Dân chủ trong trường học: Vẫn còn 'ông vua, bà chúa'?

GD&TĐ - Dù đa số nhà trường có quy chế dân chủ cơ sở nhưng thực trạng vi phạm vẫn tồn tại hoặc việc thực hiện mang tính hình thức, nửa vời.

Họp phụ huynh thể hiện việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. Ảnh họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Nguồn: website nhà trường
Họp phụ huynh thể hiện việc thực hiện quy chế dân chủ trong trường học. Ảnh họp phụ huynh tại Trường Tiểu học Ngọc Hồi (Thanh Trì, Hà Nội). Nguồn: website nhà trường

Đáng nói, những vi phạm này không phải giáo viên, nhân viên, học sinh, phụ huynh nào cũng biết và dám đấu tranh, phản biện.

Áp đặt suy nghĩ

Thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục giúp phát huy quyền làm chủ cho nhà giáo, cán bộ quản lý, người lao động, người học và nâng cao trách nhiệm hiệu trưởng. Đồng thời, tăng cường nền nếp, kỷ cương, kỷ luật nhà trường, góp phần xây dựng môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo; phòng chống hành vi tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cửa quyền.

Về cơ sở pháp lý, chúng ta có Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở (hiệu lực từ 1/7/2023), Thông tư số 11/TT-BGDĐT ngày 19/5/2020 của Bộ GD&ĐT hướng dẫn thực hiện dân chủ trong hoạt động của cơ sở giáo dục công lập. Các đơn vị trường học đã xây dựng quy chế dân chủ cơ sở và ngày càng đi vào thực chất. Tuy nhiên, những câu chuyện đáng tiếc xảy ra mà nguyên nhân xuất phát từ sự thiếu dân chủ còn không ít. Có ý kiến cho rằng, trường học không chỉ có “ông vua” là hiệu trưởng, mà còn có nhiều “ông quan” ở mỗi lớp học.

Thiếu dân chủ khiến tinh thần đấu tranh, phê bình, tự phê bình bị triệt tiêu; thậm chí có trường hợp đáng tiếc xảy ra. Gây xôn xao dư luận là việc hiệu trưởng và hiệu phó một trường tiểu học ở quận Cầu Giấy (Hà Nội) bị cách chức vì vi phạm nghiêm trọng đạo đức nhà giáo năm 2017.

Cùng năm, hiệu trưởng trường THCS tại Nam Từ Liêm (Hà Nội) bị giáng chức do có nhiều sai phạm liên quan đến nhân sự, thu chi tài chính; hiệu trưởng trường mầm non ở Lệ Thủy (Quảng Bình) bị xử phạt 1 năm tù vì tội tham ô tài sản... Một trong những nguyên nhân dẫn đến điều đáng tiếc nêu trên bởi quy chế dân chủ cơ sở không thực hiện nghiêm túc.

Năm 2019, giáo viên Nguyễn Thanh Bình - Trường Tiểu học Thiệu Tâm (xã Thiệu Tâm, Thiệu Hóa, Thanh Hóa) gửi đơn khiếu nại vì bất ngờ nhận quyết định chuyển về Trường Tiểu học Thiệu Lý (xã Thiệu Lý) dù không có đơn xin chuyển trường cũng như không nhận được trao đổi, kế hoạch điều động, luân chuyển trước đó.

Năm 2022, có 24/37 giáo viên, nhân viên Trường Mầm non Hoa Lan (xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông) ký đơn gửi lên UBND huyện tố cáo nhiều vi phạm của hiệu trưởng, trong đó có việc “tổ chức và phân công giáo viên đi uống bia, rượu tiếp khách, lao động, hái cà phê khoán trái quy định…”.

Năm 2023, giáo viên Trường THPT Lương Văn Can (Quận 8, TP Hồ Chí Minh) phản ánh bức xúc đến báo chí về việc bất ngờ bị miễn nhiệm vị trí tổ trưởng, tổ phó và thư ký hội đồng của 9 người mà không đưa ra lý do chính đáng.

Mới đây, một số phụ huynh Trường THCS An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội) phản ánh nhà trường “ép” học sinh tham gia Chương trình giáo dục di sản, học tập, trải nghiệm bằng việc đưa ra tiêu chí đánh giá năng lực, chuyên môn của giáo viên chủ nhiệm dựa trên số lượng học sinh tham gia…

Cũng năm 2023, dư luận bức xúc khi 1 học sinh một trường ngoài công lập ở Hà Nội bị dọa đuổi học sinh vì phụ huynh phản ứng về thu chi của nhà trường. Một giáo viên khác dọa hạ hạnh kiểm và kéo lê học sinh trước cửa lớp bởi em được giao nhiệm vụ đặt bánh sinh nhật nhưng lại “đặt khác với thống nhất cùng cô chủ nhiệm”. Rồi giáo viên lục cặp sách học trò; bị kỷ luật vì đánh gẫy ngón tay học sinh… Những vụ việc trên đều bắt nguồn từ sự vi phạm trắng trợn quy chế dân chủ trường học.

Từng làm hiệu trưởng 3 trường phổ thông, NGƯT Trần Thị Kim Liên (Hội Tâm lý giáo dục học Hà Nội) đưa ra những biểu hiện mất dân chủ trong trường học. Trong đó có việc hiệu trưởng phân công nhiệm vụ giáo viên, người lao động không đúng với chuyên môn, trình độ đào tạo.

Hiệu trưởng không bàn bạc, phổ biến đầy đủ kế hoạch nhiệm vụ năm học; áp đặt công việc, gây khó khăn cho giáo viên, phụ huynh, học sinh; độc đoán, chuyên quyền; không lắng nghe ý kiến đóng góp. Trong quan hệ thầy trò, nhiều giáo viên luôn coi mình đúng, áp đặt ý kiến chủ quan cá nhân cho học trò. Nhà trường không thông báo, bàn bạc, công khai minh bạch dẫn đến phụ huynh thiếu tin tưởng nhà trường, giáo viên; thậm chí có người xâm phạm thể chất, tinh thần thầy cô…

Giờ học tại Trường Tiểu học Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ảnh: NTCC

Giờ học tại Trường Tiểu học Thụy Sơn (huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình). Ảnh: NTCC

Chưa quyết liệt

TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý giáo dục Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Giáo dục Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Hà Nội) nhận định: Thời gian qua, nhiều trường thực hiện tốt dân chủ trong trường học, coi đó như mục tiêu để xây dựng trường học hạnh phúc, nâng cao chất lượng giáo dục. Tuy nhiên, tình trạng mất dân chủ hiện nay không ít; còn những “ông vua”, “ông quan” trong trường học; hiệu trưởng nhà trường quản lý theo mệnh lệnh, thể hiện quyền uy…

Có nhiều nguyên nhân, nhưng có lẽ đầu tiên do chỉ đạo, kiểm tra, giám sát thực hiện dân chủ trường học không được làm quyết liệt, đến nơi đến chốn. Các cấp quản lý giáo dục chưa coi đây là biện pháp quan trọng để nhà trường thay đổi, nâng cao chất lượng.

Chỉ khi học sinh được tôn trọng, giải phóng về tinh thần, tự do phát triển theo cách riêng; đội ngũ giáo viên thỏa sức phát huy tài năng; nhà trường tạo ra động lực cho cả thầy và trò sáng tạo trong giảng dạy, học tập, khi đó mới thực sự có chất lượng giáo dục bền vững. Cùng đó, bản thân lãnh đạo nhà trường cũng không thấy được lợi ích của thực hiện, quản lý theo dân chủ.

“Nếu hiệu trưởng coi mình là quan chức giáo dục thì không tránh khỏi quản lý áp đặt, mất dân chủ, hoặc dân chủ hình thức. Nhưng nếu người lãnh đạo đặt mình ở vị trí nhà giáo, nhà sư phạm, mong muốn thay đổi nhà trường thì thực hiện dân chủ trong trường học trở thành nhu cầu tự thân, không phải gồng lên để làm.

Tương tự với giáo viên, nếu thực sự là nhà sư phạm, thầy cô sẽ có cách giáo dục phù hợp trên cơ sở tôn trọng học trò, biết lắng nghe, không áp đặt. Ngoài hiệu trưởng, các cấp ủy Đảng cũng cần chú ý quán triệt quy định về dân chủ trường học. Nghị quyết 29-NQ/TW nhấn mạnh: Đổi mới căn bản công tác quản lý giáo dục, đào tạo, bảo đảm dân chủ, thống nhất; tăng quyền tự chủ và trách nhiệm xã hội của cơ sở giáo dục, đào tạo; coi trọng quản lý chất lượng…”, TS Nguyễn Tùng Lâm trao đổi.

“Thực hiện dân chủ phải gắn với tự chủ trong nhà trường; nhà trường phải được tự chủ thì dân chủ mới ý nghĩa. Bởi khi tự chủ, nhà trường chú trọng xây dựng thương hiệu riêng, chịu trách nhiệm trước xã hội về chất lượng đào tạo, việc triển khai dân chủ sẽ không cần ép buộc mà xuất phát từ nhu cầu của quản lý, giáo viên. Đó cũng là cách thực hiện dân chủ trong trường học bền vững, thực chất nhất”, TS Nguyễn Tùng Lâm cho hay.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Ứng xử nơi tôn nghiêm

GD&TĐ - Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vừa mới khai trương đã thu hút sự chú ý của nhiều người.