Coi trọng nghiên cứu khoa học giáo dục
Ở các nước phát triển trên thế giới, người ta rất quan tâm đến nghiên cứu KHGD. Hầu như mọi quyết sách trong giáo dục đều dựa trên những thành tựu nghiên cứu của khoa học giáo dục.
Chính vì vậy, trong bối cảnh đổi mới giáo dục phổ thông hiện nay, GS.TS Đinh Xuân Khoa cho rằng, các cơ sở đào tạo giáo viên cần tập trung nghiên cứu các vấn đề như:
Phát triển chương trình đào tạo giáo viên, chương trình giáo dục phổ thông; Đổi mới phương pháp và hình thức tổ chức dạy học – giáo dục theo hướng phát huy tính tự giác, tích cực, sáng tạo của người học; Những thay đổi trong lao động sư phạm của người giáo viên trước xu thế đổi mới phương pháp dạy học và sử dụng phương tiện hiện đại trong dạy học; Xây dựng môi trường giáo dục, kết hợp giáo dục nhà trường, gia đình và xã hội…
“Tuy nhiên, để cho các công trình nghiên cứu khoa học giáo dục giải quyết hiệu quả những vấn đề lý luận và thực tiễn của đổi mới giáo dục phổ thông, cần có sự phối hợp giữa nhiều nhà khoa học từ các trường/khoa sư phạm.
Các trường/khoa sư phạm cũng có thể phối hợp chuyển giao công nghệ đào tạo, đánh giá kết quả học tập của sinh viên, nhất là những công nghệ sử dụng thành tựu trong lĩnh vực thông tin và truyền thông như e-learning, testonline…”- GS Đinh Xuân Khoa trao đổi
Cũng theo GS, với mục tiêu đến năm 2020, ít nhất có 45% giảng viên đại học sư phạm đạt trình độ tiến sĩ, đòi hỏi các trường/khoa sư phạm phải đẩy mạnh đào tạo tiến sĩ theo các Đề án hoặc liên kết với các trường đại học sư phạm được giao nhiệm vụ đào tạo tiến sĩ.
Đồng thời, các trường/khoa sư phạm còn phải phối hợp với nhau để hình thành đội ngũ chuyên gia về xây dựng và phát triển chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; tăng cường khả năng đáp ứng của giảng viên đối với sự đổi mới giáo dục phổ thông…
Xây dựng các mô hình phối hợp hiệu quả
“Để sự phối hợp giữa các cơ sở đào tạo giáo viên đạt kết quả mong muốn, cần xây dựng các mô hình phối hợp hiệu quả để vừa thực hiện được mục tiêu của sự phối hợp, vừa không làm mất đi tính chủ động sáng tạo của mỗi cơ sở đào tạo” - GS nhấn mạnh.
Hiện nay đã bắt đầu hình thành một số mô hình phối hợp giữa các cơ sở giáo dục đại học dưới các hình thức như: Hiệp hội, Câu lạc bộ… Riêng khối đại học đã hình thành nhóm 7 trường sư phạm bao gồm: Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, Đại học Sư phạm TP Hồ Chí Minh, Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Đại học Sư phạm Hà Nội 2, Đại học Vinh, Đại học Sư phạm Huế và Đại học Sư phạm Đã Nẵng.
Những trường này được xem là những trung tâm đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục lớn của cả nước. Sự phối hợp giữa các trường trong nhóm đã đem lại những kết quả bước đầu đáng khích lệ trong phát triển chương trình đào tạo; xây dựng mô hình đào tạo bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục giáo dục.
“Ngoài các mô hình trên, các cơ sở đào tạo giáo viên còn có thể liên kết song phương, đa phương với các cơ sở đào tạo giáo viên khác cùng điều kiện, hoàn cảnh hoặc có những thế mạnh riêng mà mình cần học hỏi, chia sẻ…”- GS trao đổi.