(GD&TĐ) - Cuối tuần qua, cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận thế giới. Cuộc điện đàm này được coi là “lịch sử”, là hành động chấm dứt tình trạng đóng băng ngoại giao kéo dài suốt 35 năm qua giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, theo các nhà phân tích, cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống mới chỉ là “viên gạch đầu tiên” trên con đường bình thường hóa quan hệ giữa hai nước.
Cuộc điện đàm lịch sử
Cuộc điện đàm kéo dài khoảng 15 phút, trực tiếp bằng tiếng Anh giữa Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Iran Hassan Rouhani có vẻ như đã chấm dứt 35 năm băng giá trong quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Ông Obama đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của cuộc điện đàm này. Tổng thống Mỹ hy vọng, sau cuộc điện đàm, các bên sẽ tìm được một “giải pháp toàn diện” về chương trình hạt nhân của nước cộng hòa Hồi giáo.
“Mặc dù chắc chắn sẽ có những trở ngại ở phía trước và chưa chắc thành công được đảm bảo, nhưng tôi tin chúng ta có thể đạt được một giải pháp toàn diện”- Barack Obama tuyên bố. “Tôi tin rằng có cơ sở để giải quyết tình hình…Tổng thống Rouhani đã tuyên bố rằng Iran sẽ không phát triển vũ khí hạt nhân.
Tôi đã nói rõ rằng chúng tôi tôn trọng quyền được tiếp cận năng lượng hạt nhân hòa bình của nhân dân Iran với điều kiện Iran phải tuân thủ nghĩa vụ của họ…”- Barack Obama nói thêm. Tổng thống Mỹ cho biết, ông và Tổng thống Rouhani đã chỉ thị cho đại diện của họ trong cuộc đàm phán “sáu bên” phải có những nỗ lực hợp tác để nhanh chóng đạt được thỏa thuận hạt nhân.
Hãng thông tấn IRNA của Iran cũng xác nhận cuộc điện đàm giữa hai Tổng thống diễn ra khi Rouhani đang trên đường ra sân bay quốc tế JF.Kenedy để về nước. Theo IRNA thì đây là cuộc điện đàm diễn ra vài ngày sau khi Rouhani tránh cuộc gặp “mặt đối mặt” với Barack Obama. Khi đó, các quan chức Mỹ nói rằng, đối với Tổng thống Iran, một cuộc gặp gỡ và cái bắt tay với Tổng thống Mỹ lúc này là “rất khó khăn”.
Tuy nhiên, theo NBC thì Tổng thống Iran Hassan Rouhani thật sự bị sốc khi nhận cú điện thoại của Barack Obama. Ông Rouhani đã rời khách sạn ở New York ra sân bay về nước. Cứ tưởng mọi chuyện cũng chỉ dừng lại ở những động thái “tìm hiểu” nhau, không ngờ lại nhận được cú điện thoại của Barack Obama. Theo các nhà phân tích thì rất có thể Tổng thống Mỹ cho rằng đây là cơ hội “độc nhất vô nhị” có thể đạt được thỏa thuận với ban lãnh đạo Iran nên không thể bỏ qua.
Tổng thống Mỹ Barack Obama diện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani từ Phòng Bầu Dục |
Còn thiếu một niềm tin
Tổng thống Iran Hassan Rouhani từ New York trở về Tehran đã được hàng trăm người ủng hộ chào đón sự “tan băng” với Mỹ và thế giới, hoặc ít nhất là chào đón sự khởi đầu cho tiến trình ấy. Tuy nhiên, ngay sau khi Rouhani đến Tehran, các đối thủ của ông đã ném trứng, đá và cả giày vào ông rồi la hét “Ngày tận số của Mỹ đã đến”.
Báo Corriere della Sera nhận xét: Sự kiện này cho thấy những chia rẽ của đất nước và những khó khăn đang chờ đợi người kế nhiệm Tổng thống Ahmadinejad ở quê hương. Điều hết sức thú vị là thông báo về cuộc điện đàm Obama - Rouhani xuất hiện trên trang web của Rouhani, nhưng chỉ sau một vài giờ, toàn bộ thông tin về cuộc điện đàm này đã bị dỡ bỏ. Ngay cả truyền hình nhà nước Iran cũng không hề đưa tin về cuộc điện đàm này.
Theo Corriere della Sera, với động thái này, Tehran đã gửi tín hiệu đến với thế giới rằng tất cả chưa có gì gọi là quyết định.
Trong khi đó, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Iran Abbas Arakchi tuyên bố: Cuộc điện đàm của Tổng thống Hassan Rouhani và người đồng nhiệm Mỹ Barack Obama “chưa thể là sự minh chứng cho việc phục hồi nhanh chóng quan hệ giữa hai nước”.
Điều làm giới phân tích ngạc nhiên là khi đến Tehran, Rouhani nói với báo giới Iran rằng cuộc điện đàm diễn ra theo “sáng kiến của Mỹ”. Tuy nhiên, ngay sau đó Nhà Trắng đã bác bỏ tuyên bố này và nhấn mạnh rằng Tổng thống Obama chỉ thực hiện cuộc điện đàm sau khi lãnh đạo Iran thể hiện động thái sẵn sàng nói chuyện qua điện thoại và từ chối một cuộc gặp song phương tế nhị.
Giờ là lúc Washington khó ăn khó nói với các nước vùng Vịnh và Israel - những nước kịch liệt phản đối bình thường hóa quan hệ giữa Iran và phương Tây. Ngay trong ngày thứ hai (30/9), Tổng thống Obama đã có cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu.
Tại cuộc gặp này, Obama cam đoan với Netanyahu rằng sẽ đánh giá theo việc làm chứ không bằng lời nói của Tehran. Ngoài ra, Washington sẽ không từ bỏ gây áp lực bằng các biện pháp trừng phạt đối với Iran.
Trước đó, Nhà trắng đã có cuộc đàm phán với các đối tác quan trọng từ các nước Ả Rập và Phó Tổng thống Joe Biden đã có buổi làm việc với nhóm vận động hành lang cho Israel tại Quốc hội Mỹ. Các đối tác của Mỹ đều lo ngại Tehran lợi dụng tiểu xảo ngoại giao để giành ưu thế về thời gian nhằm hoàn thiện chương trình hạt nhân của mình.
Có thể nói, cái thiếu lớn nhất trong quan hệ Mỹ - Iran chính là niềm tin. Hơn 30 năm thực hiện chính sách thù địch với nhau, niềm tin của họ bị băng giá. Nói như lãnh tụ tinh thần của Iran, đại giáo chủ Khamenei rằng “chúng tôi không nói rằng chúng tôi tin Mỹ 100%”. Còn như lời nhận định của Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Arakchi: “Để bình thường hóa các quan hệ với Washington cần phải làm nhiều hơn một cuộc điện thoại”.
Anh Phương