Chính sách mới này tạo điều kiện thuận lợi cho nhiều trường tổ chức bữa ăn bán trú, nhưng cũng không ít đơn vị phải “cân đong đo đếm” để đảm bảo an toàn, dinh dưỡng cho trò.
Ngưng bữa ăn xế
Năm học 2023 – 2024, năm đầu tiên TPHCM triển khai Nghị quyết 04/2023/NQ-HĐND của HĐND TP về quy định các khoản thu, mức thu, cơ chế quản lý thu chi đối với các dịch vụ phục vụ, hỗ trợ hoạt động giáo dục tại cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn. Trong đó, tiền ăn bán trú được quy định cụ thể theo nhóm trường học ở khu vực.
Theo Nghị quyết 04, đối với các trường thuộc nhóm 1 (Quận 1, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 10, 11, 12, Bình Thạnh, Tân Phú, Gò Vấp, Tân Bình, Bình Tân và TP Thủ Đức) không quá 35 nghìn đồng/suất ăn trưa bán trú. Các trường thuộc nhóm 2 (huyện Nhà Bè, Cần Giờ, Bình Chánh, Hóc Môn, Củ Chi) tiền ăn trưa tối đa 32 nghìn đồng/suất. Tiền ăn sáng của trẻ mầm non và tiểu học tối đa 20 nghìn đồng/suất. Với quy định mới này, nhiều trường quận trung tâm “đau đầu” tính toán.
Trước đây, Quận 1 quy định mức thu 40 nghìn đồng/ngày/học sinh, nhưng năm học này theo Nghị quyết 04 giảm xuống còn 35 nghìn đồng. Do đó, các trường phải điều chỉnh thực đơn nhưng không ảnh hưởng đến nhu cầu dinh dưỡng của trẻ.
Cô Lê Thị Quy Thục - Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nguyễn Du (Quận 1) cho biết, nhiều năm nay trường thu 40 nghìn đồng/suất ăn và nhận được sự đồng tình của phụ huynh. Học sinh ngoài ăn bữa chính, còn có bữa xế. Tuy nhiên năm học này, với mức tối đa 35 nghìn đồng/suất rất khó để tổ chức bữa ăn bán trú. Với mức thu trên trường đã ngưng bữa xế để tập trung vào bữa chính.
“Thông qua Ban đại diện cha mẹ học sinh, một số phụ huynh bày tỏ mong muốn tăng tiền ăn bữa trưa lên 40 nghìn để con có bữa ăn xế. Tuy nhiên, nhà trường phải thực hiện theo quy định. Khi không còn bữa xế, trẻ có thể mang sữa để dùng hoặc ăn nhẹ ở căng tin”, cô Thục chia sẻ.
Tương tự, tại Trường THCS Huỳnh Khương Ninh (Quận 1), thầy Hiệu trưởng Cao Đức Khoa cho hay, tiền ăn với mức tối đa như trên khó để tổ chức bữa ăn bán trú, trường đã ngưng bữa ăn xế. Bữa ăn trưa có ba món mặn để các em chọn lựa ngoài cơm, canh và rau.
Nhân viên Trường THCS Nguyễn Du chuẩn bị bữa trưa cho học sinh. |
Nỗ lực đảm bảo chất lượng
Trong bữa ăn bán trú không có bữa ăn xế, tuy nhiên nhà quản lý cho rằng, trẻ cần được ăn bữa này để đảm bảo sức khỏe tiếp tục học vào buổi chiều. Dù một số trường quận trung tâm phải cắt bữa xế vì không đủ kinh phí, song nhiều cơ sở ở các quận, huyện khác vẫn “cân đo đong đếm” trong khoản thu bữa ăn bán trú để đảm bảo dinh dưỡng cho học sinh.
Theo cô Đỗ Thị Mai - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Thị Minh Khai (quận Gò Vấp), mức thu tiền ăn theo Nghị quyết 04 tạo điều kiện thuận lợi cho nhà trường trong việc tổ chức bữa ăn bán trú. Năm ngoái, mỗi suất ăn trường thu 30 nghìn đồng, năm nay theo quy định mới tăng thêm 4 nghìn đồng/suất. Học sinh được ăn bữa trưa với ba món canh, rau và món mặn kèm tráng miệng. Bên cạnh đó, các em còn có bữa ăn xế với một trong những món như: Bánh ngọt, bánh mặn, sữa, sữa chua, cá và bò viên chiên…
“Với 34 nghìn đồng/suất, trường sẽ cân đối làm sao để khẩu phần ăn đảm bảo chất dinh dưỡng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Thực tế, chi phí như trên là bài toán khó cho các trường khi suất ăn trong thời điểm “bão giá”, nhất là với trường ở địa bàn trung tâm. Tuy nhiên, dù khó nhà trường vẫn cố gắng cân đối”, cô Mai chia sẻ.
Tại Trường Mầm non Phú Mỹ (Quận 7), năm học trước nhà trường thu 35 nghìn đồng/trẻ, gồm bữa trưa và xế. Đây cũng là mức thu tối đa về suất ăn trưa bán trú trong trường học ở khu vực 1 theo Nghị quyết 04 của HĐND TPHCM mới công bố. Do đó, năm học này, trường giữ nguyên mức thu trên.
“Để cân đối 35 nghìn đồng cả bữa trưa và xế cho trẻ nhỏ mà vẫn đủ dưỡng chất, nhà trường xây dựng thực đơn theo phần mềm tính toán dinh dưỡng. Trong bối cảnh giá cả ngày càng tăng, đời sống người dân khó khăn, với mức thu trên, trường phải cố gắng, đong đếm làm sao để trẻ ăn no và đảm bảo dinh dưỡng”, cô Hiệu trưởng Phạm Bảo Hạnh thông tin.
“Quy định tiền ăn theo một mức chung cho các cấp học trong khi sự phát triển thể lực, sức khỏe, nhu cầu lứa tuổi của các em khác nhau là điều bất cập. Tôi nghĩ, nghị quyết nên xây dựng mức thu cho từng loại hình, bậc học sẽ phù hợp hơn.
Mặt khác, mức sống của người dân Quận 1 và quận lân cận cao hơn so với quận, huyện khác trong TP. Việc quy định mức thu cứng như vậy gây khó cho trường. Tôi mong mức thu trên được điều chỉnh trong khoảng 35 - 40 nghìn đồng/suất, hiệu trưởng và phụ huynh cùng thống nhất phương án”, thầy Khoa bày tỏ.