Để Luật sớm đi vào đời sống giáo dục, các chuyên gia, đại biểu Quốc hội cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật và tinh thần nêu gương của thủ trưởng đơn vị.
GS.TSKH Phạm Tất Dong - nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội Khuyến học Việt Nam: Tôn trọng là thể hiện cao nhất của dân chủ
Theo tôi, muốn dân chủ thực sự, trước hết cần nhận thức đúng vai trò dân chủ trong trường học. Đối với lĩnh vực giáo dục, tôn trọng là thể hiện cao nhất của dân chủ. Tôn trọng cấp trên với cấp dưới, giữa đồng nghiệp với nhau, thầy, cô giáo với học sinh, sinh viên để chung tay xây dựng trường học hạnh phúc. Trong môi trường giáo dục đó, thầy – trò – phụ huynh đều cảm thấy hạnh phúc và cùng tiến bộ mỗi ngày.
Nếu giáo dục không trên cơ sở tôn trọng, khuyến khích con người cống hiến, tự tin, tự trọng, tự chủ thì môi trường giáo dục đó không thể coi là chất lượng. Tôi muốn nhấn mạnh đến triết lý giáo dục khai phóng – trụ cột của giáo dục hiện đại. Giáo dục khai phóng giúp con người thực học, thực nghiệp.
GS.TSKH Phạm Tất Dong. |
Hiện, Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT có nhiều văn bản nhằm phát huy dân chủ trong nhà trường. Đặc biệt, ngày 10/11/2022, Quốc hội ban hành Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (có hiệu lực kể từ 1/7/2023).
Tôi hoan nghênh Quốc hội đã kịp thời ban hành Luật này. Đây là cơ sở pháp lý quan trọng, buộc các nhà trường tự thay đổi từ quản lý sang quản trị. Thực hiện dân chủ sẽ tạo động lực để thầy, trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập.
Ngoài ra, để môi trường dân chủ thực sự, các trường cần xây dựng văn hóa học đường. Đây là vấn đề nòng cốt phát huy tinh thần, giá trị dân chủ cơ sở. Tuy nhiên, muốn có văn hóa học đường, trước hết phải có dân chủ trong mỗi nhà trường, từng hiệu trưởng phải có “Văn hóa quản lý”. Vai trò gương mẫu của cán bộ quản lý, đặc biệt người đứng đầu đơn vị, trường học rất quan trọng để có dân chủ trong trường học.
Theo đó, thủ trưởng phải là người tác động sâu sắc, lan tỏa sâu rộng tinh thần, giá trị của dân chủ cơ sở đến nhân viên. Cùng đó, cần nêu cao vai trò của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tập thể sư phạm. Làm sao để tiếng nói mỗi cán bộ, giáo viên, người lao động được tôn trọng, nguyện vọng chính đáng của thầy và trò cần ghi nhận, đáp ứng. Như vậy mới hy vọng dân chủ thực sự.
Nghị quyết 29 của Trung ương Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục, đào tạo cũng chỉ rõ, đổi mới giáo dục phải gắn với dân chủ và tự chủ của cơ sở giáo dục. Muốn vậy, mỗi nhà trường phải tự chủ, tự chịu trách nhiệm giải trình công khai, minh bạch mọi hoạt động quản lý; tự ý thức xây dựng thương hiệu riêng cho đơn vị. Khi có dân chủ và tự chủ thực sự thì các nhà trường mới chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo.
Tôi tin tưởng và hy vọng, khi Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực, vấn đề về dân chủ trường học sẽ phát huy và thực hiện một cách đích thực; từ đó, tập hợp nhiều sáng kiến để cùng nhau tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đưa chất lượng giáo dục mỗi nhà trường ngày càng phát triển.
Ông Phạm Văn Hòa – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp: Giáo dục cần đi trước
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở quy định rõ về phạm vi điều chỉnh, quyền và nghĩa vụ của công dân. Luật cũng quy định các hành vi nghiêm cấm và chế tài xử lý nếu cá nhân, tổ chức vi phạm.
Ông Phạm Văn Hòa. Ảnh: Quochoi.vn |
Theo tôi, giáo dục cần đi trước trong thực hiện quy chế dân chủ; từ đó lan tỏa đến lĩnh vực khác.
Song, để Luật sớm đi vào đời sống giáo dục, tôi cho rằng, các nhà trường cần triển khai bồi dưỡng nâng cao năng lực chuyên môn, nghiệp vụ cho người được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở.
Đặc biệt, các cơ sở giáo dục, đào tạo cần thực hiện dân chủ thực chất. Muốn vậy, phải tăng cường thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thực hiện dân chủ cơ sở; nâng cao nhận thức của cán bộ, viên chức, người lao động, người học về việc bảo đảm thực hiện dân chủ cơ sở.
Ngoài ra, cần nâng cao trách nhiệm của cơ quan, đơn vị, tổ chức; trong đó nhấn mạnh vai trò nêu gương người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo, quản lý, đảng viên, cán bộ, công chức, viên chức, người học trong thực hiện dân chủ; lấy mức độ thực hiện dân chủ cơ sở trường học làm căn cứ đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ hằng năm.
Bên cạnh đó, kịp thời biểu dương, khen thưởng các gương điển hình, có nhiều thành tích trong phát huy và tổ chức thực hiện tốt dân chủ cơ sở; phát hiện và xử lý nghiêm đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật. Cũng cần quan tâm, hỗ trợ, khuyến khích ứng dụng công nghệ thông tin, khoa học - kỹ thuật, trang bị phương tiện kỹ thuật và bảo đảm điều kiện cần thiết khác cho việc tổ chức thực hiện dân chủ cơ sở phù hợp tiến trình chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo.
Cùng các giải pháp nêu trên, hằng năm, công đoàn cơ sở giáo dục và đào tạo phải tổ chức hội nghị cán bộ, viên chức để hiệu trưởng báo cáo công khai tình hình hoạt động của nhà trường; trong đó có vấn đề tài chính đơn vị. Việc thực hiện dân chủ ở trường học, cần sự giám sát từ cấp trên để kịp thời điều chỉnh, uốn nắn nếu các đơn vị “chệch hướng” và phạm luật. Tôi cũng đặc biệt khuyến khích mỗi cán bộ, giáo viên, viên chức, người học nắm chắc quyền, nghĩa vụ của mình để thực thi và trực tiếp giám sát việc thực hiện dân chủ tại đơn vị mình công tác, học tập.
Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đã có hiệu lực từ 1/7/2023, vì thế tôi hy vọng, ngành Tư pháp từ Trung ương đến địa phương, công đoàn giáo dục các cấp sớm ban hành hướng dẫn để địa phương, đơn vị, trường học có căn cứ triển khai.
Theo đó, cần sớm xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến rộng rãi các quy định của Luật để cơ quan, đơn vị, trường học nắm được. Các đơn vị cũng cần tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề nhằm giới thiệu về Luật này, đồng thời bàn thảo giải pháp thực hiện để cán bộ, công chức, viên chức, người lao động hiểu và nhận thức đầy đủ về thực hiện dân chủ cơ sở.
Khi Luật có hiệu lực thi hành và những lĩnh vực có liên quan đến đời sống của người dân, phòng Tư pháp huyện, thị, thành phố sẽ phối hợp với hội luật gia, cơ quan đoàn thể để tuyên truyền, giáo dục pháp luật. Trong cơ quan, đơn vị, trường học, thủ trưởng có trách nhiệm phổ biến đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động nắm được quy định của Luật.
Trên hết, họ có quyền được biết để tham gia giám sát hoạt động cơ quan đơn vị trong việc thực thi quy định về dân chủ cơ sở; cũng có quyền phản ánh, kiến nghị nếu cá nhân, tổ chức vi phạm Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở. Muốn vậy, hơn ai hết, thủ trưởng phải là người đầu tiên thấm nhuần quy định thực hiện dân chủ ở cơ sở; từ đó lan tỏa đến đồng nghiệp và nhân viên.
Ông Võ Quốc Thoại - Chủ tịch Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang: Đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu
Ông Võ Quốc Thoại. Ảnh: NVCC |
Những năm qua, việc thực hiện quy chế dân chủ cơ sở của ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang khá tốt. Chúng tôi thường xuyên kiểm tra cơ sở giáo dục trên địa bàn. Công đoàn ngành Giáo dục phối hợp với Ban giám đốc Sở GD&ĐT Hậu Giang tổ chức đối thoại trực tiếp với cán bộ, nhà giáo, người lao động để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và kịp thời giải đáp, tháo gỡ khúc mắc. Giải pháp này cũng được áp dụng đối với huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.
Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu các cấp lãnh đạo để duy trì giải pháp trên, đảm bảo triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở có hiệu lực, hiệu quả trong thực tiễn. Mặc dù chưa có văn bản hướng dẫn cụ thể việc thực hiện Luật này nên Công đoàn ngành Giáo dục tỉnh Hậu Giang chưa thể đưa kế hoạch thực hiện chi tiết. Tuy nhiên, trong kế hoạch tổng thể, chúng tôi sẽ chú trọng đề cao vai trò, trách nhiệm của thủ trưởng đơn vị trong thực hiện dân chủ ở cơ sở.
Để Luật sớm đi vào cuộc sống, sau khi có văn bản hướng dẫn, chúng tôi sẽ tổ chức hội nghị, hội thảo chuyên đề với sự tham gia của lãnh đạo các đơn vị, Ban chấp hành Công đoàn; trên cơ sở đó thảo luận, đề xuất giải pháp thực hiện dân chủ cơ sở trên bình diện chung và riêng cho đơn vị mình.
Chúng tôi hình dung việc triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở theo 3 giai đoạn: Ngắn, trung và dài hạn. Trước mắt, chúng tôi sẽ ban hành hướng dẫn thực hiện Hội nghị cán bộ công chức, viên chức; hướng dẫn các đơn vị xây dựng quy ước, quy chế dân chủ cơ sở; tuyên truyền, phổ biến quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở đến toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, người học.
Dự kiến, năm 2024, chúng tôi phát động cuộc thi liên quan đến thực hiện dân chủ ở cơ sở. Đối tượng dự thi là đại diện lãnh đạo các đơn vị, chủ tịch hoặc phó chủ tịch công đoàn và đại diện người lao động. Đây cũng là một trong những hoạt động thiết thực, điểm nhấn trong triển khai Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; từng bước đưa Luật vào cuộc sống.
“Người đứng đầu cơ sở giáo dục, đào tạo phải hiểu đúng, đủ các quy định của Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; từ đó mới có thể triển khai hiệu quả quy định của pháp luật trong toàn đơn vị. Trong quá trình thực thi, cần phát huy tinh thần nêu gương của thủ trưởng đơn vị, tôn trọng ý kiến đóng góp của giáo viên, người lao động, người học và nhân dân nhằm kịp thời giải quyết các kiến nghị, phản ánh (nếu có)”, ông Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.