Đào tạo ngành nghề mới: Cơ hội và thách thức

GD&TĐ - Sự thay đổi nhanh chóng của khoa học công nghệ đang làm mất đi vai trò của nhiều ngành nghề cũ và mở ra cơ hội cho các lĩnh vực, ngành nghề mới. Điều này đặt ra những thách thức lớn trong đào tạo kỹ năng mới gắn với thị trường lao động.

WorldSkills - sân chơi hội tụ những kỹ năng đỉnh cao và ngành nghề mới nhất
WorldSkills - sân chơi hội tụ những kỹ năng đỉnh cao và ngành nghề mới nhất

Nhu cầu về kỹ năng mới

Lấy ví dụ về công nghệ VAR trong bóng đá, ông Cao Hùng Phi – Hiệu trưởng trường SPKT Vĩnh Long dẫn chứng cho nhu cầu về kỹ năng mới, để áp dụng được công nghệ này vào giải đấu, rất nhiều vấn đề liên quan phải được hoàn thiện như: Thiết bị điện tử, phần mềm kết nối, đội ngũ kỹ thuật viên, trợ lý trọng tài,…

Một ví dụ khác, tại Việt Nam, hiện nay chưa có đường sắt cao tốc, nên thị trường lao động chưa có người lao động trong lĩnh vực này. Nếu đường sắt cao tốc được triển khai thì đương nhiên phải chuẩn bị một đội ngũ có đủ trình độ chuyên môn, làm chủ lĩnh vực, từ khâu tổ chức vận tải, điều khiển chạy tàu và các dịch vụ khác như bán vé, kiểm soát, an ninh trật tự,…

Việc có thêm một ngành nghề mới sẽ kéo theo hàng loạt nhu cầu về nguồn nhân lực, về các dịch vụ có liên quan. Sẽ có nhiều quy trình sản xuất mới, nhiều thiết bị mới được huy động vào quá trình sản xuất và tất nhiên phải có kỹ thuật viên để vận hành hoặc giám sát các quy trình này. Nhiều công cụ hỗ trợ mới ra đời có thể hỗ trợ trong công tác tổ chức và quản lý quá trình đào tạo thì các cơ sở đào tạo (CSĐT) phải có đội ngũ có khả năng làm chủ các công cụ này để khai thác đúng và khai thác có hiệu quả. 

Bài toán của cơ sở đào tạo

Sự xuất hiện của nhiều lĩnh vực mới nêu trên đang đặt ra cho CSĐT những bài toán về đầu tư cơ sở vật chất, lựa chọn ngành đào tạo mới, thay đổi quy trình công nghệ trong sản xuất để đưa vào bài giảng cho sinh viên, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giảng viên,…

Ngành nghề mới đặt ra những yêu cầu mới trong đào tạo
 Ngành nghề mới đặt ra những yêu cầu mới trong đào tạo

Ông Đỗ Văn Giang, Phó Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy – Tổng cục giáo dục nghề nghiệp (Bộ LĐ- TB&XH) cho biết, tác động của cách mạng 4.0 đang đặt ra nhiều thách thức với lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp (GDNN), trong khi mạng lưới cơ sở GDNN hiện còn bất cập, quy mô tuyển sinh đào tạo còn thấp, cơ cấu ngành nghề đào tạo còn bất hợp lý, chất lượng, hiệu quả đào tạo của nhiều cơ sở GDNN vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Vì vậy, nhiệm vụ cấp bách trong thời gian tới là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về số lượng, chất lượng, hiệu quả GDNN. Phấn đấu đến năm 2025, đưa hệ thống GDNN Việt Nam đạt trình độ tiên tiến trong khu vực,…

Nhóm giải pháp được ông Giang khuyến nghị bao gồm: Tuyên truyền nâng cao nhận thức của xã hội về GDNN; Quy hoạch, sắp xếp lại cơ sở GDNN đáp ứng yêu cầu tinh gọn, hiệu quả; Tăng cường gắn kết GDNN với thị trường lao động, việc làm bền vững; Chuẩn hoá các điều kiện bảo đảm chất lượng; hệ thống bảo đảm chất lượng, đánh giá, cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia; hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật, nâng cao năng lực quản lý nhà nước về GDNN

Hỗ trợ đổi mới mạnh mẽ và đồng bộ các yếu tố căn bản của GDNN, Chính phủ đã có nhiều cơ chế chính sách như: Chương trình mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp - Việc làm và An toàn lao động giai đoạn 2016 – 2020, trong đó dự án “Đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp”, đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng đào tạo nghề, đáp ứng nhu cầu thực tiễn của thị trường lao động và hội nhập với các quốc gia tiên tiến trong khu vực ASEAN và thế giới.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ