Tuy nhiên, việc học sinh (đã học đến lớp 12) răm rắp làm theo yêu cầu chưa phù hợp đó cũng khiến chúng ta hết sức băn khoăn về thói quen tuân thủ không suy xét của một bộ phận học sinh.
Đã có những câu chuyện đáng buồn xung quanh việc những học trò thiếu kỹ năng phản biện. Điển hình như vụ việc tại Quảng Bình năm 2018, khi 23 học sinh vì thực hiện chỉ đạo của cô giáo chủ nhiệm mà lần lượt tát bạn cùng lớp 10 cái “thật mạnh” vì lỗi nói tục trong giờ ra chơi.
Hay năm 2019, tại hội đồng thi ở Trường ĐH Đà Lạt, 2 giám thị coi thi ký nhầm bài thi môn Toán sau đó phát giấy thi khác và yêu cầu thí sinh chép lại phần đã làm. Rõ ràng lỗi sai thuộc về giám thị, nhưng 25 thí sinh trong phòng thi hôm đó không phản ứng mà vẫn làm theo yêu cầu, dù bị thiệt về thời gian làm bài, ảnh hưởng kết quả thi… Có lẽ, không khó để có thể tìm ra những câu chuyện “vâng lời” tương tự.
Tháng 11/2019, tác giả Ngô Hữu Hoàng (Trường ĐH Thăng Long), Đỗ Thị Thúy Vân (Học viện Khoa học Xã hội, Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) đã có bài nghiên cứu về “Tư duy phản biện qua góc nhìn của một số giảng viên Tiếng Anh”, đăng trên Tạp chí Giáo dục. Nghiên cứu này đưa câu hỏi khảo sát “Sinh viên có “hoài nghi”, chủ động hỏi lại bài giảng của giảng viên không?”. Kết quả đáng băn khoăn, khi 3 giảng viên có câu trả lời “không bao giờ”; 11 giảng viên cho biết trước đây “không bao giờ”, gần đây “thỉnh thoảng có em hỏi”; 16 người còn lại trả lời “có” nhưng “ít khi” hay “thỉnh thoảng” mà thôi.
Học sinh, sinh viên Việt Nam thông minh, thành tích học tập tốt - điều này không là lời khen suông mà được minh chứng, đặc biệt qua kết quả các kỳ thi Olympic quốc tế. Tuy nhiên, chỉ học giỏi thôi chưa đủ. Để thành công, hội nhập, thế hệ trẻ còn cần nhiều kỹ năng, phẩm chất khác, trong đó không thể thiếu tư duy phản biện. Không thể phủ nhận, hiện còn một bộ phận học sinh, sinh viên thụ động, thiếu suy nghĩ độc lập, lười hỏi, ngại tranh luận và thể hiện chính kiến…
Một trong những nguyên nhân xuất phát bởi quan niệm từ xa xưa về “con ngoan, trò giỏi”. Con cái, học sinh ngoan ngoãn, vâng lời từng được coi là chuẩn mực. Quan niệm này không còn phù hợp, cần phải thay đổi. Và theo như GS.TS Trần Ngọc Thêm: Con ngoan cần đổi thành con có bản lĩnh, trò giỏi cần đổi thành trò sáng tạo. Bởi vì nếu ngoan là biết vâng lời, thì có bản lĩnh là biết và dám phản biện.
Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT đề ra nhiệm vụ, giải pháp: “… Phát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo và vận dụng kiến thức, kỹ năng của người học; khắc phục lối truyền thụ áp đặt một chiều, ghi nhớ máy móc. Tập trung dạy cách học, cách nghĩ, khuyến khích tự học, tạo cơ sở để người học tự cập nhật và đổi mới tri thức, kỹ năng, phát triển năng lực…”.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 hướng tới hình thành, phát triển cho học sinh 10 năng lực cốt lõi; trong đó có 3 năng lực chung được hình thành, phát triển thông qua tất cả các môn học, hoạt động giáo dục: Tự chủ và tự học, giao tiếp và hợp tác, giải quyết vấn đề và sáng tạo.
Chủ trương đổi mới giáo dục, như vậy có những đòi hỏi rõ ràng về tăng cường tư duy phản biện cho học sinh trong nhà trường. Chú trọng phát triển tư duy phản biện cũng đã được thực hiện qua những đổi mới phương pháp “lấy người học làm trung tâm”, rèn kỹ năng tự học, đổi mới kiểm tra đánh giá kích thích sự sáng tạo của học sinh… Đạt được điều này cần cả một quá trình lâu dài, cần được khích lệ ở cả môi trường gia đình, nhà trường và xã hội.