Ngoan quá cũng lo…
Có rất nhiều lý do khiến trẻ hay cãi lời bố mẹ. Trong đó, nguyên nhân chính thường đến từ việc trẻ muốn thể hiện sự độc lập và cái tôi cá nhân. Ngay từ khi mới lên ba, trẻ đã bắt đầu bước vào giai đoạn “khủng hoảng” đầu tiên khiến không ít cha mẹ đau đầu. Trong các chặng phát triển thể chất, tâm sinh lý, trẻ cũng gặp những rắc rối nội tại mang tính đặc trưng. Ở những khoảng thời gian này, trẻ hay muốn làm theo ý mình và tỏ ra rất ngang bướng khi bị bố mẹ phản đối.
Chị Thu Hằng (quận Thanh Xuân, Hà Nội) kể: Các giai đoạn khủng hoảng lứa tuổi dường như bỏ sót đứa con trai 11 tuổi của tôi. Từ bé lúc nào con cũng chăm ngoan, luôn nghe lời bố mẹ, thầy cô. Mọi mệnh lệnh của bố mẹ, con đều cố gắng tuân thủ với hai từ “vâng ạ”. Cùng đó, kết quả học tập của con cũng không có gì khiến bố mẹ phải phàn nàn. Tuy nhiên, dần dà tôi bắt đầu thấy cái sự luôn vâng lời của con không còn là ưu điểm nữa.
“Ngoan mà tới mức thường xuyên bị bạn bè trêu chọc, bắt nạt. Khi gặp chuyện ấm ức ở trường con cũng không dám nói ra mà chỉ khóc, chịu phạt rồi mẹ tỉ tê hồi lâu mới chậm rãi kể lại. Tôi bắt đầu cảm thấy lo ngại, tập trung dạy con cách tự bảo vệ bản thân, bảo vệ chính kiến nhưng chưa hiệu quả”, chị Thu Hằng cho hay.
Trái với cậu ấm nhà chị Thu Hằng, chị Phương Anh (quận Long Biên, Hà Nội) thường xuyên nghe cậu con trai đang học lớp 6 nói “con nghĩ rằng…”, “theo con thì…” mỗi khi nhận một nội dung thông tin nào từ người lớn.
Theo lời chị Phương Anh, ngay từ khi học mẫu giáo lớn con trai chị đã thể hiện là một cậu chàng luôn thích lý sự và chỉ nghe lời khi đã hiểu rõ trái – phải. “Đôi khi cũng khá căng thẳng vì phải giải thích mọi việc với con. Song vợ chồng tôi nhận thức, đây là tố chất và thế mạnh riêng của con nên cũng lưu ý thêm với thầy cô giáo ở trường để có phương thức giáo dục con hợp lý. Bù lại, con luôn chủ động trong mọi tình huống gặp phải ở các môi trường khác nhau”, chị Phương Anh chia sẻ.
Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Lanh – giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội - cho rằng: Những đứa trẻ biết nghe lời bố mẹ và thầy cô răm rắp vẫn luôn nhận được sự hài lòng và đánh giá tốt. Tuy nhiên, một đứa trẻ lúc nào cũng nghe lời chưa hẳn đã là điều hay. Nếu các em ngoan tới mức nói gì nghe nấy thì dần dần có thể trở nên khù khờ, không biết xử lý các thông tin thu nạp được, không có chính kiến của riêng mình, không dám phản ứng trước cái sai, thiếu năng lực tự chủ dẫn đến thái độ sống thờ ơ và cam chịu. Cũng vì bị áp đặt, người khác nói gì cũng đúng nên đứa trẻ sẽ lười sáng tạo, lười tư duy.
Khuyến khích trẻ nêu chính kiến
Có một số đứa trẻ sinh ra bản tính đã ương bướng, ngang ngạnh nhưng một số thì tính cách dần thay đổi do cách cha mẹ dạy dỗ, truyền đạt. Nhà tâm lý học người Đức Karl Theodor Jaspers nói rằng, bản chất của giáo dục giống như cái cây làm rung chuyển cây khác, một đám mây đẩy một đám mây khác, một linh hồn đánh thức một linh hồn khác. Làm cha mẹ nên như vậy.
Giáo dục vì thế có sức mạnh thay đổi thói quen, tạo nhân cách. Vấn đề nằm ở phương pháp và mục tiêu hướng tới của các bậc phụ huynh.
Theo Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Bình, Trung tâm Giáo dục trẻ Hà Đông: Tuổi vị thành niên, thậm chí khi trẻ mới khoảng 6 – 7 tuổi đã bắt đầu “soi” những giá trị của bố mẹ, thầy cô và tìm hiểu liệu người lớn có đúng hay không. Cần khẳng định, những đứa trẻ biết “cãi lại” người lớn, biết phản biện là điều đáng mừng hơn là một đứa trẻ hoàn toàn ngoan ngoãn, nói gì nghe nấy. Đó là dấu hiệu của sự lớn lên, sự trưởng thành của con trẻ với những lập luận, chính kiến của mình.
“Những nền giáo dục tiên tiến, phát triển luôn chú trọng phát triển cá tính, sự khác biệt của đứa trẻ để các em tìm ra mẫu hình mà các em mong muốn. Các em phản ứng lại sự áp đặt là biểu hiện đáng mừng, cho thấy các em đã nhận ra những bất ổn của giáo dục áp đặt, không chấp nhận những điều vô lý. Giáo dục theo hướng áp đặt sẽ khiến người lớn ít lắng nghe, ít trao đổi với trẻ. Đừng để đứa trẻ như một chú gà công nghiệp đưa gì cũng ăn. Quan trọng nhất là dạy các em tư duy phản biện, phương pháp phản biện, tranh luận một cách phù hợp, văn minh chứ không phải là cãi chày cãi cối” – ThS Nguyễn Thị Bình nói.
Đồng quan điểm, Thạc sĩ Tâm lý Nguyễn Thị Lanh cho rằng: Để khuyến khích trẻ phát triển tư duy phản biện, ngay từ trong gia đình, cha mẹ cần phải học hỏi, phải có tư duy phản biện, chấp nhận sự khác biệt của mỗi người bằng đối thoại, tranh luận lành mạnh. Điều này không chỉ để tháo gỡ, giúp con trẻ phát huy hết năng lực bản thân, mà còn là cách để mỗi người lớn… trưởng thành hơn.
Có những người mẹ hay ra rả “Mẹ đang làm điều tốt nhất cho con” nhưng ẩn ý câu này là “Con phải nghe lời mẹ”. Họ đã không cho con mình quyền lựa chọn.
Nhiều khi mẹ đưa ra cả trăm mệnh lệnh mỗi ngày cho con nên nếu con thường xuyên cư xử sai trái thì khả năng là do chúng đã bị mẹ áp đặt quá nhiều điều. Việc mẹ la hét, bắt con phải làm mọi thứ theo ý mình có thể gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng như khiến con bị ức chế tâm lý và phản kháng bằng cách không nghe lời và “cãi láo”.