Dân chủ trong trường học: Cần xây dựng cơ chế giám sát đủ mạnh

GD&TĐ - Để phát huy dân chủ trong các cơ sở giáo dục, cần xây dựng cơ chế đủ mạnh để giáo viên, nhân viên thực hiện quyền giám sát.

Cô và trò Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đọc sách tại Ngôi nhà trí tuệ mới được xây dựng trong trường.
Cô và trò Trường THPT Thanh Chương 3 (huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An) đọc sách tại Ngôi nhà trí tuệ mới được xây dựng trong trường.

Công khai để tạo niềm tin

Theo thầy Lê Văn Quyền - Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 (Thanh Chương, Nghệ An), hiện nay, mỗi nhà trường đều xây dựng quy chế dân chủ bên cạnh quy chế khác như: Chi tiêu nội bộ, Thi đua - khen thưởng… Quy chế này áp dụng cho cán bộ, giáo viên, nhân viên nhà trường, ban đại diện cha mẹ học sinh lớp/trường và với học sinh để trên cơ sở đó thể hiện quyền lợi, nghĩa vụ, vai trò của mình.

Xây dựng quy chế dân chủ trong trường học được thực hiện với sự định hướng chỉ đạo cả về phía Đảng và chính quyền. Trong đó, Đảng chỉ đạo về chủ trương, chính quyền (ở đây là sở GD&ĐT) sẽ hướng dẫn cách thức thực hiện.

Quy chế dân chủ của Trường THPT Thanh Chương 3 được xây dựng với đầy đủ nội dung, đặc biệt quy định rõ vai trò trách nhiệm cá nhân, bộ phận trong nhà trường khi thực thi dân chủ. “Theo tôi, việc làm rõ vai trò, trách nhiệm chính là phát huy quyền, nghĩa vụ người đứng đầu, Hội đồng nhà trường và đảm bảo mọi giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh có quyền giám sát hoạt động nhà trường”, thầy Lê Văn Quyền cho hay.

Hiệu trưởng Trường THPT Thanh Chương 3 nêu ví dụ về thực hiện quy trình triển khai vận động xã hội hóa giáo dục trong trường học. Trước hết họp Chi bộ đề ra chủ trương. Sau đó Hội đồng sư phạm nhà trường họp để nghe góp ý từ lãnh đạo, giáo viên, nhân viên… xây dựng kế hoạch cụ thể.

Đồng thời công khai và mời phụ huynh tham gia ý kiến. Các ý kiến được tổng hợp lại để trình Hội đồng nhà trường ra nghị quyết, quyết định về kế hoạch vận động xã hội hóa năm học đó; rồi gửi đến sở GD&ĐT đồng ý phê duyệt mới triển khai và công khai trong nhà trường, phụ huynh, học sinh, xã hội.

Cụ thể năm học 2022 - 2023, nhà trường đưa ra 4 hạng mục cơ sở vật chất cấp thiết cần huy động nguồn lực xã hội hóa là cải tạo dãy nhà học 3 tầng đã cũ, xuống cấp; nâng cấp sân để học sinh học Thể dục và Giáo dục Quốc phòng; xây kè chống sạt lở tường rào; mua sắm máy vi tính phòng Tin học, thực nghiệm. Quy trình triển khai theo các bước như trên, với dự toán kinh phí, thời gian triển khai, giao việc cụ thể đối với từng giáo viên, bộ phận. Quá trình triển khai báo cáo kết quả theo giai đoạn và có thể điều chỉnh tùy thực tế.

Kết quả, năm học vừa qua, Trường THPT Thanh Chương 3 đã vận động xã hội hóa đạt mục tiêu đề ra, với sự đồng thuận ủng hộ trong nhà trường cũng như phụ huynh, học sinh. Bên cạnh đó, trường vận động thêm cựu học sinh hỗ trợ hơn 50 triệu đồng để khen thưởng học sinh giỏi, đạt thành tích cao.

“Giao đúng người, việc, phù hợp sẽ phát huy vai trò, trách nhiệm, thế mạnh cá nhân. Họ vừa thực hiện nhiệm vụ của mình, vừa giám sát công việc chung của nhà trường cũng như lãnh đạo. Càng công khai thì càng tạo được sự minh bạch, đoàn kết tập thể”, thầy Lê Văn Quyền chia sẻ.

Giáo viên Nghệ An đóng góp ý kiến tại chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục năm 2023.

Giáo viên Nghệ An đóng góp ý kiến tại chương trình Bộ trưởng Bộ GD&ĐT gặp gỡ nhà giáo, cán bộ quản lý, nhân viên ngành giáo dục năm 2023.

Giám sát đúng

Theo nhiều lãnh đạo trường học trên địa bàn tỉnh Nghệ An, thực tế việc thực thi dân chủ trong cơ sở giáo dục đào tạo chưa rõ ràng hoặc thiếu công khai minh bạch. Bản thân giáo viên, nhân viên trường học chủ yếu tập trung vào nhiệm vụ chuyên môn dạy học mà chưa nghiên cứu kỹ càng quy chế, giám sát quá trình thực thi dân chủ tại đơn vị. Điều này khiến việc giám sát hoạt động của hiệu trưởng, Hội đồng nhà trường khi ban hành kế hoạch hoạt động, quá trình triển khai, giải quyết việc liên quan đến nhân sự, tài chính, chuyên môn và đời sống vật chất, tinh thần… chưa phát huy tối đa hiệu quả.

Thầy Ngô Chiến Thắng - giáo viên Trường THPT Quế Phong (huyện Quế Phong) cho hay, quy chế dân chủ của trường được xây dựng trong đó đưa ra nguyên tắc phải công khai nội dung hoạt động cũng như vai trò, trách nhiệm mỗi người. Theo thầy Thắng, đây là yếu tố quan trọng để giáo viên, nhân viên thực hiện vai trò giám sát.

“Cá nhân tìm hiểu, tham gia nhiều cuộc tập huấn được biết, nguyên tắc công khai minh bạch được quy định tại Luật Thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở. Tuy nhiên, không phải vấn đề nào cũng công khai, và công khai ở phạm vi nào. Đối với giáo viên, người lao động, có những điều được phép bàn luận, tham gia đóng góp ý kiến.

Như vậy, những vấn đề, hoạt động, quyết nghị nào của nhà trường cần công khai thì phải công khai đầy đủ để giáo viên, nhân viên biết và tham gia ý kiến. Đổi lại, giáo viên cần nhận thức rõ vai trò, quyền hạn, trách nhiệm để tham gia vào công việc giám sát đúng lúc, chỗ, quy định”, thầy Thắng chia sẻ.

Cũng theo thầy Ngô Chiến Thắng, đầu năm học, các nhà trường tổ chức Hội nghị cán bộ, viên chức, người lao động. Dịp này, Hội đồng nhà trường sẽ công khai báo cáo tổng kết năm học trước và đề ra phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu của năm học tiếp theo. Đây là hội nghị quan trọng để giáo viên nắm bắt thông tin, kế hoạch hoạt động mọi mặt.

Đồng thời góp ý kiến xây dựng các quyết nghị. Bên cạnh đó, suốt năm học, quá trình thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch sẽ được nhà trường thông báo về tiến trình, kết quả. Một số chương trình, hoạt động cần điều chỉnh, thay đổi cho phù hợp thực tiễn cũng thông báo công khai. Lúc này, giáo viên cần bắt kịp thực tế công việc, thực hiện vai trò giám sát bằng việc tham gia bàn luận, kiến nghị giải pháp.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho rằng, Nghị quyết 29-NQ/TW đã chỉ rõ, đổi mới giáo dục phải gắn với dân chủ và tự chủ của cơ sở giáo dục. Nhưng hiện nay, việc thực hiện tự chủ chủ yếu thực hiện ở giáo dục đại học, còn giáo dục phổ thông cần có thời gian, lộ trình.

Thực tế, Chương trình GDPT 2018 đã giao quyền tự chủ về các nhà trường. Mỗi cơ sở giáo dục được tự xây dựng chương trình nhà trường, tầm nhìn, triết lý giáo dục. Đây cũng chính là các bước để thực hiện dân chủ và tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo.

Để thực hiện dân chủ và tự chủ, tự chịu trách nhiệm xã hội trong cơ sở giáo dục trước hết phải nêu cao vai trò đi đầu của hiệu trưởng; đẩy mạnh vai trò giám sát của giáo viên và học sinh, phụ huynh. Trong đó, ban đại diện của cha mẹ học sinh cần phải có tiếng nói, hiệu lực trong việc tham gia đánh giá hiệu quả các chương trình giáo dục nhà trường. Thực hiện mối liên kết nhà trường, gia đình và xã hội. Thước đo đánh giá dân chủ trong nhà trường chính là chất lượng giáo dục, sự tin yêu của học sinh và đồng thuận, ủng hộ từ phụ huynh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Những ký ức trong tim

Những ký ức trong tim

GD&TĐ - Những năm tháng học trò là quãng thời gian đáng nhớ nhất, là lúc ta được trải nghiệm những giây phút vui buồn, với bao nhiêu khoảnh khắc không thể phai nhạt.