Theo Aviation International News (AIN), mẫu thiết kế mang tên Airlift là một loại máy bay lai điện (hybrid-electric), được thiết kế để vận chuyển hàng hóa, sơ tán người bị thương và hoạt động trong môi trường thù địch với chi phí thấp hơn nhiều so với trực thăng hiện nay.
Máy bay “thông minh” thay thế trực thăng
Airlift hướng đến sự đơn giản, an toàn và giá thành rẻ hơn so với trực thăng hoặc máy bay không người lái cỡ lớn. Mục tiêu phát triển là phục vụ các quốc gia như Ukraine, Hy Lạp, Ba Lan và Litva – nơi quân đội đang tìm kiếm các nền tảng vừa hiệu quả, vừa dễ bảo vệ.
Airvolve dự kiến sẽ chế tạo nguyên mẫu kích thước thật ngay trong năm nay để trình diễn cho các đối tác quốc phòng châu Âu.
Giám đốc điều hành Airvolve, ông Donatas Gendvilas, chia sẻ với AIN rằng các tình huống chiến đấu và thiên tai gần đây đã chỉ ra sự cần thiết của những loại máy bay mới.
Ông dẫn chứng: việc sơ tán binh sĩ Ukraine khỏi Mariupol và các vụ cháy rừng quanh Địa Trung Hải đã cho thấy trực thăng vừa dễ bị tổn thương vừa tốn kém.
“Một số đối tác của chúng tôi giờ đây cho rằng trực thăng đã trở thành dĩ vãng,” ông Gendvilas nói. Ông nhấn mạnh rằng những tên lửa vác vai rẻ tiền cũng có thể bắn hạ nhiều loại trực thăng.

Rẻ gấp 10 lần
Airvolve đặt mục tiêu tạo ra một nền tảng bay có chi phí vận hành rẻ gấp 10 lần máy bay cánh quay hiện nay. Mẫu Airlift có thể chở tối đa 200 kg hàng hóa với thể tích trong khoang đạt 5 mét khối và tầm bay khoảng 100 km.
Máy bay này sẽ hỗ trợ hậu cần, sơ tán và các hoạt động chiến thuật khác mà không cần cơ sở hạ tầng đặc biệt, hệ thống sạc riêng hay huấn luyện phi công phức tạp.
Một cải tiến đáng chú ý nằm ở thiết kế cánh quạt. Thay vì trục thẳng đứng như trực thăng, Airlift sử dụng 2 cánh quạt trục ngang – được ông Gendvilas mô tả như “cánh trực thăng gập lại như ô dù lớn”.
Cấu hình này từng được Boeing thử nghiệm vào thập niên 1930 nhưng bị bỏ dở do hạn chế về vật liệu. Nay, Airvolve tin rằng công nghệ vật liệu hiện đại có thể hiện thực hóa ý tưởng này.
Hệ thống động lực của máy bay sẽ là loại lai điện, trong đó các động cơ điện quay cánh quạt và lấy năng lượng chủ yếu từ một động cơ máy bay truyền thống cỡ nhỏ. Máy bay không dùng pin nặng – chỉ có các pin nhỏ làm nguồn dự phòng.
Nhóm kỹ sư đang cân nhắc sử dụng động cơ máy bay hạng nhẹ đạt công suất 100 kW, vì phần lớn động cơ tuabin hiện tại quá lớn và đắt đỏ.
Có thể bay tự động hoặc có người lái
Hiện nhóm phát triển gồm 8 thành viên. Dự án đã nhận được khoảng 2 triệu euro từ quỹ nghiên cứu của EU, đủ để chế tạo hai mô hình thu nhỏ và đạt cấp độ sẵn sàng công nghệ 5 (Technology Readiness Level 5).
Đến năm 2025, công ty tiếp tục gọi vốn thành công thêm 825.000 euro. Một vòng gọi vốn lớn hơn dự kiến diễn ra vào đầu năm 2026.
Airlift sẽ có khả năng bay tự động hoàn toàn hoặc có người điều khiển thực hiện các thao tác cơ bản. Điều này mang lại tính linh hoạt cao cho cả thời bình lẫn thời chiến.
Ông Gendvilas cho biết, vận chuyển hàng hóa sẽ là ưu tiên hàng đầu, do đây là nhu cầu phổ biến trong quân đội các nước. Mẫu máy bay này cũng sẽ được thiết kế để tương thích với các hệ thống tiêu chuẩn NATO, dễ dàng tích hợp vào các hoạt động hiện tại.
Trong tương lai, các biến thể khác có thể hỗ trợ nhiệm vụ như vận chuyển từ tàu vào bờ, tùy theo nhu cầu của đối tác.