Đối nghịch cung - cầu
Trao đổi về vấn đề phát triển nguồn nhân lực tại doanh nghiệp, bà Đặng Thị Hồng - Trưởng phòng Nhân sự Công ty LG Display Hải Phòng cho biết: Tuyển dụng luôn là một vấn đề nóng bỏng và khó khăn đối với công ty, bởi nhu cầu tăng tuyển dụng của đơn vị rất lớn và trong thời gian ngắn. Đối tượng tuyển dụng bao gồm lao động kỹ thuật, kỹ sư, kỹ thuật viên trong nhiều lĩnh vực như: Điện tử, tự động hóa... chỉ tính riêng về kỹ sư và kỹ thuật viên, công ty cần tuyển tới gần 2.000 người trong khoảng thời gian 16 tháng.
Về chính sách thuế, các khoản chi cho GDNN của doanh nghiệp được giảm trừ khi xác định thu nhập chịu thuế theo quy định của pháp luật về thuế. Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề được áp dụng thuế suất 10%. Miễn thuế và giảm 50% số thuế trong 9 năm tiếp theo đối với thu nhập từ thực hiện dự án đầu tư mới trong lĩnh vực dạy nghề tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn...
Tiêu chí tuyển dụng của công ty rất khắt khe, đối với kỹ sư, kỹ thuật viên bên cạnh trình độ chuyên môn, phải thành thạo ngoại ngữ tiếng Hàn hoặc tiếng Anh, có khả năng làm việc trong môi trường Hàn Quốc. Các ứng viên tuyển dụng đa phần đều thiếu sự hiểu biết nhất định về kiến thức, văn hóa Hàn Quốc và phần kiến thức về thực hành, vì vậy học sinh, sinh viên các trường nghề khó có khả năng đáp ứng được… Hiện nay, do sự phát triển của các khu công nghiệp, nhu cầu nhân lực rất lớn nên hầu hết các doanh nghiệp thường phải tìm kiếm ứng viên có sẵn thay vì phải đào tạo từ đầu.
Dẫn báo cáo của Tổng cục GDNN, ông Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường CĐ Công nghệ cao Đồng Nai cho rằng, việc kết nối giữa doanh nghiệp với các trường nghề từ trước đến nay hình thức chủ yếu vẫn là đưa HS-SV đến thực tập. Giáo viên tham gia giảng dạy đến từ doanh nghiệp và tham gia xây dựng chuẩn đầu ra, chương trình, giáo trình đào tạo đang rất ít. Có rất nhiều rào cản, khiến cho doanh nghiệp chưa mặn mà trong hợp tác đào tạo. Bên cạnh nguyên nhân về tiêu chuẩn doanh nghiệp đặt ra rất khắt khe, thì một phần cũng do tiêu chuẩn giáo viên được Nhà nước quy định như phải có các loại văn bằng, chứng chỉ theo quy định… Đây là khó khăn cho doanh nghiệp khi muốn tham gia trực tiếp đào tạo nguồn nhân lực cho mình.
Điểm nghẽn cần tháo gỡ
Theo ông Đỗ Văn Giang - Vụ trưởng Vụ Đào tạo chính quy, Tổng cục GDNN, từ khi Luật GDNN có hiệu lực, đã có những thay đổi trong vận hành toàn bộ hệ thống. Các trường đã chủ động trong gắn kết với doanh nghiệp trong quá trình tổ chức đào tạo. Nội dung cơ bản của Điều 51, 52 Luật GDNN đã khẳng định quyền lợi, trách nhiệm của doanh nghiệp trong hoạt động GDNN.
Thực trạng đào tạo gắn với doanh nghiệp, ông Giang cho biết, hiện có 483 cơ sở GDNN thuộc doanh nghiệp, trong đó có 46 trường cao đẳng, 82 trường trung cấp, 355 trung tâm GDNN và trung tâm đào tạo. Tuy nhiên, các cơ sở này chủ yếu đào tạo nhân lực cho chính doanh nghiệp, ví dụ như: Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore, khu CN Việt Nam - Singapore; Trường Cao đẳng nghề Kỹ thuật Công nghệ Dung Quất, khu CN Dung Quất; Trường Cao đẳng nghề Chu Lai - Trường Hải, khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai.
Nhà trường khó tìm đến doanh nghiệp và doanh nghiệp khó tìm đến nhà trường, được xem là một yếu điểm cố hữu trong việc hợp tác. Có những doanh nghiệp không có nhu cầu đào tạo nhân lực, họ có thể tự cung cấp; Việc gắn kết mang tính nhỏ lẻ, tự phát chưa có tính bền vững. Mặc dù, đã có nhiều văn bản pháp luật quy định, hướng dẫn về việc liên kết đào tạo, tuy nhiên, một số điểm nghẽn vẫn chưa được khắc phục khiến doanh nghiệp chưa thiết tha hợp tác với GDNN.