Cô giáo 'lái đò… ra biển'

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - Giáo dục tại huyện đảo Cát Hải (Hải Phòng) còn nhiều khó khăn, thiếu thốn.

Cô Linh trong giờ dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.
Cô Linh trong giờ dạy tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi.

Nhưng nơi đó vẫn có những thầy cô hàng đêm thức trắng bên trang giáo án, miệt mài với phấn trắng bảng đen để “gieo chữ trên ngọn con sóng”.

11 năm chèo đò qua sông

Tại Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, đồng nghiệp và học sinh luôn dành tình cảm yêu mến, sự tôn trọng và ngưỡng mộ đối với cô Hoàng Thùy Linh, người luôn hết lòng vì công việc, đi đầu trong các hoạt động phong trào của nhà trường. 11 năm gắn bó với nghề, cô Linh không ngừng nỗ lực trau dồi chuyên môn, nghiệp vụ và tích cực, năng nổ trong mọi hoạt động.

Với tình yêu nghề, cô Linh luôn quan tâm đổi mới phương pháp giảng dạy nhằm đem lại hiệu quả cao nhất trong mỗi giờ học, có nhiều đề xuất sáng tạo để góp ý với Ban giám hiệu cũng như có các cải tiến, sáng kiến, tích cực tham gia hội thi giáo viên giỏi các cấp, thi sáng kiến cấp huyện.

Là giáo viên tiểu học, đối tượng học sinh là các em còn nhỏ tuổi, cô Linh chú trọng nghiên cứu, tìm hiểu về tâm lý lứa tuổi, tính cách của học sinh để đưa ra phương pháp dạy học phù hợp, hiệu quả. Do được phân công giảng dạy ở lớp 4, khối học có kiến thức khó, cô thường xuyên trao đổi, học hỏi ở đồng nghiệp, nhất là những đồng nghiệp đi trước để tìm ra phương pháp dạy học hiệu quả.

Năm học 2020 - 2021, cô đề xuất và áp dụng sáng kiến: “Giải pháp giúp học sinh lớp 4A3 - Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi nâng cao kỹ năng rút gọn phân số”, được lãnh đạo ngành và đồng nghiệp đánh giá cao và được công nhận đạt sáng kiến cấp huyện. 5 năm học vừa qua, cô liên tục được công nhận là giáo viên tiểu học dạy giỏi cấp huyện và cấp thành phố. Đặc biệt, đợt thi giáo viên giỏi cấp thành phố năm 2022 cô đứng thứ nhất trên tổng 715 giáo viên dạy giỏi. Cô Linh cũng được vinh danh là Nhà giáo tâm huyết sáng tạo cấp thành phố năm 2022.

Không chỉ làm tốt nhiệm vụ của người giáo viên, cô Hoàng Thùy Linh còn được Chi bộ nhà trường và Đoàn cấp trên tín nhiệm giao nhiệm vụ là Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi từ năm 2015 đến nay. Với vai trò là “Người thủ lĩnh đoàn thanh niên” trong nhà trường, cô Linh luôn năng nổ, gương mẫu, đi đầu trong mọi hoạt động Đoàn, tổ chức nhiều phong trào tình nguyện tại nhà trường cũng như tham gia tích cực các hoạt động do Đoàn cấp trên phát động.

Chi đoàn thanh niên Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi cũng luôn làm tốt công tác chăm sóc, giáo dục thiếu niên nhi đồng trong nhà trường như tổ chức tuyên truyền cho thiếu nhi tìm hiểu về trật tự ATGT, phòng chống bạo lực học đường, tai nạn đuối nước; tổ chức Tết Trung thu cho học sinh.

Ở bất kỳ nhiệm vụ nào được giao, cô Linh đều hoàn thành xuất sắc, mang về nhiều giải thưởng cao cho nhà trường và tổ chức. Ngoài ra, cô cũng tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, tình nguyện chung sức cùng cộng đồng, như: Tham gia hiến máu tình nguyện, tham gia tổ công tác phòng chống Covid-19 của tổ dân phố nơi cư trú, tham gia giải cứu nông sản của tổ chức đoàn thanh niên và các buổi ra quân bảo vệ môi trường do UBND huyện và thị trấn Cát Bà phát động.

Cô Linh cùng học trò.

Cô Linh cùng học trò.

Nguyện gắn bó với nghề

Nói về lý do chọn nghề giáo, cô Linh chia sẻ: “Xã hội, dù ở thời nào cũng vậy, nghề giáo luôn được tôn vinh vì đó là nghề có vai trò rất quan trọng, giáo dục và đào tạo nên những lớp người tri thức, đạo đức và kỹ năng nghề nghiệp. Tôi đến với nghề giáo trước hết vì tôi rất đam mê, yêu thích nghề dạy học. Đồng thời, tôi cũng rất ngưỡng mộ những thầy, cô giáo đã từng dạy mình. Ngay từ nhỏ, tôi đã mơ ước một ngày nào đó được giống như họ, được yêu thương, dìu dắt học trò đến bến bờ thành công”.

Cô Linh sinh ra và lớn lên trên đảo Cát Bà và cũng chính tại ngôi trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, cô đã được tiếp xúc những bài học, học chữ cái và phép tính đầu tiên. Yêu quê hương, yêu ngôi trường này nên sau khi tốt nghiệp đại học, cô đã quyết tâm xin về quê nhà công tác với mong muốn góp công sức nhỏ bé để phát triển ngành Giáo dục huyện đảo.

Dù là trường trung tâm huyện đảo, nhưng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi còn rất nhiều học sinh khó khăn. Cô Linh chia sẻ, học sinh ở đây chưa có nhiều điều kiện được giao lưu học hỏi như các bạn trong thành phố nên khả năng giao tiếp cũng như điều kiện học hành còn hạn chế. Vì vậy, ngoài việc giảng dạy cô tham mưu với ban giám hiệu của nhà trường tổ chức các hoạt động ngoài giờ lên lớp cho các em hy vọng giảm bớt thiệt thòi cho học trò.

Để bắt nhịp Chương trình GDPT 2018, đồng thời khắc phục những khó khăn trong giảng dạy, cô luôn cố gắng nghiên cứu kĩ mục tiêu, nội dung, chương trình lớp học; chủ động tìm tòi, tham khảo kiến thức của đồng nghiệp và sách, báo để trau dồi thêm kiến thức. Đặc biệt, cô tận dụng những thứ sẵn có để phục vụ đổi mới phương pháp dạy học như sử dụng các công cụ dạy học trực tuyến vào hỗ trợ dạy học trực tiếp, tổ chức các trò chơi để giúp học sinh ôn tập tại nhà.

Nói về kỉ niệm sâu sắc với nghề, cô Linh nhớ lại, đó là tiết thao giảng đầu tiên khi cô mới vào nghề. Mặc dù đã chuẩn bị rất kĩ, nhưng do chưa có kinh nghiệm cùng với tâm lí lo lắng, cứ dạy đến đâu là cô xóa sạch bảng đến đó. “Khi thấy đồng nghiệp dự giờ phía dưới cười cười tôi càng lúng túng không biết mình nói gì sai cứ đưa tay đầy phấn lau mặt. Tiết học đó đã trở thành một bài học, một kỉ niệm mà tôi không bao giờ quên. Từ đó tôi luôn nhắc nhở bản thân, dù trong tình huống nào cũng cần giữ sự bình tĩnh, làm chủ kiến thức, làm chủ tiết dạy để mang đến những bài giảng hay cho học trò” – cô Linh nói.

Cô Trương Thị Phương Thảo - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi - chia sẻ: Cô Linh là giáo viên nhiệt huyết, say mê với sự nghiệp trồng người. Quá trình công tác cô giáo có nhiều thành tích đáng ghi nhận. Cô Linh hiện là tổ phó chuyên môn 4, 5, luôn có những đóng góp tích cực cho trường, cho ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Nên hay không?

GD&TĐ - Trong xu thế tự chủ đại học, nhiều cơ sở đào tạo đã chủ động xét tuyển sớm.