Cô giáo mầm non giải phóng sức lao động nhờ công nghệ

GD&TĐ - Chịu khó tìm tòi, ứng dụng CNTT giúp bài giảng của cô Lê Thị Loan luôn hấp dẫn, đồng thời tiết kiệm được rất nhiều thời gian làm đồ dùng dạy học.

Cô Lê Thị Loan trong tiết học ứng dụng CNTT.
Cô Lê Thị Loan trong tiết học ứng dụng CNTT.

Không còn phải tận dụng mọi lúc làm đồ dùng dạy học

Cô Lê Thị Loan, Trường mầm non Thụy Tân (Thái Thụy, Thái Bình) là một trong những giáo viên tiêu biểu được Bộ GD&ĐT vinh danh nhân dịp 40 năm kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam vừa qua. Cô cũng là đại diện cấp học mầm non duy nhất trong đoàn nhà giáo của tỉnh Thái Bình dự các hoạt động tri ân dịp này.

Trong bảng thành tích dày dặn nhiều năm công tác, cô Lê Thị Loan cho biết một trong những nỗ lực khiến mình tự hào chính là “chinh phục” công nghệ để phục vụ dạy học.

Một dấu mốc cô bén duyên với công nghệ thông tin là năm học 2008 - 2009, khi Bộ GD&ĐT phát động phong trào “Năm ứng dụng CNTT” cho tất các các cấp học, bao gồm cả mầm non.

Dù công việc trên lớp vất vả, chiếm hầu hết thời gian trong ngày, nhưng ngay từ thời điểm đó cô Loan đã quyết theo các lớp tin học, học hỏi đồng nghiệp, tự tìm tòi để nâng cao kiến thức tin học và soạn giảng. Các trang web hỗ trợ giáo viên mầm non thiết kế bài giảng điện tử, hàng loạt phần mềm giáo dục như Violet, Flash, Photoshop, Active Primary… đã được cô tiếp cận, tìm hiểu, áp dụng vào bài dạy từ thời điểm đó.

“Công nghệ thông tin mở ra một chân trời mới, giúp tôi có cơ hội được tiếp cận, làm quen với những phương pháp, cách thức giảng dạy thú vị. Tôi dễ dàng tiếp cận, tìm tòi các nguồn tư liệu đa dạng, phong phú để xây dựng bài giảng hấp dẫn, phù hợp với tâm lý trẻ. Ứng dụng công nghệ giúp tôi có thể tạo ra môi trường dạy học tương tác cao, sống động, hứng thú. Hiệu quả học tập theo đó cũng tăng lên”, cô Lê Thị Loan chia sẻ.

Công nghệ cũng là bí kíp giúp cô Loan giải phóng sức lao động. Cô nhớ lại khoảng thời gian tranh thủ mọi lúc - buổi trưa, tối, ngày nghỉ - để cặm cụi tự làm đồ dùng dạy học. Nhiều lúc vào đợt cao điểm phải nhờ đến cả chồng và con cùng giúp.

Nhưng nhờ ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ cần thao tác trên máy tính là giáo viên sẽ có bài giảng sinh động, hấp dẫn. Tài nguyên internet giúp trẻ có thể làm quen với những hiện tượng tự nhiên, xã hội mà các em khó có thể tự bắt gặp trong thực tế. Công việc giáo viên mầm non nhờ vậy hiệu quả tốt hơn, nhưng đồng thời giảm đi rất nhiều vất vả, áp lực.

Thời điểm dịch bệnh diễn biến phức tạp, trẻ nghỉ học ở nhà, cô Loan đã cùng đồng nghiệp xây dựng kho học liệu mở với nhiều video hướng dẫn phụ huynh chăm sóc, giáo dục trẻ tại nhà, được phụ huynh và đồng nghiệp đánh giá cao.

Chịu khó tìm tòi, sáng tạo, những bài giảng sinh động ứng dụng CNTT nhuần nhuyễn giúp cô Loan đạt giải cao trong các tiết dạy, cuộc thi giáo viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh.

Cô có 10 năm đạt giáo viên giỏi cấp huyện, 8 năm là giáo viên giỏi cấp tỉnh, 8 năm đạt chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, từng được Bộ trưởng Bộ GD&ĐT và Chủ tịch UBND tỉnh tặng Bằng khen, cùng nhiều hình thức khen thưởng khác.

Cô Lê Thị Loan và học trò trong giờ hoạt động ngoài trời.

Cô Lê Thị Loan và học trò trong giờ hoạt động ngoài trời.

Quan trọng nhất là say nghề

Với tính chất công việc vất vả như giáo viên mầm non, chỉ có tình yêu với công việc, với học trò mới có thể giúp thầy cô nỗ lực để thường xuyên phát triển năng lực nghề nghiệp. Trong bối cảnh mới, kỹ năng ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy học là yêu cầu không thể thiếu.

Cô Lê Thị Loan cho rằng, cùng với kiến thức chuyên môn, hiểu tâm lý trẻ, có nền tảng công nghệ giúp giáo viên tự tin hơn rất nhiều trong giảng dạy. Điều này giúp người dạy xây dựng nội dung bài giảng phù hợp với lứa tuổi và truyền đạt những kiến thức cần thiết cho trẻ một cách chính xác nhất.

Một trong những bài học kinh nghiệm được cô Loan chia sẻ là hãy thường xuyên xây dựng, tự thiết kế những bài giảng điện tử. Quá trình này, giáo viên có thể tự mình tích luỹ được những kinh nghiệm quý. Nên lựa chọn các phần mềm hỗ trợ giảng dạy với giao diện dễ dùng, thiết kế đơn giản và đầy đủ tiện ích như Powerpoint, UPM, Active Primary, Camtasia 9, converter Power Point to video… Các phần mềm này đều có thể tích hợp, lồng ghép vào nội dung bài giảng nhiều tiện ích như hình ảnh, video, âm nhạc, .. .

Ngoài ra, có thể sử dụng các phần mềm: Ispring Suite 9, violet, scratch, lập trình scratch, camtasia, photoshop... để thiết kế hoạt động giáo dục dưới dạng trò chơi tương tác để có được hình ảnh sống động, âm thanh thực vui vẻ, thu hút trẻ tham gia học một cách tích cực.

Tuy nhiên, công nghệ không thể thay thế mọi thứ. Trẻ vẫn không thể thiếu các hoạt động trải nghiệm thực tiễn.

“Tôi luôn tích cực cùng đồng nghiệp tổ chức các buổi ngoại khóa theo từng chủ đề cho trẻ được trải nghiệm như: Thăm cánh đồng lúa, vườn hoa, trải nghiệm hoạt động các ngày hội, ngày lễ.

Đồng thời, tăng cường xây dựng các hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho trẻ, đưa vào kế hoạch giáo dục phù hợp với từng chủ đề, từng thời điểm, mỗi chủ đề có ít nhất 1-2 hoạt động. Tích cực xây dựng môi trường giáo dục trong và ngoài lớp, theo phương pháp giáo dục STEAM. Làm đồ dùng, đồ chơi bằng các nguyên vật liệu sẵn có của địa phương, phù hợp từng chủ đề, để trẻ được sử dụng một cách khoa học”, cô Lê Thị Loan chia sẻ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Bom lượn FAB-3000 của Nga.

Chật vật đối phó bom lượn

GD&TĐ - Bom lượn Nga đang là ám ảnh với hệ thống phòng thủ Ukraine dù lực lượng này đang được trang bị những vũ khí đánh chặn tối tân của phương Tây.

kho sim vip tại kho sim giá rẻ Blue Screen CloudGO Cách làm cv nhanh chóng sửa máy in Máy ảnh Fujifilm X-M5 Đồ bảo hộ điện lực chính hãng khóa vân tay yale vinlockDịch vụ hosting giá rẻdịch vụ in catalogue in decal giấy Tư vấn mua Máy quét 3D cao cấp iphone 15