Công nghệ blockchain vào giáo dục

Công nghệ blockchain vào giáo dục

Theo đó, mỗi tân cử nhân, ngoài bằng tốt nghiệp theo quy định còn được nhận một phiên bản xác thực trực tuyến, có địa chỉ mạng thường trực, vĩnh viễn kèm theo một mã QR để thuận tiện sử dụng trong các hồ sơ giao tiếp trực tuyến của mình. Trước đó, Trường Đại học Hoa Sen đã tham gia chương trình do Tổ chức Đại học Pháp ngữ (AUF) hỗ trợ, giai đoạn đầu thí điểm cấp bằng với các chứng chỉ đào tạo nghề.

Ra mắt năm 2008, công nghệ blockchain sớm tạo dấu ấn trên toàn cầu nhờ sự phổ biến của đồng tiền mã hóa Bitcoin. Với công nghệ này, các khối thông tin trong mạng lưới được mã hóa, gán nhãn thời gian và xâu chuỗi chặt chẽ với nhau, giúp dữ liệu một khi được chấp nhận không còn khả năng thay đổi, giả mạo. Việc tìm kiếm, truy xuất thông tin cũng thuận tiện, dễ dàng hơn. Do vậy, chuỗi khối có thể được xem như một công cụ lưu trữ thông tin hiệu quả, minh bạch và được ứng dụng rộng rãi ở nhiều lĩnh vực, trong đó có giáo dục và đào tạo.

Tiếp cận công nghệ blockchain, nhiều trường đại học trên thế giới đã ứng dụng chuỗi khối để theo dõi và lưu trữ bảng điểm, bằng cấp của sinh viên như dự án "Blockcerts" của Phòng Nghiên cứu truyền thông MIT thuộc Viện Công nghệ Massachusetts, Hoa Kỳ; Trường Đại học Nicosia của Cộng hòa Síp, cơ sở đào tạo toàn cầu của Sony (Sony Global Education)... 

Không chỉ quản lý đào tạo an toàn, hiệu quả, công nghệ blockchain còn giúp thực hiện những "hợp đồng thông minh" như giám sát hiệu suất học tập hay quá trình học tập của học sinh, sinh viên, theo dõi quá trình giảng dạy của giáo viên; là cầu nối hữu hiệu giữa ứng viên và người tuyển dụng. Với blockchain, người học không phải mất nhiều thời gian cho khâu chứng minh quá trình học tập, nhà tuyển dụng cũng không tốn thời gian, công sức để kiểm tra các văn bằng, chứng nhận của ứng viên. Đặc biệt, tình trạng bằng gian, bằng giả, sửa điểm, gian lận trong thi cử… khó có đất sống với công nghệ này.

Tiềm năng của blockchain đối với ngành Giáo dục đã được chứng minh nhưng tại Việt Nam không mấy trường thử nghiệm ứng dụng. Hiện đa số thông tin về đối tượng đào tạo trong lĩnh vực giáo dục như bảng điểm và thông tin cá nhân của học sinh, sinh viên thường được lưu trữ dưới dạng bản giấy hoặc tại các hệ thống cơ sở dữ liệu tập trung, thiết lập tại chỗ. Các hình thức này có nhược điểm là khó bảo đảm an toàn, nội dung chính xác trong thời gian dài. Bản giấy có thể bị phá hủy, thất lạc do thiên tai như lụt lội hoặc hỏa hoạn. Các máy chủ cơ sở dữ liệu có thể là đích ngắm của tin tặc nhằm lấy cắp thông tin, phá hủy dữ liệu. Lí do khiến blockchain còn chưa tiếp cận nhiều trong giáo dục chủ yếu do công nghệ này vẫn là lĩnh vực mới mẻ, có những khái niệm, cách hiểu khác nhau. Blockchain cũng đòi hòi nguồn nhân lực, kinh phí đầu tư. Đặc biệt, cho đến nay hành lang pháp lý về công nghệ blockchain tại Việt Nam vẫn chưa hoàn thiện.

Dù còn nhiều rào cản nhưng phát triển blockchain trong giáo dục nhất định sẽ giống câu chuyện về Internet 20 - 30 năm về trước. Đòi hỏi "phổ cập" blockchain trong giáo dục vào thời điểm này là chuyện ngoài tầm với, nhưng rất cần những đơn vị mạnh dạn dẫn đầu, áp dụng như Trường ĐH Hoa Sen, để có thể đem đến những điều kỳ diệu cho giáo dục.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ