Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo

GD&TĐ - Ngày 18/4, tại Bình Dương, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hội nghị Phát triển giáo dục và đào tạo vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 7/10/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Đông Nam Bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Chất lượng GD đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội

Vùng Đông Nam Bộ có một thành phố trực thuộc Trung ương là TP Hồ Chí Minh và năm tỉnh: Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Đây là vùng có vai trò, vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh và đối ngoại của cả nước.

Những năm qua, các địa phương ban hành nhiều chủ trương, chính sách về giáo dục và đào tạo, nhờ đó chất lượng GD của vùng từng bước được nâng lên, góp phần đáp ứng yêu cầu nhân lực phục vụ cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng và từng bước khẳng định vai trò trung tâm giáo dục và đào tạo chất lượng cao của cả nước và khu vực.

Hệ thống trường lớp học được củng cố, mở rộng và phân bố đều đến hầu hết các địa bàn từ nội thành đến ngoại thành, từ thành thị đến vùng sâu, vùng xa, đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của người dân. Về cơ bản, 100% đơn vị cấp xã đều có trường mầm non và tiểu học. Hầu hết, các xã đã có trường trung học cơ sở (THCS), các huyện đều có trường trung học phổ thông (THPT). Nhiều địa phương đã xây dựng các trường THCS, THPT liên xã.

Kết quả phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, phổ cập giáo dục tiểu học, phổ cập giáo dục THCS được củng cố, duy trì với các chỉ tiêu thành phần được nâng cao. Chất lượng giáo dục có chuyển biến mạnh mẽ, đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là đổi mới giáo dục phổ thông.

Cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn phát triển nhanh về quy mô đào tạo và đa dạng về hình thức đào tạo, trong đó số lượng cơ sở giáo dục và đào tạo tư thục tăng nhanh, cao nhất của cả nước, từng bước cung cấp nhân lực chất lượng cao và lao động có tay nghề phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế. Một số trường khẳng định được uy tín trong lĩnh vực đào tạo thế mạnh và là trung tâm đào tạo đội ngũ cán bộ khoa học công nghệ, chuyên gia đầu ngành, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội của vùng và cả nước.

Đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý giáo dục và các nhà khoa học phát triển cả về số lượng và chất lượng, với cơ cấu ngày càng hợp lý. Tự chủ giáo dục đại học được đẩy mạnh, tăng cường phân cấp, giao quyền về nhân sự, tài chính và học thuật tạo bứt phá trong đào tạo và nghiên cứu, góp phần thay đổi diện mạo của hệ thống giáo dục đại học của cả vùng.

Ngân sách đầu tư cho giáo dục tăng dần hằng năm, góp phần tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển giáo dục và đào tạo của vùng, đưa giáo dục và đào tạo của vùng từng bước ngang tầm với các nước trong khu vực.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Đổi mới để khẳng định vị thế

Bên cạnh thành quả đáng ghi nhận, GD vùng Đông Nam Bộ vẫn còn một số tồn tại: Quy hoạch mạng lưới trường lớp còn bất cập; cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học chưa đáp ứng đủ nhu cầu. Mạng lưới cơ sở giáo dục chưa đồng đều giữa các khu vực, cơ hội tiếp cận giáo dục có chất lượng chưa bảo đảm thực sự công bằng đối với các nhóm yếu thế.

Cơ cấu giáo viên giữa các môn học, cấp học chưa đồng bộ, vẫn còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ tại các địa phương, trường học; trong đó đáng chú ý là tình trạng thiếu giáo viên mầm non làm ảnh hưởng đến công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi và thực hiện Chương trình giáo dục mầm non; thiếu giáo viên tiểu học, THCS, đặc biệt là thiếu giáo viên thực hiện môn học mới theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Công tác giáo dục hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau THCS chưa hiệu quả, nhiều nơi còn làm hình thức…

Trước thực trạng trên, các tỉnh vùng Đông Nam Bộ đặt mục tiêu đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045: Tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, thu hút và trọng dụng nhân tài. Thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng mạnh mẽ thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chú trọng một số ngành, lĩnh vực trọng điểm, có tiềm năng, lợi thế.

Tạo chuyển biến mạnh mẽ chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Đi đầu trong thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đặc biệt là thực hiện đổi mới GD phổ thông và đại học. Tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong lĩnh vực ứng dụng và phát triển khoa học - công nghệ.

Công tác xã hội hóa giáo dục tiếp tục phát huy có hiệu quả, thu hút nhiều nguồn lực trong xã hội, cộng đồng chăm lo cho giáo dục. Mạng lưới các cơ sở giáo dục ngoài công lập phát triển nhanh, đều khắp các địa phương, nhất là tại TPHCM, đã góp phần giảm áp lực cho hệ thống giáo dục công lập.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ