Trong khi cuộc đối đầu trên chiến trường giữa Nga và Ukraine đang ngày càng khốc liệt, ngày 28/9 Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov bất ngờ tuyên bố Moscow sẵn sàng đối thoại với Kiev.
Động thái của người đứng đầu ngành ngoại giao Nga như một tín hiệu tích cực, có thể hé mở cánh cửa cho một cuộc đàm phán hòa bình giữa hai nước. Tuy nhiên, điều này mới chỉ dừng ở việc phát tín hiệu của Moscow mà chưa thể dễ dàng dẫn đến bất cứ bước đột phá nào trong việc giải quyết cuộc xung đột nghiêm trọng nhất trên thế giới hiện nay.
Ông Lavrov cũng nhắc lại quan điểm của Nga là sẵn sàng đạt các thỏa thuận hòa bình với điều kiện “tình hình hiện tại trên thực địa được tính đến”. Quan điểm này được hiểu là các vùng đất do Nga kiểm soát ở Ukraine và các lợi ích an ninh mà Moscow mong muốn phải được Ukraine tôn trọng.
Lập trường này lập tức tạo ra một bức tường trong việc mở ra khả năng đàm phán hòa bình, vì Ukraine hiện vẫn muốn giành lại các vùng đất mà Nga kiểm soát bằng mọi giá và chưa dỡ bỏ lệnh cấm đàm phán với Nga. Ngoại trưởng Nga cũng tuyên bố việc Kiev càng trì hoãn đàm phán với Moscow thì việc đạt được thỏa thuận để ngừng bắn sẽ ngày càng khó khăn hơn.
Chính vì vậy, khi được hỏi về thời gian đàm phán cụ thể thì ông Lavrov cho rằng rất khó có khả năng diễn ra vào mùa Thu năm nay. Đây cũng là điều được dự đoán trước dựa trên những gì đang diễn ra trên chiến trường đối đầu giữa Nga và Ukraine. Thậm chí ông Lavrov còn cho rằng nếu có việc phương Tây thúc đẩy Ukraine đình chiến cũng là để có thêm thời gian chuyển vũ khí cho Kiev chứ không thực sự muốn chiến tranh kết thúc.
Trong khi khả năng đàm phán còn khá mờ mịt thì thế giới lại tiếp tục hứng chịu những tác động tiêu cực từ cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine như gần 2 năm qua. Giới chức nông nghiệp Nga ngày 28/9 tiết lộ rằng nước này đang cắt giảm đáng kể hoạt động xuất khẩu nông sản sang các nước được cho là “không thân thiện” với Moscow.
Cụ thể, Bộ trưởng Nông nghiệp Nga Dmitry Patrushev cho biết Nga đã giảm 2,6 tỷ USD xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của mình tới các nước phương Tây vào năm 2022. Thay vào đó, Nga đang tập trung vào các thị trường nông nghiệp truyền thống của mình và tìm kiếm các thị trường mới nằm ngoài các nước ủng hộ Ukraine.
Với tư cách là một trong những nhà xuất khẩu hàng đầu thế giới về nông sản, phân bón và khí đốt, các chính sách thương mại của Nga dựa trên căng thẳng địa chính trị đang ảnh hưởng tiêu cực tới nguồn cung toàn cầu. Khó khăn này được dự báo sẽ còn kéo dài khi cuộc xung đột Nga và Ukraine ngày càng khốc liệt hơn.
Bộ Quốc phòng Nga ngày 26/9 tuyên bố, chỉ trong tháng 9/2023 phía Ukraine đã mất hơn 17.000 binh sỹ trong chiến dịch phản công cùng 2.700 thiết bị quân sự, bao gồm các thiết bị chiến đấu hiện đại do phương Tây viện trợ. Theo nguồn tin này, tổng cộng kể từ khi tổ chức phản công, phía Ukraine đã tổn thất 83.000 binh sỹ và 10.300 thiết bị hạng nặng.
Con số tổn thất khủng khiếp nói trên chưa có cách nào kiểm chứng độc lập, trong khi Ukraine cũng chưa công bố thiệt hại quân sự của mình trong cuộc phản công. Tuy nhiên, những con số này cũng phản ánh phần nào mức độ khốc liệt của cuộc xung đột hiện nay. Điều này càng cho thấy cánh cửa cho đàm phán hòa bình vẫn còn xa vời, bất chấp việc Nga đã phát đi những tín hiệu.