Dân chủ trong trường học: Đề cao tôn trọng, lắng nghe

GD&TĐ - Xây dựng, thực hiện quy chế dân chủ trong nhà trường đã phát huy tinh thần đoàn kết của tập thể đơn vị, hoàn thành tốt nhiệm vụ dạy và học.

Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) tham gia hoạt động trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Trường Tiến
Học sinh Trường Tiểu học Ngô Quyền (quận Ninh Kiều) tham gia hoạt động trải nghiệm thực hành chữa cháy và cứu nạn cứu hộ. Ảnh: Trường Tiến

Qua đó góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, khơi dậy, phát huy tinh thần trách nhiệm, giúp việc thực hành dân chủ ngày càng nâng lên.

Triển khai nghiêm túc

Thời gian qua, nhiều cơ sở giáo dục trên cả nước đã phát huy tốt quy chế dân chủ trong trường học. Các trường thành lập ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ ở đơn vị. Trong sinh hoạt chi bộ hằng tháng, có đánh giá tình hình hoạt động của tổ chức đoàn thể và định hướng cho tháng tiếp theo. Giữa hiệu trưởng và phó hiệu trưởng đã xây dựng bảng phân công trách nhiệm vào đầu năm học, phổ biến đến cán bộ, giáo viên để tiện liên hệ công việc.

Ông Trịnh Vĩnh Thanh - Trưởng phòng GD&ĐT quận Gò Vấp (TPHCM) cho biết: “Để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở, mỗi đơn vị cần thay đổi nhận thức người lao động, để họ hiểu, phát huy quyền của tập thể một cách nghiêm túc. Theo tôi, một trong những điều để thực hiện tốt quy chế dân chủ cơ sở vẫn là tuyên truyền cho người lao động nắm rõ pháp luật, tức là biết bản thân có quyền gì, được phép làm gì để phát huy”.

Thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng (huyện Cờ Đỏ, TP Cần Thơ) cho hay, thực hiện dân chủ trong nhà trường là phát huy quyền làm chủ và huy động tiềm năng trí tuệ của tổ chức, cá nhân, góp phần xây dựng kỷ cương, nền nếp, trật tự trong mọi hoạt động nhằm nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập. Để triển khai tốt, hiệu quả quy chế dân chủ, nhà trường đã ban hành quy chế thực hiện dân chủ trong trường học vào đầu năm học.

“Quy chế dân chủ nhà trường còn quy định trách nhiệm của hiệu trưởng, giáo viên, nhân viên, đặc biệt nêu rõ nội dung công việc hiệu trưởng cần có sự đóng góp ý kiến của tập thể cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đồng thời quy chế quy định những nội dung mà người lao động được biết, tham gia ý kiến, giám sát kiểm tra thông qua hình thức trực tiếp hoặc tổ chức, đoàn thể nhà trường.

Nhà trường chịu sự lãnh đạo của chi bộ theo nguyên tắc tập trung dân chủ; thực hiện trách nhiệm của hiệu trưởng và phát huy vai trò đoàn thể; Xử lý nghiêm những hành vi lợi dụng, xâm phạm quyền tự do dân chủ làm ảnh hưởng đến uy tín và hoạt động nhà trường”, thầy Dũng cho hay.

Tương tự, tại TPHCM, việc tổ chức, xây dựng và thực hiện quy chế dân chủ được coi như nhiệm vụ trọng tâm, hằng năm kiện toàn, bổ sung và điều chỉnh kịp thời. Các chi bộ nhà trường nhận thức rõ việc xây dựng quy chế dân chủ gắn với xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và thực hiện những quy định của Luật Giáo dục theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra” trong mọi hoạt động; bảo đảm cán bộ, giáo viên, nhân viên, phụ huynh và học sinh được quyền giám sát, kiểm tra, góp ý kiến.

Cô Phan Thị Châu - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Lương Thế Vinh (quận Gò Vấp, TPHCM) chia sẻ, hằng năm, nhà trường xây dựng kế hoạch gặp gỡ và đối thoại chặt chẽ giữa lãnh đạo trường, ban chấp hành đoàn thanh niên, ban đại diện cha mẹ học sinh với học sinh, nhằm thúc đẩy tương tác và phát triển môi trường học tập dân chủ. Hoạt động góp phần thắt chặt quan hệ giữa thầy và trò, cha mẹ với học sinh. Qua đó, phụ huynh hiểu rõ hơn những khó khăn trong công tác giảng dạy, học tập của giáo viên, học sinh sẽ tạo ra sự đồng thuận và tương tác tích cực.

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ nắm tình hình việc triển khai Chương trình GDPT lớp 10 mới tại Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều). Ảnh: Trường Tiến

Ông Trần Thanh Bình - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ nắm tình hình việc triển khai Chương trình GDPT lớp 10 mới tại Trường THPT Châu Văn Liêm (quận Ninh Kiều). Ảnh: Trường Tiến

Đề cao sự tôn trọng, lắng nghe

Theo thầy Lê Hữu Bình - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Thạnh An (huyện Cần Giờ, TPHCM), khi thực hiện quy chế dân chủ, nhà trường luôn xác định, người lãnh đạo, đặc biệt hiệu trưởng, phó hiệu trưởng phải lắng nghe và tiếp thu ý kiến cá nhân, tổ chức, đoàn thể thông qua họp hội đồng sư phạm, sinh hoạt tổ chuyên môn, hoạt động đoàn thể, cha mẹ học sinh, trao đổi trực tiếp cá nhân… Có biện pháp giải quyết đúng chế độ, chính sách hiện hành của Nhà nước, theo nội quy, quy chế, điều lệ nhà trường và phù hợp với thẩm quyền, trách nhiệm.

“Chúng tôi đảm bảo nghiêm túc việc công khai kế hoạch hoạt động, tài chính, thi đua khen thưởng; những việc giáo viên, phụ huynh, học sinh được biết và tham gia ý kiến. Nhờ vậy, hoạt động của nhà trường đi vào nền nếp, giữ vững khối đoàn kết nội bộ”, thầy Lê Hữu Bình cho biết.

Giảng dạy tại Trường THPT Trần Văn Giàu (quận Bình Thạnh, TPHCM), thầy Lê Văn Nam chia sẻ, triển khai quy chế dân chủ tại trường đã tạo nên bầu không khí mới mẻ, điều chỉnh hành động các thành viên. Qua đó, giáo viên được tôn trọng, thấy rõ quyền lợi, trách nhiệm bản thân. Lãnh đạo không tùy tiện trong quản lý, điều hành. Từng thành viên tích cực tìm hiểu, tuyên truyền, góp ý kiến xây dựng các nội dung thuộc quy chế dân chủ.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) đặt câu hỏi tại một buổi hướng nghiệp.

Học sinh Trường THPT Nguyễn Thị Diệu (Quận 3, TPHCM) đặt câu hỏi tại một buổi hướng nghiệp.

“Trong nhà trường hình thành văn hóa đề cao sự tôn trọng, lắng nghe, trân trọng ý kiến, sự sáng tạo, đổi mới. Môi trường làm việc dân chủ giúp các thành viên phát huy tối đa năng lực để cống hiến, giảng dạy và học tập đạt hiệu quả cao”, thầy Nam cho hay.

Tại Trường THPT Trần Đại Nghĩa (quận Cái Răng, TP Cần Thơ), thời gian qua nhà trường luôn công khai các văn bản quy phạm pháp luật, xin ý kiến góp ý dự thảo văn bản của cấp trên, nhà trường và nội dung liên quan đến viên chức, người lao động (kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giáo dục năm học, nội quy, quy chế làm việc, dân chủ, thi đua - khen thưởng); đánh giá xếp loại viên chức, người lao động và các văn bản quy định liên quan đến nghĩa vụ, quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động…

Cô Phó Hiệu trưởng Trương Thị Cẩm Thúy cho hay: “Nhà trường nhận thức rõ việc thực hiện quy chế dân chủ trong đảng bộ, đơn vị là gắn với xây dựng đơn vị văn hóa, văn minh; thực hiện đúng quy định của Luật Viên chức, Luật Giáo dục theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” trong mọi hoạt động; thông qua hình thức dân chủ, đảm bảo cho đảng viên, viên chức, người lao động quyền giám sát, kiểm tra, đóng góp ý kiến, tham gia vào mục tiêu xây dựng đảng bộ và đơn vị”.

Chia sẻ về công tác quản lý, kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ cơ sở, theo bà Nguyễn Kiều Phương - Trưởng phòng GD&ĐT quận Bình Thủy (TP Cần Thơ), không quá khó vì có văn bản chỉ đạo. Thông qua các đợt kiểm tra chuyên môn, nhiều trường thể hiện rõ công tác dân chủ trường học qua hồ sơ minh chứng như: Kế hoạch nhà trường, hồ sơ quản lý của tổ chuyên môn, biên bản họp… hoặc bảng thông tin, thông báo, trang mạng.

“Mọi hoạt động trong nhà trường cần sự công khai và minh bạch. Những gì mang tính tập thể đều được đưa ra thảo luận và đóng góp ý kiến. Tuyệt đối không tự quyết và làm mà không công khai minh bạch”, bà Phương cho hay.

Tiết lên lớp của thầy Lê Hữu Bình. Ảnh: Hồ Phúc

Tiết lên lớp của thầy Lê Hữu Bình. Ảnh: Hồ Phúc

Nhiều cách làm hay

Tại Trường THPT Bình Thủy (quận Bình Thủy, TP Cần Thơ), hằng năm, bên cạnh tổ chức hội nghị viên chức cán bộ giáo viên, nhà trường còn “mở rộng dân chủ” và đối thoại giữa ban lãnh đạo nhà trường với đại diện học sinh các lớp, mỗi năm hai lần.

Theo cô Trần Thị Ngọc Sương - Hiệu trưởng nhà trường, thông qua buổi đối thoại này, nhà trường không chỉ thông tin về cơ sở vật chất, công tác chuyên môn, quản lý và các hoạt động giáo dục, mà còn tạo cơ hội cho các em thể hiện quyền lợi, phản ánh điều bản thân quan tâm. Qua đó, nhà trường nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải đáp vướng mắc. Nhà trường đồng thời điều chỉnh và tổ chức hoạt động giáo dục, phong trào phù hợp thực tế và mong muốn của các em.

“Nhà trường tạo nên môi trường giáo dục dân chủ để học sinh có thể phát biểu ý kiến và được giải quyết kịp thời, tránh việc phát biểu không đúng nơi/chỗ, đúng người; tăng cường quyền lợi của các em, tạo ra hiệu quả trong quản lý và triển khai chính sách giáo dục”, cô Trần Thị Ngọc Sương thông tin.

Theo chia sẻ của hiệu trưởng trường tiểu học tại TPHCM, quá trình triển khai các văn bản, lãnh đạo nhà trường đặt mình ở vị trí người nghe/làm chứ không phải người triển khai, quản lý.

Trên thực tế việc tham gia ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong quá trình xây dựng quy định, quy chế có liên quan trực tiếp đến quyền lợi của mình chưa được chủ động, còn tâm lý ngại va chạm. Việc phát huy quyền quyết định, kiểm tra, giám sát của người lao động có lúc còn hạn chế. Để khắc phục tình trạng này cần tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy đảng, phát huy vai trò tổ chức đoàn thể trong thực hiện dân chủ ở cơ quan, đơn vị.

“Chẳng hạn, việc nhận xét đánh giá viên chức cuối năm, lãnh đạo nhà trường thường tự nhận xét bản thân và mọi người góp ý tại cuộc họp. Tuy nhiên, trước khi cuộc họp diễn ra đã triển khai đến các tổ khối sau đó có biên bản tổng hợp ý kiến từng thành viên trong ban giám hiệu. Nếu cá nhân nào khi nộp lên không nêu khuyết điểm thì coi như chưa hoàn thành. Lúc đầu nghe có vẻ áp lực nhưng năm nào cũng làm nên mọi người thành quen. Tất nhiên biên bản gửi lên không nêu tên người đóng góp ý kiến”, vị hiệu trưởng này cho hay.

Theo thầy Lê Văn Dũng - Hiệu trưởng Trường THCS & THPT Trần Ngọc Hoằng, thực hiện tốt quy chế dân chủ trong nhà trường tạo không khí dân chủ, cởi mở, đoàn kết trong nội bộ, đẩy mạnh các phong trào thi đua phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ của đơn vị. Tuy nhiên, còn một bộ phận giáo viên, nhân viên chưa mạnh dạn tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nhà trường hoặc không nhận thức đầy đủ về dân chủ, đôi lúc gây khó khăn cho việc quản lý điều hành của lãnh đạo trường.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ