếp hạng uy tín quốc tế. Có 5 đại diện lọt vào bảng xếp hạng đại học thế giới năm 2024 của Tổ chức Quacquarelli Symonds (QS); 9 cơ sở vào bảng xếp hạng tầm ảnh hưởng của Times Higher Education (THE), tăng 2 cơ sở so với năm trước...

Năm học 2022 - 2023 cũng để lại dấu ấn với nỗ lực xây dựng chính sách mới cho nhà giáo. Trong đó phải nói đến đề xuất xây dựng Luật Nhà giáo đã được Chính phủ thống nhất thông qua; nỗ lực hoàn thiện quy định chế độ phụ cấp ưu đãi đối với đội ngũ… Toàn ngành đồng thời nỗ lực chuyển đổi số, đẩy mạnh cải cách hành chính; xây dựng hạ tầng học tập quốc gia; xây dựng kho học liệu số; tăng cường các điều kiện đảm bảo và kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy và học…

Bên cạnh thuận lợi, kết quả đạt được, còn nhiều khó khăn hiện hữu mà nổi bật là những điều kiện bảo đảm để triển khai Chương trình GDPT 2018, cả về yếu tố con người, cơ sở vật chất. Để phát triển giáo dục cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, toàn xã hội; trong đó những quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương với GD-ĐT trên địa bàn hết sức quan trọng.

Cùng với đó, thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản, tạo khung pháp lý và kịp thời đôn đốc, tháo gỡ, giải quyết vấn đề nảy sinh từ thực tiễn; tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực GD-ĐT; đặc biệt, dành nhiều hơn nữa nguồn lực đầu tư giáo dục, đúng với phương châm “phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu”.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ