Tên lửa phòng không tầm ngắn FIM-92 Stinger, đưa vào biên chế từ năm 1981, vốn nổi tiếng nhờ tính linh hoạt và hiệu quả chiến đấu trong nhiều thập niên qua.
Dù đạt tốc độ tới Mach 2, tầm bắn của loại tên lửa vác vai này gần như không thay đổi do giới hạn của động cơ nhiên liệu rắn truyền thống.
Trước mối đe dọa ngày càng lớn từ các hệ thống máy bay không người lái (UAS) tích hợp khả năng trinh sát, giám sát và thu thập thông tin tình báo (ISR), Lục quân Mỹ đã khởi động một chương trình phát triển động cơ tên lửa thế hệ mới mang mật danh Red Wasp.
Dự án do Bộ Tư lệnh Phát triển Khả năng Tác chiến (DEVCOM AvMC) thực hiện, tập trung ứng dụng công nghệ động cơ ramjet nhiên liệu rắn tiên tiến (Solid Fuel Ramjet – SFRJ) vào thiết kế tên lửa Stinger hiện có.
“Ban đầu, nhiều chuyên gia hoài nghi liệu ramjet nhiên liệu rắn có thể tích hợp vào kích thước nhỏ gọn của tên lửa Stinger hay không,” trưởng nhóm Năng lực Phòng không - Tên lửa tại DEVCOM AvMC John Gibbs, chia sẻ.
Ông cho biết nhóm kỹ sư đã coi đây là thách thức và chỉ sau 18 tháng chuyến bay thử nghiệm đã thành công.
Hệ thống đẩy kiểu rocket-ramjet tích hợp là chìa khóa giúp Red Wasp nâng cao hiệu suất. Sau khi được phóng bằng động cơ nhiên liệu rắn tiêu chuẩn, tên lửa đạt đến tốc độ siêu thanh.
Lúc này, không khí bên ngoài được hút vào buồng đốt để trộn với nhiên liệu mang theo, giúp tên lửa tiếp tục bay ở tốc độ cao mà không cần chất oxy hóa bên trong – tăng cả tầm bắn lẫn hiệu quả hoạt động.
Ông Chappell Ray, Phó trưởng nhóm Năng lực, cho biết: “Toàn bộ chương trình hiện vẫn do chính phủ thực hiện 100%. Điều này cho phép chúng tôi linh hoạt điều chỉnh nhanh chóng và nâng cao mức độ sẵn sàng công nghệ mà không bị chậm trễ.”
Sau cuộc thử nghiệm thành công năm 2024 tại thao trường Dugway, đội ngũ kỹ sư đang chuẩn bị cho đợt bay kế tiếp vào tháng 7.
“Chúng tôi đang thử nghiệm 6 cấu hình động cơ khác nhau” - ông Brian McDonald, điều tra viên chính của dự án Red Wasp cho biết - “Mỗi cấu hình sử dụng công thức nhiên liệu và vật liệu cách nhiệt riêng, để tối ưu hóa hiệu suất.”
Giai đoạn hiện tại tập trung vào hệ thống đẩy, nhưng mục tiêu lâu dài là tích hợp đầy đủ thành một tên lửa đánh chặn phòng không và hợp tác với các đối tác công nghiệp. “Chúng tôi đang xây dựng nền tảng đẩy có thể tích hợp vào các khái niệm tên lửa trong tương lai,” ông Ray nói thêm.
Về chiến lược, Red Wasp là yếu tố then chốt giúp chống lại các UAV trang bị khả năng ISR ngày càng tinh vi. Theo ông Gibbs: “Nếu có thể loại bỏ ‘đôi mắt’ của đối phương từ xa, chúng tôi sẽ tăng đáng kể khả năng sống sót cho lực lượng.”
Sau khi chuyển giao công nghệ thành công, Red Wasp có thể là nguyên mẫu cho các hệ thống tầm xa hơn trong chương trình hiện đại hóa của Lục quân Mỹ – kết hợp giữa tốc độ, tính linh hoạt và hiệu quả chi phí, nhưng luôn giữ một mục tiêu: giành ưu thế tuyệt đối trên chiến trường tương lai.