Covid-19 bị đẩy lùi vào tháng 12?

GD&TĐ - Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, Covid-19 có thể sẽ tấn công người theo mùa. Đặc biệt, khi đã có miễn dịch cộng đồng, Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh tương tự cảm lạnh.

Khi đã có miễn dịch cộng đồng, Covid-19 có thể trở thành căn bệnh tương tự cảm lạnh.
Khi đã có miễn dịch cộng đồng, Covid-19 có thể trở thành căn bệnh tương tự cảm lạnh.

Tuỳ theo đợt, virus hô hấp này sẽ “vùng lên”. Sắc thái đó sẽ biến SARS-CoV-2 thành virus người.

Không lo ngại khi F0 tăng

Mặc dù triển khai nhiều biện pháp phòng dịch và đẩy nhanh tiến độ tiêm chủng Covid-19, nhiều địa phương trên cả nước vẫn ghi nhận số ca nhiễm cao. Trong đó, khoảng 1/2 là F0 cộng đồng.

Nhiều địa phương đã tiếp tục siết chặt một số hoạt động trên địa bàn, xây dựng kịch bản để ứng phó với diễn biến dịch. Trong ngày 21/11, cả nước ghi nhận 9.882 ca F0 mới tại 57 địa phương, trong đó, 5.361 ca trong cộng đồng, chiếm tỷ lệ hơn 54%.

Trong khoảng một tháng nay, số ca dương tính với SARS-CoV-2 tại TP Hà Nội tiếp tục tăng nhanh với nhiều ổ dịch phức tạp. Hà Nội có độ bao phủ vắc-xin ở mức cao. Tuy nhiên, tỷ lệ tiêm chủng mũi 2 cho người trên 50 tuổi hiện ở mức 77,2% (yêu cầu tối thiểu là 80%).

Trong khi đó, Thành phố Hồ Chí Minh vẫn đang là “điểm nóng” nhất cả nước dù địa phương này đã chuyển sang chủ trương “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết của Chính phủ.

Do thành phố là đầu mối giao thương và lao động, mầm bệnh trong cộng đồng vẫn ở mức cao, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục ghi nhận số lượng F0 mới và tỷ lệ tử vong cao nhất cả nước. Đáng lo ngại, khoảng 2 tuần gần đây, số ca bệnh mới tại thành phố tăng trở lại, trung bình trên 1.000 ca/ngày.

Chia sẻ về tình hình Covid-19, bác sĩ Trương Hữu Khanh - chuyên gia dịch tễ, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm Thành phố Hồ Chí Minh - cho biết, người dân không nên quá căng thẳng khi số F0 tăng. Lý giải về điều này, chuyên gia cho biết, virus SARS-CoV-2 có cấu trúc đơn giản nên dễ đột biến. Đồng thời, là RNA virus nên dễ đột biến hơn virus DNA.

“Virus mới lây sang người từ động vật sẽ đột biến. Có thể nó thông minh, cố tình để thích ứng hay do quy luật sinh tồn, tăng cường nòi giống. Thích ứng hay quy luật thì vẫn là để ngày càng giống virus của loài người. Theo tôi biết, hiện nay, 98% trên thế giới là chủng Delta”, bác sĩ Khanh chia sẻ.

Cũng theo chuyên gia này, thông thường, người mắc chủng Delta có thể sẽ lây cho các thành viên trong gia đình. Tuy nhiên, không nên tách F0 ra khỏi nhà.

“Tách F0 ra khỏi cộng đồng không có nghĩa là tách F0 ra khỏi nhà. An toàn nhất vẫn là có miễn dịch cộng đồng. Miễn dịch cộng đồng là miễn dịch cộng đồng an toàn. Chích ngừa đủ và bệnh tự hết (không nặng) là miễn dịch cộng đồng an toàn”, chuyên gia khuyến cáo.

Covid-19 sắp đến “ngày tàn”?

Từ đầu đợt dịch thứ 4 tới nay, số ca nhiễm mới ghi nhận trong nước là 1.089.411. Trong đó, có 902.683 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Trong ngày 20/11, có 1.298.149 liều vắc-xin Covid-19 được tiêm. Như vậy, tổng số liều vắc-xin đã được tiêm là 107.861.131. Trong đó, tiêm 1 mũi là 66.706.890 liều, tiêm mũi 2 là 41.154.241 liều.

Cũng theo bác sĩ Khanh, nhiều con virus khi vào trong người rồi sẽ đi ra bằng cách tạo kháng thể, không tiếp tục lây lan. Bởi, bằng cách nhân lên, virus mới có thể tồn tại. Trong trường hợp có kháng thể do tiêm chủng hoặc từng bị Covid-19, nếu nhiễm chủng khác, F0 cũng sẽ bị nhẹ hơn. Chuyên gia này nhận định, hiện, các tỉnh miền Tây đi theo lối mòn của Thành phố Hồ Chí Minh, trì hoãn tiêm chủng Covid-19, đưa người bệnh lên tuyến trên...

“Nếu có điều kiện, nên tiêm mũi 3 cho người có nguy cơ. Những mũi cơ bản không bao giờ phòng ngừa được bệnh 100%”, chuyên gia khuyến cáo.

Dự đoán về tình hình Covid-19 trong tương lai, bác sĩ Khanh cho biết, có thể virus sẽ tồn tại, chuyển qua người lành mang trùng. Khi đó, virus sẽ tấn công người theo mùa. Đặc biệt, khi đã có miễn dịch cộng đồng, Covid-19 sẽ trở thành căn bệnh tương tự cảm lạnh. Tuỳ theo đợt, virus hô hấp này sẽ “vùng lên”. Sắc thái đó sẽ biến SARS-CoV-2 thành humancoronavirus (virus người).

“Nếu tiêm vắc-xin tốt, tháng 12 sẽ là thời điểm đẩy lùi Covid-19. Nếu không tiêm tốt sẽ trả giá bằng miễn dịch cộng đồng và tỷ lệ tử vong cao. Việc có thuốc kháng virus, kháng thể đơn dòng sẽ giảm tỷ lệ tử vong”, chuyên gia dự đoán.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ